Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 8 năm 2021 | 12:41

Hà Nội nâng “chất” và “phủ sóng” nhà văn hóa

Cơ sở vật chất văn hóa là tiêu chí số 6 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Những năm qua, hàng trăm nhà văn hóa trên địa bàn Hà Nội đã được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần quan trọng vào nâng cao đời sống cho người dân. Thủ đô đang nỗ lực triển khai giải pháp hỗ trợ để nhà văn hóa được “phủ sóng” tất cả thôn, làng trong thời gian sớm nhất.

 

anh-1.jpg
Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2022, tất cả thôn, làng đều có nhà văn hóa đạt chuẩn.
Trong ảnh: Diện mạo khang trang của Nhà văn hóa thôn Xuân Đồng, xã Tân Minh
(huyện Sóc Sơn). Ảnh: Mai Nguyễn.

 

Nâng cao đời sống văn hóa

Nhà văn hóa tại thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) không chỉ là nơi hội họp của người dân mà còn là nơi tập luyện của thành viên các câu lạc bộ văn nghệ, dưỡng sinh… và tổ chức thi đấu thể thao của thôn. Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Văn Đức cho biết: Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát, nhà văn hóa các thôn trở thành địa điểm họp của các tổ Covid-19 cộng đồng, nơi tiếp nhận ủng hộ tiền và vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.  Người dân mong dịch bệnh sớm qua đi để các hoạt động văn hóa, thể thao được trở lại bình thường, góp phần nâng cao đời sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Còn ông Bùi Văn Trường ở thôn Tháp Thượng phấn khởi chia sẻ: “Từ khi có nhà văn hóa khang trang, tất cả hoạt động của thôn đều diễn ra ở đây. Nhân dân rất phấn khởi”.

Thôn An Hiền (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) lâu nay được biết đến là điểm sáng của phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong khuôn viên nhà văn hóa còn có một thư viện sách khang trang, rộng rãi, góp phần tạo nên một quần thể vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao bổ ích. Theo thủ thư Trần Quang Điền, với 2.000 cuốn sách, thư viện là kho tri thức mà người dân An Hiền luôn nâng niu, trân trọng gìn giữ. Xác định tri thức là điều quan trọng để thay đổi nhận thức, hành vi trong xây dựng nếp sống văn hóa nên năm 2015 người dân thôn quyết tâm xây dựng thư viện từ nguồn vốn xã hội hóa hơn 200 triệu đồng. Khi chưa có dịch Covid-19, thư viện mở cửa vào hai buổi chiều trong tuần, thu hút đông đảo bạn đọc ở mọi lứa tuổi.

Ông Điền nhấn mạnh, xã hội hiện đại, con người có nhiều mối quan tâm nhưng có thể nói thư viện đã thành công trong việc thu hút người dân và đặc biệt là các em nhỏ đến với sự đọc, từ đó bồi đắp kiến thức bổ ích về văn hóa, lịch sử, pháp luật... Nhằm giúp thư viện thôn luôn mới mẻ, hấp dẫn bạn đọc, cứ ba tháng một lần Thư viện Hà Nội lại mang đến cho chúng tôi mượn các đầu sách mới.

Nếu có dịp về Tổ dân phố số 3, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên trước ý tưởng xây dựng sân chơi “Nỏ thần” mang đặc trưng của vùng đất Đông Anh - nơi phát tích truyền thuyết Nỏ thần gắn với đời vua An Dương Vương. Hình ảnh chiếc nỏ thần khổng lồ bị phân thành 4 phần, rải quanh sân chơi, ẩn hiện giống hình ảnh từng đoạn thành Cổ Loa trong hiện tại biểu trưng cho sự hiện diện của lịch sử giữa thị trấn sầm uất. Chúng tôi cảm tưởng khi các em nhỏ chơi đùa và chạm vào móng thần trên nỏ thần cũng như được học thêm về lịch sử của kinh đô Âu Lạc và những bài học của nó sẽ không bị lãng quên trong xã hội hiện nay.

Bà Đặng Thị Phương Hồng, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố số 3, thị trấn Đông Anh đánh giá: “Đây là sân chơi cộng đồng thân thiện, bổ ích, là nơi giải trí an toàn, lành mạnh, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Nhưng hơn hết, đó còn là sân chơi mang tính giáo dục, có ý nghĩa, giá trị lịch sử sâu sắc bởi hình ảnh chiếc nỏ thần khổng lồ cũng như thành Cổ Loa được tái hiện, được “sống lại” một cách sinh động, hấp dẫn”.

 

anh-2.jpg
Người dân tìm hiểu sách ở phòng đọc Nhà văn hóa thôn An Mỹ, xã Đại Thắng
(huyện Phú Xuyên). Ảnh: Mai Nguyễn.

Nâng “chất” tiêu chí nông thôn mới

Hiện, tại các huyện Ðông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Quốc Oai..., các thôn, làng đều được đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang, có khuôn viên sạch, đẹp. Một số địa bàn, nhà văn hóa thôn được xây dựng 2 tầng, có thư viện, phòng chơi bóng bàn…

Mặc dù vậy, tại một số huyện như Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ…, việc xây dựng nhà văn hóa còn nhiều khó khăn. Ví dụ, Phúc Thọ mới có 88/163 nhà văn hóa, nhà hội họp đạt tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (chiếm 54%). “Nguyên nhân là, nhiều nhà văn hóa được xây dựng cách đây 15-20 năm, có quy mô nhỏ và đã xuống cấp nên không đạt chuẩn...”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đến tháng 8/2020, sau khi kiện toàn, sáp nhập các thôn, làng (theo Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 26-12-2019 của HĐND TP. Hà Nội), thành phố có 2.155/2.394 thôn có nhà văn hóa (chiếm 90%); 239 thôn chưa có nhà văn hóa hoặc nhà văn hóa đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn sử dụng được. Đến hết năm 2020, ngân sách thành phố đã hỗ trợ các huyện đầu tư xây dựng được 109 nhà văn hóa với mức 2,5 tỷ đồng/nhà; số nhà văn hóa còn thiếu là 130, dự kiến được hỗ trợ trong năm 2021.

Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng. Tiêu chí “chấm điểm” xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao mỗi giai đoạn lại được điều chỉnh theo hướng đáp ứng ngày càng cao hơn. Ví như, ở giai đoạn 2011-2015, chỉ cần có nhà hội họp là cũng có thể được điểm tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, nhưng hiện nay, đòi hỏi phải có nhà văn hóa đạt chuẩn… Chính vì vậy, các địa phương cần không ngừng nâng “chất” các tiêu chí nông thôn mới.

Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, các địa phương cần nỗ lực vào cuộc, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng các địa điểm dự kiến xây dựng nhà văn hóa. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để có thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, hội họp và làm phong phú hoạt động của nhà văn hóa.

Mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” của Thành ủy Hà Nội đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát tổng thể nhà văn hóa trên địa bàn các huyện. Trên cơ sở đó, đánh giá, phân loại, tổng hợp danh mục, báo cáo UBND thành phố về việc hỗ trợ xây dựng các nhà văn hóa theo quy định. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2022, tất cả thôn, làng đều có nhà văn hóa đạt chuẩn.

 

 

Nguyễn Mai
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top