Tình trạng san lấp đất nuôi trồng thủy sản; đổ đất 'bức tử' hồ làm biệt thự… tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn, thậm chí có dấu hiệu "làm ngơ" cho sai phạm?
Hà Nội: Nham nhở khai thác đất đồi ở Ba Vì
Liên quan đến thông tin khai thác đất đồi trên địa bàn Phú Sơn, huyện Ba Vì bị băm nát, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn (huyện Ba Vì, Hà Nội) khẩn trương xác minh, làm rõ, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm về đất đai đang diễn ra trên địa bàn xã Phú Sơn.
Tuy nhiên, thay vì làm rõ, xử lý nghiêm những vi phạm, chính quyền địa phương lại thông tin chưa đúng sự thật về tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn, thậm chí có dấu hiệu "làm ngơ" cho sai phạm.
Hậu quả là nhiều vùng đồi tại xã Phú Sơn vẫn đang tiếp tục bị "gặm" nham nhở, làm "chảy máu" tài nguyên đất, gây bức xúc trong nhân dân.
Thông tin từ nhân dân xã Phú Sơn phản ánh, khu vực đang khai thác đất đồi trái phép, hàng đoàn xe tải "4 chân" cơi nới thùng xe, chở đất không che chắn, chạy nhanh, tung bụi phủ kín cả đoạn đường tỉnh lộ 411C.
Tại đây như một đại đông trường, các loại máy xúc "gầm rít" càng to hơn, làm náo động của một vùng đồi. Mặc dù, hoạt động khai thác đất trái phép tại khu vực này diễn ra ngang nhiên giữa ban ngày và khá rầm rộ và khai thác đá quá mức khiến cho cây rừng bị cạo trọc nên khi mưa xuống, nước từ trên núi đổ xuống như thác, cuốn trôi nhiều thứ.
Được biết, liên quan đến tình trạng khai thác, thu gom đất đồi trái phép đang diễn ra trên địa bàn xã Phú Sơn, ngày 29/6/2020, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đã ra công văn số 1298/UBND chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn kiểm tra, yêu cầu dừng ngay các hoạt động khai thác đất đồi trên địa bàn...
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì giao Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn khẩn trương rà soát, tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm của các hộ gia đình, cá nhân (nếu có) để thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì sẽ tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đất đai theo quy định.
Trên thực tế, tình trạng khai thác đất đồi trái phép trên địa bàn thôn Quy Mông, xã Phú Sơn vẫn diễn ra tràn lan với quy mô lớn thế nhưng trả lời báo chí về vấn đề này, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn lại khẳng định đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Phú Sơn không còn hoạt động khai thác đất đồi.
Như vậy, thông tin lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn cung cấp có đúng sự thật? Đặc biệt, có hay không việc "làm ngơ" cho sai phạm, buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng đồi rừng ở Phú Sơn vẫn tiếp tục bị "gặm" nham nhở?
Tiếp nhận thông tin từ ông Nguyễn Đức Cảnh - chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì cho báo chí, những năm gần đây, trên địa bàn xã Phú Sơn thực hiện rất nhiều các dự án trọng điểm của thành phố như: Dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ giai đoạn 1; Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 411C; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư X5; Dự án xây dựng cầu Việt Trì nối Quốc lộ 32 Quốc lộ 32C; Dự án đường nối Quốc lộ 32-Nghĩa trang Yên Kỳ-hồ Suối Hai giai đoạn 1... Quá trình thực hiện các dự án gặp một số khó khăn vướng mắc do khan hiếm đất để san lấp mặt bằng.
Cùng thời điểm đó, một số hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất (chủ yếu có nguồn gốc là đất ở, đất trồng cây lâu năm) tại khu đồi Lỗ Mong, đồi Cao Lĩnh, đồi Lỗ Gội thuộc xã Phú Sơn có nhu cầu cải tạo, hạ bớt độ cao của thửa đất do có độ cao và độ dốc lớn rất khó khăn trong việc xây dựng nhà ở, đi lại và trồng cây.
Do vậy, việc khai thác đất đồi theo nội dung báo chí phản ánh là đúng, tuy nhiên đây là việc một số hộ gia đình, cá nhân tự thỏa thuận cho đơn vị thi công (Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh) được tận dụng phần đất thừa để thực hiện việc san lấp mặt bằng một số dự án.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn Chu Anh Tuấn, người dân đã cho các đơn vị đào đất sâu, vì có thể doanh nghiệp hỗ trợ tiền ban đầu nên đã lạm dụng khai thác.
Về việc này, Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn đã giám sát nhưng chưa được đầy đủ. Ông Chu Anh Tuấn khẳng định nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra sẽ không phục hồi được sản xuất.
Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn đã có văn bản chỉ đạo các thôn, xóm tuyên truyền để nhân dân nhận thức được việc khai thác thái quá sẽ không phục hồi lại được.
Bên cạnh đó, qua thông tin của báo chí phản ánh, chính quyền địa phương sẽ rút kinh nghiệm, xem xét lại cách quản lý, để không bị mất đi tài nguyên.
Các bài báo phản ánh về việc trên địa bàn huyện Ba Vì nói chung và xã Phú Sơn nói riêng có tình trạng các chủ đầu tư, nhà thầu thu gom đất đồi của các hộ dân để hạ nền đất, cải tạo vườn đồi, chuyển đổi cây trồng và tận dụng để khai thác đất ồ ạt, dẫn đến các vùng đồi bị "băm nát," lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, thậm chí có những điểm khai thác đất thiếu an toàn, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.
Ngay sau đó, ngày 15/6/2020, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có công văn giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì kiểm tra, làm rõ sự việc mà Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.
Tiếp theo đó, ngày 2/7/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã có công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm pháp luật đất đai (nếu có) theo quy định của pháp luật. Đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì chịu trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm vi phạm
Theo báo Công luận đưa tin, Công văn nêu rõ: Vừa qua, một số báo có phản ánh: Hồ Đại Lải - công trình cung cấp nước ngọt cho tỉnh Vĩnh Phúc và TP. Hà Nội, đồng thời là danh thắng nổi tiếng đang bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc. Suốt chiều dài gần 1km, hàng chục nghìn khối đất được bạt từ quả đồi sát cạnh đổ thẳng xuống mép hồ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân tỉnh Vĩnh Phúc, kiểm tra thông tin báo nêu, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian qua, báo chí liên tục về tình trạng hàng loạt doanh nghiệp san nền, đổ đất 'bức tử' hồ Đại Lải làm biệt thự.
Mới đây, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã ban hành kết luận kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lả. Hồ Đại Lải có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho TP Phúc Yên và 2 xã thuộc huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực hồ Đại Lải, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép nhiều doanh nghiệp khai thác du lịch tại đây với các dịch vụ như khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, sân golf... Việc phát triển du lịch của các doanh nghiệp đã dẫn đến hệ lụy lòng hồ bị thu hẹp và xảy ra tình trạng san lấp, lấn chiếm lòng hồ.
Việc lấn chiếm hồ Đại Lải đã được đề cập từ năm 2019. Đến đầu năm 2020, hoạt động lấn chiếm, "bức tử" hồ diễn ra rầm rộ với quy mô lớn, buộc các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNN phải vào cuộc kiểm tra và ban hành kết luận.
Tại kết luận số 253 ngày 20.2.2020 của Tổng cục Thủy lợi chỉ rõ việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, trong đó có diện tích được tôn nền để xây dựng công trình, làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa, ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Ngoài ra, việc tôn nền đối với phần diện tích cao trình dưới MNDBT (diện tích ngập hoàn toàn theo thiết kế) làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất đã được xác định là hồ chứa thủy lợi vi phạm khoản 2 Điều 163 Luật Đất đai và khoản 39 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai.
Kết luận chỉ rõ, trong 4 doanh nghiệp được kiểm tra thì có 3 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Đại Lải, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và Thương mại Nhật Hằng, Công ty TNHH Đạt Tiến này đã san nền, đổ đất, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ... trong phạm vi bảo vệ hồ chứa Đại Lải, thực hiện các hoạt động nhưng không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc hoạt động không đúng nội dung quy định của giấy phép đã được cấp là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Đáng chú ý, qua kiểm tra hiện trường dự án dự án khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc thì Công ty TNHH Đạt Tiến đã đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất lấn chiếm về phía lòng hồ (nằm ngoài ranh giới đất được giao) từ khoảng cao trình +19,0m đến +21,7m và đã trồng cây cảnh, làm đường bằng bê tông ven hồ (theo Kết luận thanh tra hồi tháng 1.2019 của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc diện tích đất lấn chiếm là gần 15.600m2)....
Từ thực tế trên, Tổng cục Thủy lợi kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan, địa phương và tổ chức liên quan dừng toàn bộ các hoạt động của các doanh nghiệp thi công đào đất, san lấp tạo mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải từ cao trình +23m trở xuống lòng hồ.
Đồng thời, rà soát và có giải pháp xử lý, khắc phục tồn tại về việc san lấp tôn nền lấn chiếm trong phạm vi lòng hồ; Xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật về thủy lợi và các quy định pháp luật khác liên quan.
Cấp, điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải theo quy định của pháp luật thủy lợi;…
Theo VietnamNet, mới đây Chủ tịch UBND TP Phúc Yên Phan Tiến Dũng cho biết, sau khi Tổng cục thủy lợi có kết luận, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra các dự án đang triển khai tại khu vực hồ Đại Lải. Thời gian kiểm tra từ ngày 17.4 và hạn cuối ban hành kết luận là không quá 30 ngày.
"UBND TP Phúc Yên chỉ là thành viên trong đoàn kiểm tra của tỉnh, về phân cấp quản lý thì mặt nước do Tổng cục Thủy lợi quản lý (Tổng cục giao cho Công ty Thủy lợi Phúc Yên). Còn các doanh nghiệp hoạt động thì tỉnh cấp phép và giao mốc giới", lời ông Dũng.
Ở góc độ TP Phúc Yên, ông Dũng cho biết thời điểm trước kết luận của Tổng cục thì UBND TP cũng nhận được phản ánh của người dân về tỉnh trạng lấn hồ, tuy nhiên do thời điểm đó TP chưa nắm được mốc giới mà các doanh nghiệp được giao nên khó xử lý.
"Thành phố đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cử cán bộ chuyên môn xuống cắm mốc giới, bởi vì khi tỉnh giao mốc cho các doanh nghiệp thì TP không nắm được.
Hiện nay, các mốc giới chúng tôi đã nắm được và các doanh nghiệp cứ thực hiện trong mốc giới. Chúng tôi theo chỉ đạo của tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng thi công, còn kết luận đúng sai thế nào phải chờ kết luận của đoàn kiểm tra tỉnh", ông Dũng nói.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.