Ông Đường Văn Lộng, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang xuống giống 4 ha lúa OM18, cùng với đầu tư 80 triệu phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Lúa 45 ngày, ông phát hiện nhiều diện tích bị nhiễm muỗi hành nặng, lúa trổ ống hành thay vì ra bông.
"Ban đầu chỉ vài bụi, tưởng nhẹ nhưng mấy bữa sau nhiễm cả ruộng. Càng cứu lúa càng lỗ nên tôi bỏ luôn", ông Lộng cho biết.
Gần đó thửa ruộng một ha của chị Neng Duong cũng bị dịch muỗi hành tấn công, khi đã bón phân cữ cuối (lần 3). Cả vụ chị Duong đầu tư hơn 30 triệu đồng tiền giống, phân bón, công làm đất..., song chỉ thu 3 tấn lúa, giảm 60% so với các năm. Với giá 5.400 đồng một kg lúa tươi, chị thu về 15 triệu đồng, lỗ 18 triệu đồng.
Theo chị Duong, chưa năm nào thấy dịch muỗi hành nhiều như lúc này. Cánh đồng sau nhà chị thiệt hại nặng nhất xã. Hàng trăm công đất bị bỏ trắng vì chủ càng làm càng lỗ.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang, chỉ tính riêng huyện Tịnh Biên, diện tích lúa bị muỗi hành tấn công gần 1.000 ha, chiếm gần 6%, chủ yếu mức độ gây hại từ nhẹ đến trung bình.
Tương tự, tại Kiên Giang diện tích lúa Đông Xuân bị muỗi hành gây hại hơn 2.000 ha trong đó hơn 530 ha nhiễm nặng. Những ruộng bị muỗi hành gây hại nặng thường ngập sâu dưới nước nên nông dân khó chăm sóc.
Đồng Tháp ghi nhận hơn 1.700 ha diện tích lúa Đông Xuân bị muỗi hành, trong đó nhiễm nặng hơn 40 ha, nhiễm trung bình gần 500 ha, tập trung ở các huyện Thanh Bình, Lấp Vò, Lai Vung và Châu Thành.
Muỗi hành, còn gọi là sâu năn, thải ra chất độc làm gốc bẹ lúa phồng to, bên trong rỗng. Khi bị muỗi hành xâm nhập đọt lúa phát triển thành ống như lá hành, lúa không cho bông. Triệu chứng lúa do muỗi hành hại giống như lúa bị hạn, bệnh do virus (bệnh vàng lùn, bệnh Tungro), sâu đục thân...
Bà Nguyễn Ngọc Thiều, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, cho biết khi phát hiện nhiễm muỗi hành, nông dân cần khai nước khỏi ruộng, bón bổ sung phân lân và kali, kích thích đẻ nhánh, hạn chế thiệt hại năng suất cuối vụ.