Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 11 tháng 5 năm 2022 | 13:29

Hành lang đường sắt bị người dân lấn chiếm, trách nhiệm thuộc về ai?

Tại hai huyện Hoài Đức và Phú Xuyên (Hà Nội) đang tồn tại tình trạng lấn chiếm, thậm chí xây nhà bao trùm lên cả đường dây thông tin tín hiệu và ngang nhiên làm đường bê tông trên hành lang đường sắt.

Một tháng, xã vẫn chưa xác minh được người vi phạm
 
Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với địa phương, các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra các điểm vi phạm hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn xã La Phù (huyện Hoài Đức). Đây là địa bàn phức tạp về tình hình vi phạm hành lang đường sắt, lối đi tự mở.
 
Tại buổi kiểm tra, Cục Đường sắt Việt Nam ghi nhận người dân đã làm đường bê tông dài 200m, rộng 12m với đầy đủ dải phân cách, gờ giảm tốc trên đất hành lang đường sắt.
 
Ông Nguyễn Giang Hải, Trưởng phòng Thanh tra An toàn 1, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, việc người dân tự ý san gạt, đổ bê tông làm đường trên hành lang đường sắt đã được đơn vị quản lý, bảo trì trên tuyến là Công ty CP Đường sắt Hà Thái phát hiện từ tháng 3/2022, báo chính quyền địa phương lập biên bản và đề nghị xử lý. Tuy nhiên, tình trạng này không được xử lý dứt điểm.
 
Đến ngày 29/3/2022, Cục Đường sắt Việt Nam đã tổ chức kiểm tra hiện trường, xác định từ km 22+700 đến km 22+900 tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển, các hộ dân tự ý thi công xây dựng đường bê tông làm đường đi lại trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, với diện tích vi phạm 184,5m2. Đường bê tông làm sát vào chân nền đá ba lát đường sắt.
 
Đoạn từ km 23+600 đến km 23+710, người dân cũng tự ý đổ bê tông làm đường trên hành lang đường sắt, cách mép ray ngoài cùng 2m, dài 110m, rộng 6,5m.
 
antd-lan-chiem-hanh-lang-duong-sat01-6.jpg
Người dân trên địa bàn xã La Phù làm đường bê tông trên đất hành lang đường sắt, sát chân ray đường sắt.
Tại biên bản cuộc kiểm tra này, các bên đã thống nhất biện pháp giải quyết, trong đó UBND xã La Phù xác minh làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật; Chủ động phối hợp với Công ty CP Đường sắt Hà Thái kiểm tra, xử lý công trình xây dựng trái phép này, thời hạn xong trước ngày 10/4/2022.
 
Tuy nhiên, sau 1 tháng, công trình vi phạm không được xử lý mà còn phát sinh thêm các vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể: Tại đoạn từ km 22+700 đến km 22+900, thi công lắp dựng 54 cọc tiêu bằng thép tôn; Trồng 35 cây xanh cao 2,5m; Xây dựng bục bê tông ở 2 đầu đoạn đường bê tông vi phạm. Đoạn từ km 23+600 đến km 23+710 phát sinh nhiều điểm tập kết vật liệu xây dựng...
 
Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù, cho biết, đây là công trình trái phép, UBND xã không nắm được diễn biến xây dựng, do dân thực hiện “trộm” trong đêm. Đáng nói, theo lãnh đạo xã La Phù, một tháng nay xã cũng chưa tìm ra người vi phạm để xử lý?!
 
Ông Nguyễn Minh Khai, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Thái cho biết, theo quy hoạch ban đầu, tuyến đường sắt vành đai Bắc Hồng - Văn Điển là đường đôi, một đường khổ 1.000mm, một đường khổ 1.435mm. Tuy nhiên, việc xây dựng đường đôi chỉ đến ga Phú Diễn, còn đoạn Phú Diễn - Hà Đông, trong đó có đoạn chạy qua địa bàn xã La Phù chỉ có đường khổ 1.000mm, còn lại là nền đường khổ 1.435mm, cùng đó là hành lang đường sắt.
 
Từ tháng 1/2022 đến nay đơn vị liên tiếp phát hiện việc người dân đổ bê tông tươi làm đường bộ trên hành lang đường sắt; Tập kết vật tư, vật liệu như gạch, cát.
 
Xây nhà "ôm" đường dây tín hiệu, giờ xử lý sao?
 
Theo phân cấp, trách nhiệm xử lý vi phạm xây dựng thuộc về chính quyền sở tại. Phía các đơn vị khai thác đường sắt lập biên bản, báo cáo chính quyền địa phương nhưng không được xử lý khiến các vi phạm diễn biến phức tạp hơn.
 
Cụ thể, trên địa bàn huyện Phú Xuyên, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà ở trùm lên cả đường dây thông tin tín hiệu đường sắt.
 
Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, cơ quan này đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng đối với một số hộ dân ở tiểu khu Phú Mỹ, thị trấn Phú Xuyên, Hà Nội vì đã làm nhà “ôm” dây thông tin đường sắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng đường sắt, công tác an toàn chạy tàu.
 
Đáng chú ý, qua kiểm tra tuyến đường dây thông tin đường sắt chạy qua địa phận hai huyện Thường Tín và Phú Xuyên, Cục Đường sắt Việt Nam đã phát hiện nhiều vi phạm rất nghiêm trọng.
 
antd-lan-chiem-hanh-lang-duong-sat02-6561.jpg
Người dân Phú Xuyên làm nhà "ôm" luôn cả đường dây thông tin đường sắt.
Tại khu vực huyện Phú Xuyên, có hộ gia đình đã xây hoàn thiện một ngôi nhà 3 tầng kiên cố, toàn bộ đường dây thông tin đường sắt bị bó lại và chui qua tầng một của ngôi nhà. Khoảng cột thông tin số 589-590, quán cà phê Trần đã làm nhà bên dưới đường dây thông tin, lợp mái cọ (mới) trùm lên đường dây, nguy cơ cháy nổ rất cao.
 
Cũng tại khu vực huyện Phú Xuyên, khoảng cột thông tin số 588-589, có quán bán bia (khung sắt, lợp mái tôn) diện tích dài 25m, rộng 10m, cao 6m được xây dựng dưới đường dây thông tin; Cột thông tin số 589 chui giữa mái tôn.
 
Tại khu vực huyện Thường Tín, từ khoảng cột thông tin số 487-490, có hơn 20 hộ dân làm nhà, bắn mái tôn sát đường dây thông tin đường sắt, có vị trí trùm lên đường dây; Hầu hết các cột thông tin đều nằm trong các mái tôn, hoặc các công trình xây dựng bao quanh.
 
Để xử lý các vi phạm, đảm bảo an toàn hành lang ATGT đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo đơn vị bảo trì tổng hợp, báo cáo và cung cấp hồ sơ, tài liệu các vụ vi phạm trên địa bàn 2 huyện Thường Tín và Phú Xuyên.
 
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho biết, Cục đã yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát việc phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình đường dây thông tin đường sắt thời gian qua trên địa bàn hai huyện Phú Xuyên... Tuy nhiên, đến bao giờ các vi phạm này mới được xử lý dứt điểm, cần thời gian trả lời...
 
 
 
Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top