Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 2 năm 2017 | 2:53

Hiệu quả từ các dự án khuyến ngư: Một người làm, ngàn người biết

Năm 2016 là năm đầy khó khăn và biến động đối với ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói riêng. Song với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của các cấp từ Trung ương đến địa phương, sự chủ động của nông ngư dân, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2015.

Đại biểu thăm quan mô hình nuôi tôm theo quy trình VietGAP thuộc dự án KN trung ương tại huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh.

Đạt được thành công trên có sự đóng góp không nhỏ của các dự án khuyến ngư đã thực hiện trong năm.

Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP” đã xây dựng được 9 mô hình tại 9 tỉnh, thành, gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Long An, Tiền Giang và Kiên Giang, với quy mô 18ha. Ao nuôi tôm áp dụng VietGAP đã cho thu hoạch với năng suất trung bình 11,5 tấn/ha (không mô hình nào bị dịch bệnh), trừ chi phí,  thu lãi 600 - 850 triệu đồng/ha. So với mô hình nuôi tôm khác thì mô hình áp dụng VietGAP đã làm tăng tỷ lệ sống, tiết kiệm chi phí thuốc, hóa chất, kháng sinh, thức ăn và hạn chế bệnh và dịch, giá bán cao hơn ngoài mô hình 5.000 - 10.000 đồng/kg, từ đó lợi nhuận tăng trung bình 30%. Tại các cuộc hội thảo, mô hình được đông đảo người dân quan tâm nhân rộng do hạn chế dịch bệnh, không có tác động xấu đến môi trường nuôi và sản phẩm tôm sú, tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được các doanh nghiệp lựa chọn bao tiêu sản phẩm.

Dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” xây dựng được 5 mô hình đánh giá cấp chứng nhận theo VietGAP tại 5 tỉnh, thành, gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An, với quy mô 15ha. Tổng sản lượng 256 tấn, hiệu quả tăng cao hơn 20% so với ngoài mô hình, sản phẩm cá rô phi đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đây cũng là điểm mới của mô hình.

 Với những kết quả đạt được, dự án đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và quảng bá trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó lợi ích của mô hình được đông đảo người dân học tập và nhân rộng, diện tích nhân rộng đã tăng lên 100ha.

Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP” được xây dựng tại 7 tỉnh, thành là Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang. Với những kết quả đã đạt được năm 2015, kết thúc dự án trong năm 2016, diện tích nuôi cá tra thương phẩm được chứng nhận VietGAP đạt trên 400ha, tăng gấp 10 lần so với năm 2014. Mô hình được đánh giá là thành công lớn, làm giảm chi phí sử dụng thuốc, hóa chất, giảm các chi phí liên quan đến việc kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, từ đó giảm giá thành sản phẩm 10-15% so với các mô hình nuôi không áp dụng VietGAP. Tại các cuộc hội thảo, mô hình đã thu hút được nhiều ngư dân tham quan học tập và áp dụng quy trình này, nhân rộng ra thành vùng chuyên canh.

Sau 3 năm triển khai, Dự án “Phát triển mô hình sản xuất ngao giống” đã đạt 100% kế hoạch đề ra. Các tỉnh, thành xây dựng mô hình đạt hiệu quả cao như: Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang, Bến Tre, tỷ lệ sống từ ngao giống cấp I lên cấp II đạt trên 50%; số lượng giống của 6 mô hình đạt 844,3 triệu con ngao giống cấp II (yêu cầu của dự án đạt 750 triệu con). Trong khi đó, tỷ lệ sống của ngao giống cấp I lên cấp II của các hộ ngoài mô hình chỉ đạt tối đa 35%. Mô hình cho tỷ lệ sống của ngao thịt cao và giảm giá thành con giống, người nuôi ngao thịt có giá thành sản xuất cạnh tranh khoảng 5.000 đồng/kg, người nuôi chỉ cần bán 8.000 đồng/kg là đã có lãi, do đó hiệu quả tăng cao hơn so với ngoài mô hình từ 10-15%; đồng thời còn giúp nông ngư dân tiếp cận với những kỹ thuật tiến bộ mới.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên tàu khai thác xa bờ” đã đem lại lợi nhuận cao cho chủ tàu và các thuyền viên. Sau khi lắp máy dò ngang SONAR trên tàu khai thác xa bờ, năng suất nhiều tàu tăng lên hơn 200%, hiệu quả tăng cao do tiết kiệm thời gian đi tìm đàn cá và rút ngắn thời gian đi biển. Các tàu khai thác xa bờ khi áp dụng đóng hầm bảo quả bằng vật liệu PU làm giảm tổn thất sau thu hoạch từ 25-30% xuống còn 15%. Đặc biệt, cá được bảo quản bằng hầm mới nên đảm bảo chất lượng, giá bán cao hơn hầm cũ từ 10.000-15.000 đồng/kg. Hầm bảo quản mới có tuổi thọ cao hơn 4-5 lần hầm bảo quản truyền thống.

Nhằm phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong năm qua, trong năm 2017, các dự án khuyến ngư tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực như an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh  gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra bền vững với mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân, kết hợp với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trương sẽ thực hiện đồng bộ với công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao và thông tin tuyên truyền để một người làm, hàng ngàn người biết học tập, qua đó nhân rộng.                            

P.V

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã chủ động hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt đàn gia súc, gia cầm.

  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

  • Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Anh Phạm Minh Biên (36 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) sưu tầm nhiều giống gà, vịt “độc, lạ” như gà sư tử Ba Lan, gà Serama, vịt gọi… mang về nhân giống bán, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.

Top