Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 7 năm 2017 | 1:18

Hiệu quả từ những lớp học đồng ruộng

Những lớp học đồng ruộng (FFS) và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) do Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO) hỗ trợ Việt Nam từ năm 1992 -1996 để bảo tồn đất, nước, nguồn di truyền động, thực vật, môi trường được Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội) áp dụng ngay sau đó. Đến nay, những lớp học này vẫn được duy trì và ngày càng phát huy tác dụng.

Cán bộ Trạm BVTV Gia Lâm thăm cánh đồng rau của HTX Văn Đức.

Hỗ trợ ban đầu của FAO

Được biết, từ những lớp học được FAO hỗ trợ kinh phí và tập huấn trên đồng ruộng cho nông dân những năm 1992-1996, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã triển khai 46 khóa học tại 7 trung tâm cho 1.610 giảng viên IPM và tổ chức lớp học đồng ruộng cho các tỉnh, thành trên toàn quốc. Theo đó, nông dân được đào tạo nghề thực tế trên đồng ruộng, kéo dài suốt vụ (mỗi tuần 1 buổi), khoảng 30 người/lớp. Tại đây, họ được khám phá, so sánh, lựa chọn kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất. Nhờ cách truyền đạt dễ hiểu, có cả cầm tay chỉ việc nên bà con có thể áp dụng được ngay. 

Sau khi tiếp thu phương pháp trên, năm 1993, Hà Nội đã triển khai ứng dụng và trở thành một trong những địa phương thực hành sớm nhất toàn quốc phương pháp IPM. Từ 1993 - 2015, Hà Nội cử người đi đào tạo bằng nguồn kinh phí của FAO cho 117 giảng viên IPM trên lúa, rau; tổ chức 21 khóa IPM lúa với 595 giảng viên, 12 khóa IPM rau với 278 giảng viên bằng nguồn kinh phí của thành phố và của huyện. Tổ chức 4.687 lớp học đồng ruộng, lớp nghiên cứu và lớp mô hình cho 113.403 nông dân, trong đó có 3.682 lớp FFS cho 95.603 người. Tổ chức 803 lớp nghiên cứu cho 12.000 nông dân học suốt vụ (14-16 buổi) và 204 lớp mô hình lúa (từ 4 - 50ha) với diện tích 4.222ha cho 17.800 nông dân.

Đặc biệt, đối với cây rau, suốt thời gian dài, Hà Nội kiên trì áp dụng các biện pháp không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nêu cao khẩu hiệu đảm bảo an toàn thực phẩm, lợi ích người sản xuất, thông qua tăng vụ, tăng năng suất, giảm chi phí vật tư và công lao động như che phủ nylon theo luống khi trồng rau trái vụ; dùng bẫy dẫn dụ côn trùng (Flykil) diệt ruồi đục quả họ Bầu bí, ruồi đục lá họ Đậu, cây ăn quả có múi, ổi… Bẫy chua ngọt diệt trưởng thành họ ngài đêm như sâu khoang trên rau ngót, rau muống, rau họ Hoa thập tự, họ Đậu; diệt sâu xanh da láng trên hành, họ Đậu, măng tây, sâu xanh đục quả cà chua,... Luân canh rau với ngâm nước ruộng 10 ngày để diệt bọ nhảy trên rau họ Hoa thập tự, bệnh héo xanh họ Cà và các bệnh hại trong đất. Vì vậy, cây trồng ít bị sâu bệnh, giảm tối đa thuốc BVTV, giá trị sản xuất đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Những lớp học ở Hà Nội

Nhờ những lớp học FFS duy trì suốt thời gian dài như vậy, tính đến 2015, năng suất rau của Hà Nội tăng 53% (năm 2000 đạt 13,1 tấn/ha, năm 2015 đạt 20 tấn/ha), có trên 1.200ha rau đạt giá trị thu nhập 1 tỷ đồng/ha/năm. Tỷ lệ sử dụng thuốc sâu sinh học đạt khoảng 60%, số lần sử dụng thuốc giảm 30%, chi phí sử dụng thuốc giảm 50%, tỷ lệ mẫu rau vượt dư lượng tối đa cho phép trên 1%; lượng thuốc BVTV bằng 0,3% so với toàn quốc (Hà Nội 360 tấn/năm, toàn quốc 116.500 tấn/năm).

Chuẩn bị rau cho khách hàng trong Khu sơ chế của HTX Văn Đức. 

Nông dân sau khi tham gia lớp  FFS đã chủ động lựa chọn biện pháp kỹ thuật trên đồng ruộng, biết cách tổ chức một lớp FFS từ công tác chuẩn bị đến huấn luyện, tuyên truyền. Biết thuyết phục lãnh đạo địa phương chi kinh phí và tổ chức thực hiện. Mặt khác, hiệu quả xã hội cũng tăng lên: nông dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm với nhau, được học hỏi, giao tiếp, mạnh dạn, chủ động đề xuất với lãnh đạo địa phương hoặc nói trước đám đông, không e ngại, thờ ơ như trước đây.

Ông Nguyễn Đình Sơn, xã Thư Phú (Thường Tín), cho biết, ông có 7sào ruộng, trồng rau trên 20 năm nay, với các loại như: cần tây, cải ngọt, cà chua, bắp cải... Tham gia lớp FFS và IPM 6 năm nay, mỗi năm đi học 2 lần, mỗi lần 15 ngày, ông đã biết nhiều phương pháp làm rau an toàn, bón giảm phân đạm, nhờ đó chi phí giảm, thu nhập tăng. Hai năm nay, ông đã làm cà chua trong nhà lưới, có che nylon nên mưa không rửa trôi đất, không tốn phân bón, cà chua sai quả hơn. Hiện, ông Sơn đang trồng đậu tương để cải tạo đất, thời gian 3 tháng/năm. Khi chưa tham gia lớp học, chi phí trên đồng ruộng nhiều, cũng diện tích ấy, nhưng thu nhập chỉ đạt 20 - 25 triệu đồng/năm nhưng nay đã gấp 4 -5 lần, 100 - 120 triệu đồng/năm.

Còn nhớ chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rau an toàn Văn Đức (Gia Lâm) vào sáng sớm một ngày cuối năm 2016. Tình cờ, trên cánh đồng Văn Đức hôm ấy, ông Đặng Văn Tới, thôn 1, cũng đi kiểm tra rau sớm hơn thường lệ. Vì vậy, ông được Thủ tướng gọi đến hỏi nhanh về việc sử dụng thuốc BVTV trên rau. “Rất may, tôi học bài và thực hành khá trôi chảy, nên đã trả lời nhanh gọn, được Thủ tướng khen. Ngoài ra, Thủ tướng còn cho biết, đồng ruộng Văn Đức sạch, đẹp, vỏ thuốc BVTV để gọn trong thùng rác, không vương vãi ra ngoài. Xem kỹ vỏ bao thì thấy sử dụng nhiều sản phẩm sinh học”, ông Tới chia sẻ.

Trạm trưởng Trạm BVTV Gia Lâm, bà Hoàng Thị Thúy Nga, cho biết, huyện đang có 2 lớp học an toàn thực phẩm (ATTP) và IPM. Theo đó, lớp ATTP có những nội dung cơ bản như: Dư lượng, hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng vi sinh vật, dư lượng nitơrát, dư lượng thuốc BVTV trên cây trồng phải dưới mức cho phép. Lớp IPM học trên đồng ruộng, mỗi tuần 1 chủ đề khác nhau, mỗi  lớp có từ 50 - 100 người. Ngoài ra, mỗi năm còn có 14 lớp học FFS, kinh phí do Chi cục BVTV Hà Nội hỗ trợ.                     

Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, ông Nguyễn Duy Hồng, cho biết; “Thông qua các lớp học FFS, IPM, người dân Thủ đô hiểu rõ muốn phát triển nông nghiệp bền vững phải loại bỏ việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học. Trong đó, biện pháp canh tác hợp lý và không sử dụng thuốc BVTV là cốt lõi”.

Ông Hồng cho biết thêm, qua khảo sát trong 3 năm, từ 1996 - 1998 trên 79 nông dân của 17 hợp tác xã, thuộc 11 huyện, với 235 thửa ruộng thấy, nông dân sau khi học FFS đã thay đổi tập quán canh tác. Giảm số lần sử dụng thuốc từ 1,1 lần xuống còn 0,2 lần/vụ, trong đó, thuốc trừ sâu giảm 80%, từ 0,74 lần xuống 0,1 lần/vụ. Số thửa không sử dụng thuốc BVTV từ 40% tăng lên 82%. Nông dân cũng thay đổi sử dụng phân bón về loại, liều lượng và thời điểm bón phân. Đặc biệt, Hà Nội đang nhân rộng phương pháp bón đậu tương bột, khô dầu đậu tương (không bón phân vô cơ) trên cây trồng, nhất là các loại rau. Tất cả những biện pháp trên đều đầu tư thấp, hiệu quả cao, cộng đồng dễ thực hiện.

Vì sao khó nhân rộng FFS?

Được biết, trong khi Hà Nội triển khai rộng rãi các lớp FFS, IPM thì nhiều các địa phương lại gặp khó khăn trong việc này. Điều này đồng nghĩa với việc nông dân không được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, kiến thức hoạt động cộng đồng, thị trường... Nguyên nhân có nhiều, song tựu trung lại, vì một số lý do như thiếu nguồn lực. Năm 1996, FAO kết thúc đào tạo giảng viên IPM, FFS cho các tỉnh trên toàn quốc nhưng lại không có dự án nối tiếp với kinh phí của Chính phủ, đồng thời, nguồn kinh phí hạn hẹp của các tỉnh kết hợp với Chi cục BVTV chưa thuyết phục được các ban ngành sở tại về lợi ích, sự cần thiết của FFS và IPM. Hơn nữa, chính quyền mới quan tâm đến các yêu cầu nông dân phải thực hiện, chưa quan tâm hỗ trợ, tổ chức lớp học, nhất là lớp FFS để họ nâng cao kiến thức, kỹ năng canh tác, bảo vệ cây trồng, ATTP. Trong khi đó, số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc BVTV không ngừng tăng (riêng năm 2015 có 1.785 hoạt chất và 4.094 tên thương phẩm). Các công ty, cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV liên tục quảng cáo với nhiều hình thức, chính sách khuyến mại hấp dẫn. Hậu quả là ngoại tệ và lượng thuốc BVTV từ 2000 - 2015 tăng 8 lần; từ 100.000 USD/năm lên trên 800.000 USD/năm và từ 14.000 tấn/năm lên gần 116.000 tấn/năm.

Thiết nghĩ, các tỉnh, thành trên cả nước cần khắc phục những nhược điểm trên, có cách làm  thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương mình để tổ chức những lớp FFS và IPM hiệu quả, từ đó tạo ra những nông sản an toàn.

Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top