Tuy gặp không ít khó khăn do biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn khiến một số diện tích vườn bị thiệt hại từ 30 - 75% nhưng trong năm 2016, hội viên Hội Làm vườn (HLV) Trà Vinh vẫn tích cực đầu tư, cải tạo, nâng cấp vườn kém hiệu quả để trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; tích cực xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế vườn.
Vườn cây trái ở Tân Quy, Trà Vinh.
Khuyến khích sản xuất theo VietGAP
Theo ông Lê Văn Bé, Chủ tịch HLV tỉnh Trà Vinh, tổng diện tích vườn cây ăn trái của tỉnh đạt trên 29.000ha, sản lượng năm 2016 đạt 230.000 tấn. Những năm qua, kinh tế vườn tiếp tục phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Để tiếp tục khai thác hiệu quả kinh tế vườn, HLV Trà Vinh đã vận động hội viên cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình vườn chuyên canh theo hướng VietGAP, hình thành các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất (THTSX) để xây dựng các chuỗi liên kết.
Cụ thể, trong năm 2016, HLV tỉnh Trà Vinh phối hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cùng các ban ngành khảo sát vùng bị xâm nhập mặn ở ấp Tân Quy 1, Tân Quy 2, xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè) để hướng dẫn nhà vườn kịp thời khắc phục trên cây chôm chôm. Phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh khảo sát 7 xã và 1 thị trấn ở cánh B của huyện Càng Long về tái cơ cấu nông nghiệp và 11 xã, thị trấn của huyện Châu Thành về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Phối hợp với các ban ngành huyện, chính quyền địa phương và các cấp cơ sở Hội, HTX, THTSX vận động hội viên cùng với nhà vườn cải tạo và nâng cấp vườn kém hiệu quả. Kết quả là, đã lên vườn mới, cải tạo và phục hồi vườn kém hiệu quả được 315ha; chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả lên vườn mới theo vùng quy hoạch của địa phương được 188,8ha, chủ yếu trồng thanh long, xoài cát Chu, cam sành, bưởi da xanh...
Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và Công ty AQUAFISH triển khai xây dựng chương trình VietGAP và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho THTSX cam sành Cửu Long Giang, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long; THTSX cam sành Rạch Nghệ, xã Thông Hòa; THTSX cam sành xã Hòa Ân và THTSX chôm chôm Tân Quy 2, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè.
Trong công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, Hội đã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được 15 lớp với 968 đại biểu tham dự; trong đó có 8 lớp tập huấn khắc phục cây chôm chôm bị xâm nhập mặn tại ấp Tân Quy I, Tân Quy 2, xã An Phú Tân; 3 lớp về kỹ thuật canh tác xoài ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè và xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long; 2 lớp về kỹ thuật canh tác cây có múi ở xã Bình Phú, huyện Càng Long và xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành; 2 lớp kỹ thuật canh tác cây bưởi và quy trình ủ phân hữu cơ ở xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè.
Phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh tổ chức được 2 cuộc hội thảo khoa học về chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế ở Càng Long và Châu Thành. Phối hợp với UBND huyện Cầu Kè tổ chức 1 cuộc hội thảo khoa học về hiện trạng và giải pháp phát triển kinh tế vườn ở huyện Cầu Kè với 69 người tham dự; tổ chức cho nhà vườn, hội viên và thành viên HTX, THTSX tham dự hội thi trái ngon – an toàn Nam Bộ lần thứ 8 tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên với tổng số 76 mẫu trái cây dự thi của 69 nhà vườn; kết quả đoạt 10 giải: 3 giải Nhất, 1 giải Ba, 6 giải Khuyến khích.
Phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng mô hình bưởi da xanh xen dừa xiêm Malaysia tại xã Nhị Long Phú với diện tích 0,5ha cho hộ gia đình chính sách, trong đó có 1 mô hình cho Mẹ Việt Nam anh hùng với kinh phí thực hiện 9,6 triệu đồng.
Về công tác tổ chức Hội, năm 2016, HLV Trà Vinh kết nạp thêm 463 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 6.500 người.
Đẩy mạnh liên kết
Tuy nhiên, theo ông Bé, bên cạnh những thuận lợi thì kinh tế vườn cũng còn không ít khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn khiến vườn cây ăn trái của tỉnh bị thiệt hại nặng. Xã An Phú Tân bị thiệt hại 285ha chôm chôm, 1.271ha thiếu nước làm giảm năng suất từ 10-25%. Sản phẩm của nhà vườn chưa liên kết được với các doanh nghiệp, giá cả thị trường một số mặt hàng không ổn định do một phần hoạt động của HTX và THTSX còn hạn chế về liên kết. Phần lớn sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành vùng nguyên liệu tập trung; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào kinh tế vườn còn nhiều hạn chế; xây dựng mô hình VietGAP chưa tập trung nên gặp khó khăn trong quản lý dịch bệnh.
Một số HTX còn yếu kém về chất lượng hoạt động, trong quá trình củng cố HTX và THTSX cũng còn không ít khó khăn do một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến kinh tế vườn, kinh tế hợp tác, do đó hoạt động của HTX, THTSX chưa hiệu quả.
Trong năm 2017, Hội sẽ phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát các HTX cây ăn trái và củng cố lại một số HTX yếu, kém về tổ chức hoạt động và tiêu thụ sản phẩm; thành lập mới 1- 2 HLV cấp huyện và xây dựng, thành lập mới 3 - 4 HLV cấp xã cùng với tổ chức thành lập 5 -10 chi tổ Hội. Kết nạp mới 250-300 hội viên, cấp thẻ hội viên đạt từ 40-60%.
Tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thực hiện dự án tuyển chọn và phát triển giống/dòng quýt đường ưu tú của tỉnh Trà Vinh; xây dựng nhãn hiệu cây ăn trái cho HTX thanh long Vĩnh Trà, xã Nguyệt Hóa và HTX xoài cát Chu, xã Hòa Tân (Cầu Kè); xây dựng 1-2 mô hình VietGAP trên cây ăn trái; tổ chức vận động nhà vườn, HTX xây dựng cánh đồng lớn vườn cây ăn trái. Vận động nhà vườn, HTX và THTSX cùng với hội viên chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả và cải tạo nâng cấp vườn kém hiệu quả từ 300-500ha; chuyển đổi lên vườn mới từ 150-200ha theo vùng quy hoạch cây ăn trái của từng địa phương. Trước mắt, tập trung chuẩn bị các nội dung để tổ chức Đại hội đại biểu HLV tỉnh lần thứ III, nhiệm kỳ 2017- 2022.
Khánh Nguyên
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.