Năm năm qua, Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An không ngừng được củng cố và phát triển cả về số lượng, chất lượng, với 20/21 huyện, thành phố, thị xã, 296 xã phường, thị trấn có tổ chức Hội; 2.496 chi hội thôn, bản, 4 thành viên là doanh nghiệp.
Chất lượng hội viên cũng không ngừng được nâng cao ở một số Hội cấp huyện, xã.
Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết Hội Làm vườn huyện, thành phố, thị xã ở Nghệ An đều được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động, riêng Tỉnh Hội được giao 02 định biên. Điều đó thể hiện rõ vai trò, sự đóng góp của Hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được Đảng bộ, chính quyền các cấp ở Nghệ An ghi nhận và đánh giá cao.
Hoạt động tập huấn, huấn luyện, chuyển giao khoa học kỹ thuật về làm VAC được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội. Hội vừa trực tiếp tổ chức, vừa phối hợp, liên kết với các tổ chức đoàn thể khác, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; đào tạo nghề cho hàng ngàn người trong và ngoài Hội. Hoạt động đào tạo, dạy nghề đã có nhiều đổi mới, theo phương pháp nông dân dạy nông dân, thông qua các mô hình sản xuất VAC.
Đặc biệt, Hội Làm vườn Nghệ An đã được Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An tạo điều kiện để soạn giáo trình và trực tiếp giảng dạy, thực hiện mô hình mẫu trên địa bàn toàn tỉnh, đã trực tiếp tham gia giảng dạy quy trình xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới cho các đơn vị như: Hội Làm vườn huyện, xã, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp các huyện,… Đến nay đã trực tiếp giảng dạy được 28 lớp với số lượng 1.800 học viên là cán bộ tỉnh, huyện, xã, thôn, xóm và những hội viên trực tiếp tham gia đăng ký xây dựng vườn chuẩn, vườn mẫu; số người đăng ký xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới là 1.768 vườn.
Cùng với đó, phong trào phát triển kinh tế VAC đã đóng góp quan trọng vào tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, đạt bình quân gần 80 - 100 triệu đồng/ha. Từ trồng bưởi Diễn, cam Valen, cam Vân du, cam Xã Đoài, hay mô hình nuôi gà, dúi, vịt trời, bò sữa..., nhiều hội viên có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hội Làm vườn tỉnh đã phối hợp với 32 doanh nghiệp liên quan đến cung cấp và lắp đặt dịch vụ nghề vườn để thực hiện tư vấn hỗ trợ cho hội viên, nông dân. Trong 5 năm qua đã lắp được 300 vườn trên sân thượng cho những hộ không có đất, chủ yếu ở các đô thị và thành phố Vinh, mỗi huyện có từ 5 đến 30 vườn nhà lưới công nghệ cao, cho sản phẩm sạch, hiệu quả cao. Các vườn chuẩn nông thôn mới đăng ký xây dựng đang và sẽ hoàn thiện, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, nâng cao thu nhập, gắn với cuộc sống gia đình ngày càng có chất lượng hơn.
Công tác liên doanh liên kết khá hiệu quả, chuỗi siêu thị tiêu thụ sản phẩm VAC cho các hộ gia đình và các trang trại hàng tấn rau, củ, quả, thịt, tôm, cá... Bên cạnh tiêu thụ sản phẩm còn xây dựng mô hình vườn sản xuất rau an toàn.
Đã chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi côn trùng: Dế, rắn mối... cho 1,3 ngàn hộ nông dân; cung cấp giống và tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình nuôi dế, rắn mối... Mỗi năm xuất ra thị trường 15 tấn côn trùng, đây là mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu đầu vào đến khâu bao tiêu sản phẩm khá hiệu quả.
Làm VAC để giảm nghèo
Ông Nguyễn Thế Thắng, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An, cho hay: “Nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng các cấp Hội đã hoàn thành cơ bản mục tiêu Đại hội V đề ra. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý và hỗ trợ của các cấp chính quyền, cùng với sự nỗ lực của cán bộ, hội viên, Hội đã thu được nhiều kết quả rất đáng phấn khởi”.
Tổ chức Hội Làm vườn các cấp liên tục củng cố và phát triển, số lượng hội viên, chi hội không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động. Phong trào phát triển kinh tế VAC ngày càng đi vào chiều sâu, có vai trò quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, và nay trở thành giải pháp quan trọng giúp tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, công tác huấn luyện, đào tạo nghề cho hội viên và nông dân, xây dựng, tổng kết và nhân rộng các điển hình làm kinh tế VAC giỏi, luôn được các cấp Hội quan tâm, từ đó góp phần nâng cao trình độ cho hội viên và nông dân, tăng thu nhập, là cơ sở để hội viên, nông dân học tập và làm theo.
Hội xác định được đúng mục tiêu là làm kinh tế VAC, thực hiện xóa đói giảm nghèo và làm giàu theo chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước nên các phong trào được các ban ngành và chính quyền các cấp ủng hộ, tạo điều kiện thực hiện.
Ông Thắng nhấn mạnh, tổ chức Hội muốn tồn tại và phát triển, hoạt động Hội phải gắn với quyền lợi của hội viên, thực hiện phương châm “Lấy nghề nuôi Hội, lấy Hội nuôi phong trào”. Muốn kinh tế VAC có thu nhập cao, phát triển bền vững thì phải có quy hoạch đồng bộ, có chính sách liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Trong nhiệm kỳ tiếp theo, Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An sẽ có những quyết sách phù hợp để đưa kinh tế VAC phát triển lên tầm cao mới.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.