Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 5 năm 2020 | 10:48

Hòa Bình: Công ty Hoàng Sơn tự ý hạ đồi, múc đất đem đi đắp đê

Dựa vào dự án cấp bách đê kè kết hợp giao thông tại xã Phú Lão - Phú Thành (nay là Phú Nghĩa - Phú Thành), nhiều xe “khủng” của Công ty Hoàng Sơn vô tư hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông.

Không chỉ có vậy, diện tích đất mà Công ty Hoàng Sơn đang khai thác chưa được các cơ quan chức năng cấp phép.
Xe " khủng" của Công ty Hoàng Sơn từ khu khai thác ra.

 

Sau khi trúng gói thầu thi công tuyến đê kè kết hợp giao thông tại xã Phú Lão - Phú Thành (nay là Phú Nghĩa - Phú Thành, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hòa Bình), Công ty Đầu tư Xây dựng thương mại năng lượng Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn) tại phường Tân Thịnh, TP. Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình)  đã thoả thuận mua lại đồi của hộ gia đình ông Bùi Thanh Hai và ông Khánh ở thôn Đồng Thung, xã Phú Nghĩa.
 
Mặc dù diện tích đất của hai hộ dân này chưa được các cơ quan chức năng cấp phép nhưng Công ty Hoàng Sơn đã đưa các thiết bị máy móc vào khai thác rầm rộ. Sau đó là dàn xe “khủng” chở đất khai thác từ thôn Đồng Thung, xã Phú Nghĩa ra QL21 rồi vào đường liên xã Phú Nghĩa – Phú Thành ra công trình.
Xe "khủng" của Công ty Hoàng Sơn chỉ được che chắn sơ sài từ trong thôn Đồng Thung, xã Phú Nghĩa ra QL21.

 

Ông N.V.L, người dân tại xã Phú Nghĩa: Những chiếc xe hàng chục tấn ngày nào cũng nối đuôi nhau chạy vào khu đồi này để lấy đất. Xe chở quá khổ, quá tải, không che chắn bạt cứ nối đuôi nhau, xe đi đến đâu là đất rơi xuống đường đến đó. Nắng nóng như này bụi kín cả nhà, vườn cây, người dân sống ven đường chúng tôi khổ quá.
Đoạn đường đầu thôn Đồng Thung, xã Phú Nghĩa, do xe quá "khủng" của Công ty Hoàng Sơn nên tại đây đã thành cái dốc rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác mỗi khi xe "khủng" từ trong thôn ra QL21.

 

Cùng chung bức xúc, bà N.T.T ở xã Phú Thành cho biết: “Xe họ chở đất từ Phú Nghĩa lên đây, đi qua khu dân cư làm hư hỏng hết đường. Hàng ngày có cả trăm lượt xe chạy, toàn xe hạng nặng nhưng không được che chắn cẩn thận, đất vương vãi rất nguy hiểm cho học sinh cũng như những người tham gia giao thông tại đây”.
Xe "khủng" của Công ty Hoàng Sơn từ QL21 vào đường liên xã Phú Nghĩa - Phú Thành.

 

Cũng theo người dân nơi đây, tình trạng lợi dụng việc san gạt để múc đất rừng đem bán của hộ ông Khánh, ông Hai và Công ty Hoàng Sơn diễn ra công khai từ nhiều tháng nay mà không có sự kiểm tra xử lý của cơ quan chức năng. Hoạt động múc, vận chuyển đất gây ô nhiễm môi trường, làm đường giao thông xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân quanh khu vực.
 
"Mặc dù Công ty Hoàng Sơn có xe tưới nước nhưng do lượng xe quá lớn nên việc tưới nước chỉ giảm đi một phần nhỏ bụi đất", một người dân cho biết.
Xe chở đất đá vượt nóc, chỉ được che chắn sơ sài, đi đến đâu đất đá rơi vãi đến đó.
 
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Giang Đức Minh, cho biết: “Không phải bây giờ họ mới khai thác đất tại đây. Công ty Hoàng Sơn đã khai thác từ những năm 2012 để phục vụ làm tuyến đường QL21. Sau này, khi trúng thầu dự án làm đê, họ tiếp tục quay lại thương thảo với dân, sau đó mang đất đi để đắp đê trên địa bàn huyện”, ông Minh nói.
 
Cũng theo ông Minh, việc hạ cốt nền, san gạt đất đồi của 2 hộ ông Hai và ông Khánh đến nay mới chỉ đề nghị chứ chưa được cơ quan nào chấp thuận cũng như cấp phép.
 
“Do đây là tuyến đê cấp bách cần phải làm gấp trước mùa mưa lũ nên việc san gạt, hạ đồi rồi chở đất đi đắp đê là làm tắt, chứ chưa có cơ quan nào cấp phép cho san gạt. Hiện ở UBND xã không có bất cứ hồ sơ gì liên quan đến việc chấp thuận, đồng ý cho san gạt, chỉ có đơn đề nghị của 2 hộ dân và biên bản về việc cam kết trong quá trình vận chuyển của Công ty Hoàng Sơn”, ông Minh cho biết.
Tại tuyến đường liên xã Phú Nghĩa - Phú Thành, mỗi khi xe chở đất đá tránh nhau là các phương tiện giao thông khác phải chờ vì đường nhỏ.

 

Theo ông Minh, Giám đốc Công ty Hoàng Sơn là người con quê hương của huyện Lạc Thuỷ nên rất nhiều dự án, công trình tại huyện được tin tưởng giao cho làm và cũng trúng nhiều gói thầu thi công tại địa bàn. Các dự án lớn của huyện đều do Công ty Hoàng Sơn đảm nhiệm.
 
Như vậy, theo những gì Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cung cấp thì việc san gạt, hạ cốt nền của hộ ông Hai và ông Khánh chưa được chấp thuận, cấp phép của cơ quan chức năng. Vì sao một dự án lớn như vậy khi được phê duyệt lại không được quy hoạch vùng nguyên vật liệu mà lại để Công ty Hoàng Sơn phải đi thỏa thuận mua lại đất của người dân để đi đắp đê? Việc thanh toán nguyên liệu dành cho dự án thế nào? Kinh tế nông thôn tiếp tục tìm hiểu thông tin tới bạn đọc.
 
 
 
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top