Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 13 tháng 5 năm 2020 | 6:40

Lạc Thuỷ (Hoà Bình): Biến tướng trong cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp

Với lý do thửa đất có độ cao không đồng đều, sườn dốc, sử dụng không có hiệu quả, thế là làm đơn xin các cơ quan chức năng cho cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp. Xong các thủ tục, họ vô tư bắt tay nhau đổi chác bán đất, thu lợi nhuận khủng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nga ở khu 1, thị trấn Chi Nê (huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình) là một trong nhiều trường hợp bán đất dưới hình thức “cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp”. Đặc biệt hơn, hộ bà Nga còn khai cải tạo bặt bằng đất nông nghiệp trước khi có giấy phép khai thác đất san, lấp của UBND tỉnh Hòa Bình.

Khu đất được khai thác của bà Nguyễn Thị Nga tại khu 1, thị trấn Chi Nê.

 

Tài nguyên, khoáng sản là tài sản của Quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Việc quản lý và khai thác phải tuân thủ đầy đủ quy định của Luật khoáng sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, việc khai thác tài nguyên, khoáng sản có những dấu hiệu biến tướng, không những gây thất thoát lớn cho Nhà nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên và đời sống sinh hoạt của người dân tại nơi khai thác.
 
Theo người dân tại huyện Lạc Thuỷ, từ nhiều năm qua, với chiêu bài “hạ độ cao, hạ cốt nền” để canh tác cho có hiệu quả và làm trang trại chăn nuôi, nhiều gia đình đã xin UBND huyện chủ trương và được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép khai thác san, lấp. Không biết hiệu quả từ việc cải tạo này ra sao nhưng lợi nhuận từ việc bán “tài nguyên” đã chạy vào túi một số người.

 Xe chở đất từ khu khai thác của bà Nguyễn Thị Nga tại khu 1, thị trấn Chi Nê đi qua nhiều tuyến đường trong thị trấn ra khu tập kết.

 

Bà N.H.P (thị trấn Chi Nê) bức xúc: “Nắng thì bụi, mưa thì lầy. Đó là những gì mà hàng trăm hộ dân tại đây phải gánh chịu kể từ ngày dự án “cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp” của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nga đi vào hoạt động. Xe chở đất hằng ngày nối đuôi nhau chạy qua địa bàn thị trấn. Nhiều xe không được che chắn cẩn thận. Xe đi đến đâu, đất đá rơi vãi ra đường gây bụi đến đó”.
 
Cũng theo người dân nơi đây, tình trạng lợi dụng việc san gạt để múc đất rừng đem bán của hộ bà Nga và Công ty Xuân Thành diễn ra công khai từ nhiều tháng nay mà không có sự kiểm tra xử lý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Hoạt động múc, vận chuyển đất gây ô nhiễm môi trường, làm đường giao thông bị xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân thị trấn.

 Xe chở đến khu tập kết nằm trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, đêm đến lại xúc chở đi tiêu thụ.

 

“Các anh thấy đấy, chỉ cần được huyện cấp cho quyết định chấp thuận là họ vô tư múc cả quả đồi dưới hình thức trá hình “hạ độ cao, hạ cốt nền”. Người ta cần gì phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền của để hạ cả quả đồi chỉ để lấy mặt bằng đất nông nghiệp và xây dựng chuồng trại. Đó chỉ là lý do để khai thác đất và mang đi tiêu thụ cho các cơ sở sản xuất xi măng, gạch men, gốm sứ thôi”, một người dân bức xúc nói.
 
Qua tìm hiểu, trong một số giấy tờ san gạt đất rừng của hộ bà Nguyễn Thị Nga, hộ này chỉ được phép san gạt mặt bằng, không có mục nào ghi là được khai thác và vận chuyển đất ra ngoài địa phương để bán. Bên cạnh đó, tại Quyết định số 141/ QĐ-UBND ngày 20/01/2020 của UBND huyện Lạc Thuỷ về việc chấp thuận “cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp” nêu rõa: “Cải tạo mặt bằng, san lấp tại chỗ; phần dôi dư có nhu cầu khai thác cung cấp để san, lấp các công trình dự án trên địa bàn huyện”.

 Xe chở đất từ điểm tập kết đến địa bàn huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam do có đoàn thanh tra giao thông nên các xe đều dừng lại để tránh.

 

Cũng tại Giấy phép khai thác đất san, lấp số 10/GP-UBND ngày 11/3/2020 của UBND tỉnh Hòa Bình, hộ bà Nga được phép khai thác đất san, lấp khối lượng 22.581m3 và thời gian khai thác là 10 tháng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu và ghi nhận của phóng viên, khu đất trong giấy phép đã được khai thác trước đó. Vào thời điểm phóng viên ghi nhận tại khu đất của bà Nga có trong giấy phép khai thác thì đây giống như một đại công trường khai thác đất với nhiều máy móc, xe cộ nối đuôi nhau chở đất đến một địa điểm khác, sau đó mới được xúc đi bán. Phải chăng, vin vào lý do này, hộ bà Nga "mắc ngoặc" với Công ty Xuân Thành vô tư khai thác đất rồi “tuồn” đất đi tiêu thụ một cách công khai, gây thất thoát nguồn tài nguyên Quốc gia.
 
Để rộng đường dư luận, phóng viên có cuộc trao đối với ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch UBND thị trấn Chi Nê.  “Hộ bà Nga có hơn 2.000m2 đất rừng canh tác, do sườn dốc, người ta canh tác không có hiệu quả nên có đơn xin hạ độ cao. Huyện cũng đã chấp thuận cho hộ nhà bà Nga được phép san gạt”, ông Ngọc nói.
 
Kinh tế nông thôn tiếp tục tìm hiểu thông tin tới bạn đọc.
 
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top