Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 9 năm 2016 | 2:30

Hoạt động mới của HLV Quảng Bình: Quảng bá, tiêu thụ nông sản sạch

Nhằm quảng bá và tiêu thụ nông sản sạch, Hội Làm vườn tỉnh Quảng Bình vừa phối hợp với Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh (SRDP) khai trương Trung tâm giới thiệu và phân phối sản phẩm nông sản Quảng Bình. Đồng thời, Dự án cũng mở lớp tập huấn cho chủ trang trại và hợp tác xã về kỹ năng tiếp cận thị trường thời hội nhập.

Nuôi ong mật sạch ở HTX Quyết Thắng.

Cú hích cho nông sản hàng hóa

Trung tâm giới thiệu và phân phối nông sản Quảng Bình đặt tại TP. Đồng Hới, trưng bày và bán các sản phẩm nông sản sạch của hội viên và nông dân trên địa bàn tỉnh: mật ong Tuyên Hoá, khoai deo Hải Ninh, ổi Ông Thái, bưởi Phúc Trạch, nước mắm Bà Vinh, gạo sạch, ngô, gà thả vườn, bánh tráng, nhung hươu, thanh long ruột đỏ, nấm linh chi... 

Ông Mai Thắng, Phó giám đốc dự án SRDP Quảng Bình, cho biết, tại đây giới thiệu những sản phẩm mang thương hiệu của địa phương, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, đạt tiêu chuẩn VietGap.

Lần theo một sản phẩm sạch “mật ong Tuyên Hóa”, chúng tôi tìm đến HTX nông nghiệp nuôi ong lấy mật Quyết Thắng ở xã Thuận Hóa. Ông Nguyễn Quyết Thắng, chủ nhiệm HTX, cho biết, HTX mới thành lập gần 2 năm nên mới có 20 xã viên. HTX hiện nuôi hơn 400 đàn ong, cho thu 1,2 tấn mật/năm. HTX đăng ký nhãn hiệu, đảm nhận dịch vụ thu mua toàn bộ sản phẩm cho xã viên, đóng chai, dán nhãn và tiêu thụ trên thị trường. HTX giám sát chặt chẽ hoạt động nuôi ong của từng xã viên, đảm bảo ong nuôi chỉ hút nhụy hoa để tạo mật, không gia đình nào đưa đường vào trong các đõ ong. HTX cũng cấm xã viên đưa kháng sinh vào đàn ong, khi ong bị bệnh phải được xử lý theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Nhờ vậy, mật ong luôn sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng thơm ngon. Trước đây, từng hộ gia đình tự tiêu thụ sản phẩm, thường phải chờ người quen, họ hàng đến mua, nên giá bán thấp, chỉ khoảng 70.000-90.000 đồng/kg. Từ khi HTX đảm nhận toàn bộ khâu tiêu thụ, nhờ có nhãn hiệu và chứng nhận sản phẩm sạch nên giá bán tăng cao, hiện HTX thu mua từ xã viên với giá 150.000 đồng/kg.

Ông Hoàng Xuân Trường, cán bộ của Dự án SRDP cho hay, Dự án do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ, quan tâm đến các chuỗi giá trị nông sản vì người nghèo. Tại Quảng Bình, Dự án được triển khai tại 40 xã, thuộc 7 huyện, mỗi tiểu dự án được hỗ trợ 200 triệu đồng. Dự án đã hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các chuỗi giá trị này, bằng việc mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm mật ong của các HTX, cung cấp nhãn mác và quảng bá để người tiêu dùng biết đến, tiến tới sẽ phân tích thành phần mật ong để công bố rộng rãi chất lượng sản phẩm.

Kinh tế trang trại còn nhiều chướng ngại

Tại buổi tập huấn kỹ năng cho chủ trang trại và HTX, ông Mai Thắng cho biết, Dự án SRDP đã hỗ trợ nhiều HTX và trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình về liên kết với nông dân trong sản xuất, cung cấp vật tư đầu vào và đầu ra, phát triển chuỗi giá trị, đưa các giống cây trồng - vật nuôi mới vào sản xuất, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Quảng Bình có trên 1.000 mô hình kinh tế trang trại, trong đó có 690 trang trại đạt tiêu chí mới.

Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả như: trang trại tổng hợp nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm của ông Võ Đại Nghĩa, xã Hải Ninh (Quảng Ninh), nông dân tiêu biểu toàn quốc, doanh thu hàng năm đạt 35 - 40 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 120 lao động. Trang trại chăn nuôi tổng hợp của các ông Đinh Đăng Tuân, Nguyễn Xuân Hải (Lệ Thủy),  Lê Ngọc Lễ, Trần Văn Hồng (Quảng Ninh),  Đặng Ngọc Anh, Nguyễn Bình San (TP. Đồng Hới)…, cho thu nhập vài tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho vài chục lao động.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là nhiều  trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nên chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Trong số 690 trang trại được chứng nhận, hiện mới chỉ có 122 trang trại được cấp sổ đỏ (17,68%). Do chưa có sổ đỏ nên chủ trang trại rất khó vay vốn ngân hàng. Nhà nước đã có chủ trương cho  trang trại vay không thế chấp số tiền lên đến 500 triệu đồng, nhưng trên thực tế, chủ  trang trại chỉ được ngân hàng cho vay 50 triệu đồng.

Theo ông Trương Văn Lanh, Phó chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Quảng Bình, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, sản xuất nông sản sạch, tỉnh sẽ khuyến khích chuyển đổi, chuyển nhượng... tạo quỹ đất liền kề để phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô lớn. Các trang trại được tạo điều kiện để vay vốn không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 1 tỷ đồng theo Nghị định 55/2015 của Chính phủ. Đồng thời, sẽ chú trọng thành lập các HTX, tổ hợp tác chuyên ngành theo từng loại hình trang trại để chia sẻ kinh nghiệm, liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Chu Khôi

GS.TS Ngô Thế Dân, Chủ tịch HLV Việt Nam, hoan nghênh HLV tỉnh Quảng Bình mở Trung tâm giới thiệu và phân phối sản phẩm nông sản Quảng Bình. Chủ tịch hy vọng, HLV tỉnh sẽ tổ chức thu gom được nhiều nông sản sạch từ hội viên và nông dân. Và nơi đây sẽ thành điểm cung cấp  nông sản có uy tín  với người tiêu dùng TP. Đồng Hới và nhân dân trong tỉnh Quảng Bình.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top