Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 năm 2016 | 2:7

Hội Làm vườn Việt Nam: Những khó khăn và cách tháo gỡ

Có thể nói, sau 30 năm nỗ lực phấn đấu, Hội Làm vườn Việt Nam (HLV) đã bước sang chặng đường mới, với nhiều khó khăn và thử thách đang ở phía trước. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để thôi thúc các cơ sở Hội trên cả nước phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Mừng - lo lẫn lộn…

GS.TS Ngô Thế Dân, Chủ tịch HLV Việt Nam, thay mặt BCH Hội, nhận Cờ đơn vị thi đua xuất sắc do Bộ Nông nghiệp và PTNT trao tặng.

Đó là câu trả lời chúng tôi nhận được ở hầu hết lãnh đạo HLV các địa phương khi được hỏi về thuận lợi, khó khăn trong thời kỳ mới. 

Ông Hoàng Quyền, Chủ tịch HLV Hà Giang, cho biết: Địa phương chúng tôi lo lắng nhiều hơn là vui. Chúng ta đã chính thức bước vào kỷ nguyên mới, một sân chơi lớn, trong khi trình độ của nông dân Hà Giang còn hạn chế. Sản phẩm của Hà Giang chưa đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và toàn cầu. Với điểm xuất phát thấp, ngoại ngữ kém, vào sân chơi lớn như vậy sẽ xoay xở ra sao? Phải đi như thế nào để đến đích và làm thể nào để “bắt nhịp” được là điều không đơn giản. Chưa nói đến việc còn phụ thuộc vào sự quan tâm, định hướng của chính quyền địa phương. Đối với HLV Hà Giang, trước hết, chúng tôi nâng cao nhận thức cho hội viên và chú trọng trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ thuật trong phát triển kinh tế VAC. Thời gian qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thông qua công tác thuyết trình phản biện khoa học kỹ thuật của Hội rất tốt.

Thực tế cho thấy, cách tập huấn tốt nhất ở Hà Giang là cầm tay chỉ việc, lấy kết quả thực tế để chứng minh cho lý thuyết. Ví dụ: cách chăm sóc cam tốt nhất phải chú trọng phân bón, nước tưới, phòng trừ sâu bệnh. Hoặc, để chứng minh hiệu quả kinh tế vườn cho bà con dân tộc,  phải đi từ việc cải tạo vườn tạp sang vườn chuyên canh để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện, Hà Giang đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cam sành; đã có hàng ngàn hộ nông dân trồng cam theo mô hình VietGAP. Trước mắt, Hội có những thuận lợi như: có 4 biên chế, ôtô phục vụ công tác, trụ sở làm việc, được cấp kinh phí và trang thiết bị hoạt động. Đây chính là động lực giúp chúng tôi chăm lo và phát triển công tác Hội tốt hơn trong thời gian qua cũng như sau này.   

Đồng ý kiến với ông Quyền, Chủ tịch HLV Nghệ An, bà Nguyễn Thị Quy, cho biết, khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chúng tôi mừng vì có sân chơi bổ ích, nâng Việt Nam lên tầm quốc tế; nông dân được học hỏi, va chạm nhiều trong kinh doanh. Song, lo lắng không phải là ít, sản phẩm của Nghệ An có cạnh tranh được không, có chỗ đứng trên thị trường quốc tế và trong nước không? Đó là thách thức lớn của Hội. Hoặc, khi sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn còn phải hướng tới chuỗi giá trị, liên kết 4 nhà… Để đón TPP, Nghệ An còn nhiều việc phải làm, chúng tôi rất băn khoăn, hiện chỉ còn 2 biên chế (trước đây là 5). Dự kiến, thời gian tới không còn chính sách này sẽ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, đội ngũ cán bộ Hội đa phần kiêm nhiệm, biến động liên tục, gây trở ngại không nhỏ trong khâu tổ chức, phát triển hội viên. Nhận thức về Hội của cán bộ, hội viên chưa đến nơi đến chốn.

Ông Hoàng Quyền, Chủ tịch Hội Làm vườn Hà Giang.

Tuy nhiên, gặp gỡ Phó chủ tịch HLV Hưng Yên, ông Đoàn Thế  Tuấn, chúng tôi thấy có nhiều khởi sắc, ông Tuấn cho biết, mặc dù Hội có tới 10 người và không ai có lương, song thời gian qua chúng tôi vẫn sống được với nghề; cùng nhau “xắn” tay làm tốt công việc được giao phó. Nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, nhất là Sở Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên, Trung ương HLV Việt Nam chúng tôi đã chuyển giao thành công mô hình trồng nhãn lồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, toàn tỉnh có 5.000ha nhãn, trong đó có 2.000ha đạt chuẩn VietGAP, có chỉ dẫn địa lý nhãn lồng Hưng Yên. Năm 2015, đã xuất khẩu sang Mỹ trên 1,6 tấn; sau nhãn lồng còn có nhãn muộn Khoái Châu 2.000ha, thu hoạch sau nhãn lồng 1,5-2 tháng, cho thu nhập cao.

Ngoài ra, để gia nhập TPP, chúng tôi còn có 200 hộ nuôi gà Đông Tảo theo quy trình VietGAP. Thị trường luôn “cháy” mặt hàng này, bình thường chỉ bán 1-1,5 triệu đồng/con, nhưng cá biệt có lúc lên tới 15 triệu đồng/con (5kg). Để đạt được những vấn đề trên, hàng năm chúng tôi mở 20 - 30 lớp tập huấn VietGAP (cả chăn nuôi và trồng trọt). Nhìn chung, Hưng Yên phấn khởi đón nhận TPP, nhưng do người dân chưa hiểu biết nhiều về vấn đề này, vì vậy, thời gian tới Hội phải tăng cường công tác tuyên truyền; chú trọng lồng ghép trong các lớp học để  người dân hiểu rõ. Đặc biệt, thường xuyên nhắc nhở bà con dùng phân bón, thức ăn sạch trong trồng trọt, chăn nuôi.

Đồng ý kiến với người tiêu dùng, ông Tuấn cho rằng, chúng ta vẫn đang ăn “bẩn” là do ý thức, đạo đức nghề nghiệp của người kinh doanh chưa cao. Cần phải tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, xử phạt nhiều hơn nữa, nhưng tuyên truyền vẫn là quan trọng nhất.

Chủ tịch HLV Bắc Ninh, ông Nguyễn Xuân Vững, cũng cho rằng, bước vào sân chơi TPP chúng tôi rất phấn khởi, gần đây, Bắc Ninh đã có một số sản phẩm sạch để đem “thi thố” nhưng chúng tôi cũng đang băn khoăn vì sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Thời gian tới, Bắc Ninh sẽ chú trọng tuyên truyền để đông đảo hội viên làm trang trại hiểu rõ thuận lợi, khó khăn mà Bắc Ninh đang phải đối đầu. Điều lo lắng nhất là làm sao để tất cả các  sản phẩm khi xuất khẩu không bị trả về và ngày càng được khẳng định trên thị trường trong nước, quốc tế. Vì vậy, thời gian tới, Hội sẽ tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực và nhận thức cho người dân. Hiện, Bắc Ninh đã có các sản phẩm như: cây ăn quả, rau, lúa… nhưng chưa đủ để xuất khẩu, do đó, tỉnh sẽ hướng tới sản xuất tập trung (cánh đồng mẫu lớn) theo mô hình HTX kiểu mới; chuỗi sản phẩm và liên kết 4 nhà; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Đã có trên 10 công ty giống cây ăn quả; gia súc, gia cầm;  thủy sản; đặc biệt là vịt trời, lợn được khách hàng ưa chuộng. 

Nhanh - mạnh - bền vững     

Nếu như ban đầu HLV Việt Nam chỉ có 125 thành viên, thì 30 năm sau, đã có gần 1 triệu hội viên tại 6.000 xã trên cả nước. Con số ấy đủ nói lên sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của Hội mà nhiều hội khác chưa có được.

Cũng theo ông Hoàng Quyền, thuật ngữ vườn - ao - chuồng chưa đánh giá được tiềm năng của kinh tế VAC. Mặc dù, sau 30 năm củng cố, phát triển, hoạt động của Hội đã chứng minh kinh tế VAC là động lực để làm giàu cho nông dân, nông thôn; làm đổi thay mạnh mẽ bộ mặt đất nước bằng vườn, ao, chuồng và cây cảnh. Thế nhưng, tiềm năng của Hội cũng chưa được đánh giá đúng mức, nghĩa là chất xám của người làm vườn giỏi chưa được đánh giá ngang, thậm chí còn thấp hơn những lao động khác. Kinh tế vườn được khẳng định đem lại hiệu quả cao, nhưng chưa tập hợp thành sức mạnh chung của cả hệ thống, cả tổ chức Hội. Ví như, Liên minh HTX đã có ngân hàng riêng, sao HLV chưa thành lập được tổ chức tín dụng của người làm vườn.

Không những khó khăn về chính sách, khâu tổ chức của Hội cũng chưa được phát huy triệt để. Lấy một ví dụ nhỏ như: về tên gọi Hội cũng chưa có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương: Hội Làm vườn, Hội Làm vườn và Sinh vật cảnh, Hội Làm vườn và Trang trại, hay có nơi còn gọi là Hội ngành nghề và Phát triển nông thôn (Sơn La). Chính vì thế, thời gian tới có thể coi là cơ hội để toàn hệ thống HLV các cấp vận hành, đổi mới để thích nghi với sân chơi mới rộng hơn, khắt khe hơn nhưng cũng công bằng hơn.  

Dương An Như

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top