Hội Làm vườn Việt Nam và Hiệp hội Rau quả vừa tổ chức kết nối, thúc đẩy phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ tại hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.
Hoạt động này được phối hợp cùng các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu nông sản với sự tham gia của 160 đơn vị, doanh nghiệp liên quan.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ
Gia Lai và Đắk Lắk có điều kiện thời tiết thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đất đai nơi đây chủ yếu là bazan màu mỡ phù hợp trồng cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su, dâu tằm, điều, ca cao, hồ tiêu, mắc ca, chanh dây; các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, mít, nhãn, vải thiều, măng cụt… và một số loại cây dược liệu như đinh lăng, hà thủ ô, sâm, mật nhân…
Theo thống kê, đa số các loại nông sản chủ lực của tỉnh Gia Lai đều có diện tích canh tác lớn với hơn 97.000ha cà phê, sản lượng hơn 250.000 tấn/năm; 13.000ha hồ tiêu, sản lượng hơn 47.000 tấn/năm; gần 80.000ha cao su với sản lượng mủ khô hơn 117.000 tấn/năm; 78.000ha mì (sắn), sản lượng đạt trên 1,5 triệu tấn/năm và khoảng 18.000ha cây ăn trái các loại... Một số sản phẩm nông nghiệp như mía, hạt điều, cao su, mì, chè đã hình thành liên kết sản xuất, có tỷ lệ chế biến cao, được đầu tư trang, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.
Đắk Lắk hiện có 650.000ha sản xuất nông nghiệp (đứng đầu cả nước); hơn 60% dân số sống bằng nghề nông, là nguồn nhân lực dồi dào; địa hình tương đối bằng phẳng, trong đó có gần 300.000ha đất đỏ bazan màu mỡ, được đánh giá là đất sản xuất nông nghiệp tốt nhất; khí hậu ôn hòa, có gần 42.000ha mặt nước. Nhiều loại nông sản của Đắk Lắk có diện tích, sản lượng, chất lượng đứng đầu cả nước như: cà phê, hồ tiêu, ca cao, mắc ca, trái cây, mật ong, cá nước lạnh…
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành nông nghiệp hai tỉnh này cho biết, hạn chế của địa phương chính là nguồn vốn, thiếu quy trình kỹ thuật đạt chuẩn, lạc hậu về khoa học công nghệ nên khó khăn trong việc nâng cao chất lượng cây trồng. Nhiều loại sản phẩm chủ lực chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, ISO Rainforest Alliance… để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tạo điều kiện kết nối sản xuất và tiêu thụ
PGS.TS Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng, Hội và các thành viên có thể hỗ trợ các địa phương trong nhiều lĩnh vực liên quan. Từ cung cấp nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ (đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch), cho đến tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm… và kể cả những lĩnh vực mới như truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng.
Các doanh nghiệp tham gia Đoàn công tác của Hội Làm vườn Việt Nam và Hiệp hội Rau quả cũng cam kết hỗ trợ địa phương tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, lập kế hoạch sản xuất, khai thác… Theo đó, địa phương có thể hoàn thiện các bộ chứng chỉ chất lượng đáp ứng yêu cầu khắt khe để xuất khẩu nông sản, cũng như có thêm nhiều loại sản phẩm nông sản hơn nữa (ngoài chanh dây và cà phê) được xuất khẩu đi EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Tại buổi làm việc, nhiều hợp đồng liên kết 4 Nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông) về phát triển các vùng trồng cây chuyên canh theo hướng hữu cơ sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái… đã được ký kết.
Trước mắt, các địa phương, doanh nghiệp và đối tác sẽ lựa chọn một số vùng chuyên canh trồng lúa tập trung lớn ở huyện Phú Thiện (Gia Lai), vùng trồng ớt chỉ thiên quy mô gần 300 ha ở huyện Cư M’gar (Đắk Lắk)… để ứng dụng công nghệ phun tưới bằng thiết bị bay không người lái với các sản phẩm phân hữu cơ, sinh học; xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm, vùng trồng và quy trình sản xuất khép kín công nghệ cao dành cho xuất khẩu.
Hầu hết diện tích trồng cây ở Gia Lai và Đắk Lắk thường tập trung, quy mô lớn. Trước đây người dân canh tác theo kiểu truyền thống. Hiện nay, chính quyền các địa phương đã dần chuyển đối một số diện tích sang trồng thử nghiệm theo hướng hữu cơ, sinh học để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. |
Lãnh đạo các địa phương liên quan cũng cam kết sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất theo hình thức hợp tác liên kết, quy mô lớn theo chuỗi giá trị giữa nông dân, doanh nghiệp với sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học. Tạo điều kiện để các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị nông sản, tham dự các diễn đàn kết nối giao thương; tổ chức tập huấn về kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, sinh học và ưu tiên các nguồn vốn đối ứng dành cho việc phát triển nông nghiệp bền vững.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.