Việc khai thác, vận chuyển cát từ hồ chứa thủy điện Hương Điền bước đầu được xác định là hoạt động trái phép. Phát biểu về vấn đề khai thác cát tại đây, Phó tổng giám đốc của đơn vị này cho rằng, “làm sao mà oánh được dân”!?
Lộ diện hoạt động khai thác cát “lậu”
Trước đó, Kinh tế nông thôn có bài viết “TT - Huế: Khai thác cát rầm rộ tại hồ chứa thủy điện Hương Điền”, phản ánh về thực trạng khai thác, vận chuyển cát rầm rộ từ hồ chứa thủy điện Hương Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Qua nhiều ngày ghi nhận, hoạt động khai thác, vận chuyển cát từ hồ chứa thủy điện Hương Điền thường diễn ra vào khung giờ chiều tối, sáng sớm và đặc biệt là đêm khuya; cùng với đó, quy trình trung chuyển, vận chuyển cát đúng như những gì người dân đã phản ánh trước đó.
Tối ngày 07/5, qua triển khai kế hoạch xử lý xe tải ben vi phạm Luật giao thông đường bộ và các hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản (cát) trái phép, Tổ công tác Công an thị xã Hương Trà phát hiện 2 xe ô tô tải ben BKS 75C-101.99 do tài xế Nguyễn Quang Dương (trú tại Hương Vinh, TX. Hương Trà) điều khiển và BKS 75C-106.89 do tài xế Hồ Công Thắng (Hương Toàn, TX. Hương Trà) điều khiển, đang chở cát trên xe nhưng không có bạt che đậy thùng xe.
Qua kiểm tra phát hiện hai xe tải ben nói trên vi phạm các lỗi: chở hàng vật liệu xây dựng không có bạt che đậy; lắp thùng xe có kích thước không đúng thiết kế đã đăng ký. Về số cát trên xe, hai tài xế đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và không chứng minh được nguồn gốc.
Theo 02 lái xe này khai nhận, 16m3 cát này tài xế mua từ một số đối tượng khai thác cát trái phép tại lòng hồ chứa thủy điện Hương Điền. Sau đó, tài xế vận chuyển từ bến tự phát trong lòng hồ chứa thủy điện Hương Điền (đoạn thuộc xã Hương Bình), đem về bán cho các đối tượng tại thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền để kiếm lời.
Tiếp đó, tổ công tác đã phối hợp với Trạm cân lưu động thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh tiến hành cân kiểm tra trọng tải, kết quả xe ô tô 75C-106.89 chở hàng vượt quá 67,2% và xe ô tô 75C-101.99 chở hàng vượt quá 127,1% khối lượng hàng chuyên chở cho phép.
Sẽ làm rõ việc khai thác cát trái phép tại hồ chứa thủy điện Hương Điền
Đại tá Hoàng Liên Sơn, Phó trưởng Công an thị xã Hương Trà, cho biết, vừa qua đơn vị cũng nhận được phản ánh về tình trạng khai thác, vận chuyển cát từ hồ chứa thủy điện Hương Điền, qua đó, đơn vị đang làm chuyên án để tìm hiểu, làm rõ sự việc.
Chủ tịch xã Hương Bình Trần Viết Tuấn cho biết, có biết về việc khai thác, vận chuyển cát tại hồ chứa thủy điện Hương Điền và cụ thể là việc trung chuyển, vận chuyển cát từ bến tự phát trong lòng hồ chứa thủy điện Hương Điền (đoạn thuộc xã Hương Bình). Cùng với đó, địa phương đã cắt cử lực lượng tuần tra, giám sát nhưng chưa hề bắt gặp việc khai thác, vận chuyển cát tại đây.
“Lực lượng Công an xã lên kế hoạch tuần tra thường xuyên, tuy nhiên, chúng tôi không chỉ tuần tra tại khu vực bến thuyền (bến tự phát trong hồ chứa thủy điện Hương Điền, đoạn thuộc xã Hương Bình) mà phải tuần tra trên toàn địa bàn. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa bắt gặp chuyện khai thác, vận chuyển cát từ lòng hồ thủy điện Hương Điền”, ông Tuấn nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Hương Điền, hồ chứa thủy điện Hương Điền có diện tích rộng, nằm trên địa phận nhiều xã, phường. Trong đó, quản lý mặt nước đã được giao cho Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền nên việc kiểm tra, quản lý của lực lượng Công an xã này mang tính chất đảm bảo an ninh trật tự cho địa phương là chính.
“Làm sao mà oánh được dân?”
Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền, cho biết, đơn vị này đã nắm được tình hình khai thác cát trái phép tại hồ chứa thủy điện Hương Điền và có báo cáo với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Trao đổi về vai trò, trách nhiệm của Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền trong công tác xử lý hoạt động khai thác cát “lậu” tại hồ chứa này, ông Khoa nói: “Thế bây giờ làm sao mà oánh được dân… Dân thì làm sao mình xử lý được, phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước, để cho người ta có biện pháp xử lý”.
Thông tin từ ông Khoa được biết, từ năm 2019 đến nay, Công ty cổ phẩn Thủy điện Hương Điền đã báo cáo sự việc khai thác cát ở hồ chứa thủy điện Hương Điền đến cơ quan chức năng “nhiều lắm rồi”.
Theo lời giới thiệu của ông Khoa, PV đã đến trụ sở của Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền, tại đây, PV được cung cấp một văn bản được cho là đã gửi đến UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Qua văn bản này được biết, Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền có văn bản gửi các địa phương đề nghị phối hợp tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo về hồ chứa, cụ thể Văn bản số 46/2019/HDP-TCHC ngày 25/6/2019 và số 55/2019/HDP-TCHC ngày 12/7/2019 về việc Phối hợp tuyên truyền và ngăn cấm các hoạt động không được phép trong hồ chứa thủy điện Hương Điền.
Được biết, trong ngày 13/8/2019, Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền đã tiến hành phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế đi kiểm tra thực tế lòng hồ về tình hình khai thác cát nhưng không phát hiện do các đối tượng đã cất giấu thiết bị và chỉ khai thác cát vào ban đêm.
Trong văn bản này có đề cập: “Với đặc điểm là đập, hồ chứa thủy điện Hương Điền thuộc danh mục đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, mọi hoạt động trên hồ phải được sự đồng ý của UBND tỉnh và Bộ Công Thương. Do vậy, để quản lý vận hành hồ chứa thủy điện Hương Điền theo quy định…, Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền kính đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh quan tâm, hỗ trợ”.
Qua sự việc trên, dư luận đang băn khoăn rằng, đến khi nào việc khai thác cát tại hồ chứa thủy điện Hương Điền mới được xử lý dứt điểm? Để cát “lậu” khai thác trong hồ chứa nước quan trọng đặc biệt này trách nhiệm thuộc về cá nhân, tổ chức nào?
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.