Trồng cây gì, nuôi con gì để có thị trường tiêu thụ ổn định không còn là bài toán khó với các bạn trẻ bởi ngày càng có nhiều người biết khai thác, chọn lọc mô hình sản xuất thông qua kiến thức tự tìm hiểu trên mạng internet.
Xin giới thiệu 2 mô hình tiêu biểu ở Quảng Trị.
Anh “hâm” trồng chuối làm giàu
Mô hình trồng chuối tiêu hồng Thái Lan với quy mô 500 gốc của anh Nguyễn Châu Trinh (khu phố Lai Phước, phường Đông Lương, TP. Đông Hà) là một ví dụ điển hình. Chỉ sau một năm sản xuất theo mô hình tự học được trên mạng internet, chẳng ai có thể ngờ rằng cánh đồng nhiều năm gia đình anh bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất lại trở thành vườn chuối xanh tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao như hiện nay.
Vốn là thợ sửa chữa ô tô, ít khi quan tâm đến công việc làm nông nên khi anh Trinh quyết định đầu tư trồng chuối tiêu hồng Thái Lan, nhiều người trong nhà phản đối. Anh chia sẻ: “Khi làm thợ sửa ô tô cho một doanh nghiệp ngoài Hà Nội, sống xa nhà nên tan giờ làm về nhà tôi có nhiều thời gian sử dụng điện thoại để đọc báo. Có lần tình cờ thấy một bài báo viết về mô hình trồng chuối tiêu hồng Thái Lan của anh Nguyễn Năng Thành ở tỉnh Hưng Yên, thu lãi tiền tỉ mỗi năm, tôi ngưỡng mộ lắm. Thế nên tôi tìm hiểu kĩ hơn về những thông tin liên quan đến giống chuối này. Tôi còn lần mò tìm số điện thoại của anh Thành để hỏi anh ấy về cách trồng chuối tiêu hồng. Được anh Thành nhiệt tình hướng dẫn, bày cho chỗ mua giống uy tín nên tôi quyết tâm về quê làm việc để có thể đầu tư phát triển mô hình này”.
Sau khi nghiên cứu kĩ các thông tin, anh Trinh liên hệ với Trung tâm giống cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) mua cây giống chuối tiêu hồng được các kĩ sư ở đây nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Nhiều người thấy anh Trinh đưa cây chuối giống chỉ bé bằng chiếc đũa về trồng, ai cũng bán tín, bán nghi về hiệu quả, có người còn cho rằng anh bị “hâm”. Tuy nhiên, nhờ trồng giống bằng cây giống nuôi cấy mô nên cây có khả năng sinh trưởng rất tốt. Chỉ một năm mà giờ tất cả 500 gốc đều ra buồng, đạt trung bình 7 - 8 nải/buồng. Đặc biệt, loại cây giống nuôi cấy mô này có ưu điểm sạch bệnh, có khả năng chống chịu các tác nhân gây bệnh trong quá trình sản xuất nên vườn chuối gia đình anh Trinh trồng rất xanh tốt. Loại chuối này có nhiều ưu điểm vượt trội so với chuối ta, khi chín có vỏ màu vàng sáng đẹp, cuống màu xanh, ăn ngon và thơm, quả chín để được lâu ngày vẫn giữ nguyên hương vị và chất lượng. Đặc biệt, đây là sản phẩm sạch nên được nhiều người ưa chuộng, thị trường tiêu thụ rộng. Hiện anh Trinh đang bán chuối với giá 200 - 250 ngàn đồng/buồng, cao gấp nhiều lần các giống chuối truyền thống trên địa bàn.
Nuôi cá chép “hóa giòn” thu 200 triệu đồng/năm
Anh Trần Viết Tý (sinh năm 1984, thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ), từ nuôi những giống cá truyền thống như rô phi, diêu hồng, trắm, ba sa, chép… đã tự tìm kiếm, học hỏi trên mạng internet và nuôi thành công cá chép giòn, năm đầu có thu 200 triệu đồng.
Theo anh Tý, những năm trước chỉ nuôi những giống cá truyền thống, giá cá bấp bênh nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Sau khi nghiên cứu học tập cách làm của một thanh niên nuôi cá chép khá hiệu quả ở Hải Dương, anh Tý quyết tâm đầu tư thực hiện mô hình “hóa giòn” cá chép.
Để thực hiện mô hình này, ngoài yêu cầu về vốn còn đòi hỏi công sức và thời gian. Cá chép nuôi theo cách thông thường đến tháng thứ 8, trung bình đạt trọng lượng 0,7 - 1kg/con thì chuyển qua cho ăn hạt đậu tằm trong vòng 6 tháng nhằm tạo độ săn chắc cho thịt cá. Về hình dáng bên ngoài, cá chép giòn không có gì khác biệt nhiều so với giống cá chép truyền thống. Tuy nhiên, khi chế biến thịt cá chép giòn có độ dai, giòn, vị đậm đà, thơm ngon đặc biệt. Người ăn không thể dùng đũa để tách thịt cá mà phải dùng dao hoặc kéo để cắt thịt cá ra thành từng miếng nhỏ. Cũng vì thế mà giá cá chép giòn cao gấp nhiều lần cá chép thường, ở mức giá 150.000 - 200.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn và hai tỉnh lân cận Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Hiện nguồn cung đang không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.