Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 7 năm 2021 | 5:7

Khôi hài “người đào ngũ” trở thành... thương binh - Bài 2: Vạch trần chân tướng sự thật!

“Chúng tôi là những đảng viên có thâm niên làm lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương nhiều khóa, xin lấy danh dự của người đảng viên và sinh mệnh chính trị của mình để đảm bảo sự tố cáo của chúng tôi là trong sáng, đúng sự thật”.

Đó là những lời tâm huyết tận đáy lòng của các cựu cán bộ, đảng viên ở xã Phù Lưu Tế viết trong đơn, thư gửi đến lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương và các cấp cầu mong sớm được làm rõ câu chuyện bà Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1949, trú thôn 2, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) đào ngũ nhưng đã gian dối, cấu kết man khai hồ sơ để trở thành thương binh.
1.jpgĐại diện các cựu cán bộ, đảng viên xã Phù Lưu Tế tố cáo chuyện  bà Tâm đào ngũ.
 
Trao đổi với chúng tôi, cụ Nguyễn Thị Xuân (82 tuổi đời, 58 năm tuổi đảng, trú tại thôn 7, xã Phù Lưu Tế, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Tế (các khóa VIII, IX, X, XI), nguyên đại biểu Quốc hội khóa III) cho biết: “Lúc bà Tâm đào ngũ về địa phương, tôi là Chủ tịch UBND xã, tôi nắm rất rõ. Giấy thông báo bà Tâm đào ngũ của đơn vị TNXP gửi về địa phương, tôi là người đọc và báo cáo Thường vụ Đảng ủy xã cũng như toàn thể cán bộ trong xã biết. Thậm chí, lúc đó cả địa phương ai cũng biết việc bà Tâm đào ngũ. Chính tôi và một số đồng chí cán bộ địa phương khi đó đã nhận nhiệm vụ của Thường vụ Đảng ủy xã, xuống tận nhà bà Tâm vận động bà trở lại đơn vị, nhưng bà Tâm không đi. Vậy nhưng sau này không biết bằng cách nào bà Tâm lại trở thành người có công với cách mạng, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, chúng tôi không thể chấp nhận. Là những đảng viên đã có thâm niên làm lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương nhiều khóa, chúng tôi xin lấy danh dự của người đảng viên và sinh mệnh chính trị của mình để đảm bảo sự tố cáo của chúng tôi là trong sáng, đúng sự thật”.
anh-2.jpgCác loại văn bản của bà Lê Thị Bưởi xác nhận cho bà Tâm nội dung không thống nhất, thể hiện có sự gian dối.
 
Đồng quan điểm với cụ Xuân, cụ Đặng Thị Vinh (79 tuổi đời, 55 năm tuổi đảng) chia sẻ: “Chúng tôi đồng tố cáo bà Tâm không có lý do nào khác, ngoài việc để các cấp vào cuộc, đòi lại công bằng cho xã hội chứ không vì mục đích cá nhân hay thù ghét bà Tâm bất cứ chuyện gì. Xã hội đang còn biết bao người có công thực sự, nhưng mất hết giấy tờ nên không được hưởng chế độ. Còn bà Tâm là người đào ngũ, như vậy là có tội với Tổ quốc, với nhân dân, lại được hưởng chế độ người có công thì quá bất công. Đi họp, bà Tâm được ngồi trước, được trân trọng giới thiệu là người có công với Tổ quốc, trong khi không phải như vậy. Ốm đau được miễn viện phí, thuốc men, con cái học hành, tuyển dụng được ưu tiên... Ngày lễ, Tết, người dân chúng tôi phải đóng tiền để mua quà trao tặng cho những người như bà Tâm. Thật vô lý!”.
 
Ngoài ra, mỗi lần chúng tôi về địa phương còn có nhiều cụ đến gặp để khẳng định việc các cụ viết đơn tố cáo gửi chúng tôi và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương là đúng. Điển hình như: Cụ Nguyễn Danh Hưởng, 95 tuổi đời, 61 năm tuổi đảng; Cụ Nguyễn Thị Thọ, 74 tuổi đời, 55 năm tuổi đảng; Cụ Phạm Thị Nhâm, 79 tuổi đời, 59 năm tuổi đảng (các cụ đều nguyên là cán bộ ban, ngành chủ chốt của địa phương lúc bấy giờ- PV)...
 
Bên cạnh đó, chúng tôi còn được khá nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở địa phương này chủ động đến gặp để bày tỏ ý kiến của mình cũng như trao đổi tình hình dư luận địa phương đang bức xúc, đồng thời cũng có ý kiến cho rằng “bà Tâm không đơn giản” nên không ai có thể làm gì được bà Tâm vì họ nghi vấn có sự “chống lưng” cho bà Tâm?
 
Ngoài những ý kiến của các cựu cán bộ, đảng viên xã Phù Lưu Tế, để rộng đường dư luận, chúng tôi đã hành trình đi đến nhiều nơi như Quảng Bình, Hà Nam để tìm gặp nhiều nhân chứng không kém phần quan trọng nhằm tìm ra chân tướng sự thật.
anh-1.jpgĐại diện lãnh đạo Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình, nguyên lãnh đạo Ban XD 67 và Đội N73 TNXP làm việc với PV.
 
Tại Quảng Bình, làm việc với chúng tôi, ông Cao Ngọc Tành, Ủy viên Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình (ông Tành nguyên là Thường vụ Đoàn Thanh niên, Trưởng ban Tổ chức Ban Xây dựng 67 – TNXP - PV), cho biết: “Thời điểm đó lực lượng TNXP đang có quy định “3 khoan” rất nghiêm ngặt, đó là: “Chưa có chồng, có vợ thì khoan lấy chồng, lấy vợ; Có chồng rồi khoan đẻ; Chưa có người yêu thì khoan yêu”. Nếu có trường hợp “lỡ yêu” trước khi nhập ngũ hoặc vào đơn vị lén lút mà đơn vị phát hiện có bầu là phải xử lý kỷ luật và cho về ngay chứ không thể để lại đơn vị được. Kỷ luật chiến trường lúc đó nghiêm lắm nên trường hợp như bà Tâm khai là hoàn toàn không chính xác”.
 
Để câu chuyện được rõ ràng hơn, chúng tôi tìm về tỉnh Hà Nam, tại đây chúng tôi được gặp ông Trịnh Thế Lược (sinh năm 1945, nguyên quán thôn Trung, xã Phù Lưu Tế, hiện trú quán ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, Hà Nam). Trò chuyện với chúng tôi, ông Lược cho biết, ông là 1 trong 5 thanh niên xã Phù Lưu Tế lên đường nhập ngũ cùng bà Tâm vào ngày 20/9/1968 và cùng ở Đại đội C736 với bà Tâm.
 
Khi hỏi đến chuyện bà Tâm, ông Lược không ngần ngại nói ngay: Con “Ve” đi TNXP đào ngũ. Hóa ra tên “Ve” mà ông Lược nhắc đến là tên tục mọi người ở quê thường gọi bà Tâm lúc nhỏ. Khi chúng tôi hỏi lại, ông Lược khẳng định, bà Tâm đi TNXP đã đào ngũ về quê lấy chồng ở nhà sinh con là đúng.
anh-3.jpgBà Tạ Thị Liên, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Hội Cựu TNXP N73- C732 thừa nhận ký xác nhận cho bà Tâm là do người khác viết đưa bà ký giúp chứ bà không biết bà Tâm là ai. 

 

Trở lại Mỹ Đức, chúng tôi còn gặp ông Nguyễn Dự Hải (sinh năm 1948, trú thôn 6, xã Phù Lưu Tế, cũng là 1 trong 5 thanh niên xã Phù Lưu Tế có mặt tham gia TNXP vào ngày 20/9/1968), ngoài nội dung thừa nhận với chúng tôi việc ông biết thông tin bà Tâm đi TNXP đào ngũ là đúng, ông Hải còn cho biết việc sau khi bà Tâm làm được thương binh, bà Tâm đã đến vận động ông “chạy” thương binh với giá 2 triệu đồng nhưng rất may vợ con ngăn cản chứ không ông cũng đã nhờ bà Tâm dẫn đường “chạy” thương binh rồi.

Trở lại câu chuyện những người xác nhận hồ sơ. Trước hết chúng tôi xin được nói về trường hợp bà Lê Thị Bưởi. Với tính thống nhất của 3 văn bản mà chúng tôi có trong hồ sơ, đó là văn bản được lập ngày 30/6/1998, bà Bưởi ký cam đoan và chịu trách nhiệm trước pháp luật là bà Tâm hoàn thành nhiệm vụ và được ra quân theo chính sách ngày 15/9/1972.
 
Nhưng văn bản được lập ngày 19/01/2018, khi sự việc các đảng viên tố cáo bà Tâm đẩy lên cao trào thì bà Bưởi lại thay đổi nội dung xác nhận cho bà Tâm với nội dung hết sức khôi hài, đó là: “Tháng 01/1971, đơn vị cho bà Tâm đi liên hệ công tác để chuyển ngành, chưa liên hệ được bà Tâm về cưới chồng và tiếp tục vào đơn vị công tác, sau đơn vị phát hiện bà Tâm có bầu, đơn vị cho bà Tâm về địa phương sinh con vì chiến tranh, sau sinh con vào đơn vị xin xuất ngũ”.
 
Còn văn bản được lập ngày 24/01/2018, lại xác nhận cho bà Tâm tham gia đủ thời gian từ 20/9/1968 đến 15/9/1972, văn bản này có Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Hà Nội Đỗ Quốc Phong ký xác nhận chữ ký bà Bưởi. Như vậy đã thể hiện tính cấu kết, gian dối của người làm chứng cho bà Tâm với mục đích giúp bà Tâm đối phó khi sự việc đã rồi.
anh-4.jpgBà Tạ Thị Liên viết giấy xin rút lại toàn bộ những ý kiến của mình trước đây đã xác nhận cho bà Tâm có sự chứng kiến của chồng và đại diện Hội Cựu TNXP huyện Mỹ Đức (Hà Nội) tại nhà riêng.
 
Còn trường hợp bà Tạ Thị Liên, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Hội Cựu TNXP N73- C732, ký xác nhận đơn đề nghị chứng nhận là TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến dành cho người mất giấy tờ của bà Tâm có Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Hà Nội xác nhận chữ ký bà Liên cũng đã bị bà Liên phản hồi khi Hội Cựu TNXP huyện Mỹ Đức đi xác minh thì bà Liên khẳng định rằng bà không biết bà Tâm là ai, kể cả trước đây có tham gia TNXP hay không mà bà ký xác nhận cho bà Tâm là do một cán bộ huyện Hội Cựu TNXP Mỹ Đức lên làm hộ rồi viết vào đưa cho bà ký đóng dấu giúp. Thế rồi không lâu sau đó, chúng tôi cùng đoàn cán bộ của Huyện hội Cựu TNXP Mỹ Đức về gặp lại bà Liên để làm rõ sự việc, nhận thấy việc làm của mình là sai, bà Liên đã viết giấy xin rút lại toàn bộ những ý kiến của mình trước đây xác nhận cho bà Tâm.
anh-5.jpgVợ chồng bà Nguyễn Thị Tâm “thỉnh cầu” một đảng viên có uy tín ở địa phương: “Anh có biết ở xã mình nhiều người chạy được chế độ không, nhiều người chạy được tỷ lệ % thương tật rất cao, được nhiều lương lắm, mà có ai nói ra đâu…”
 
Có lẽ, câu chuyện “kẻ đào ngũ” bỗng trở thành thương binh đến đây “thật- giả” thế nào chúng ta đã có thể nhận định. Tuy nhiên, để các cơ quan chức năng và dư luận hiểu sâu hơn thực chất vấn đề, chúng tôi xin được trích dẫn lời bà Tâm- ông Khả đến “thỉnh cầu” một đảng viên có uy tín ở địa phương nhờ giúp đỡ và trả lời câu hỏi của PV tại nhà riêng gia đình bà Tâm mà PV ghi lại được: 
 
- Bà Tâm: “Quá trình làm hồ sơ em chả kê khai văn bản nào hết; họ gọi em xuống làm thì em làm, rồi bảo em nộp những cái giấy gì gì ấy; các anh phải châm chước cho em; bây giờ em cũng sắp chết đến nơi rồi, lôi em ra cũng chẳng được cái gì, mà không lôi em ra cũng chẳng mất gì, thôi thì anh cho qua đi, dù em biết em sai, đúng cái gì thì anh nói với bà Xuân và mọi người tha cho em, em sống được ngày nào nữa em mang ơn các cụ ngày đó vì đã tha cho em.....”;
 
- Bà Tâm - ông Khả: “Anh có biết ở xã mình nhiều người chạy được chế độ không, nhiều người chạy được tỷ lệ % thương tật rất cao, được nhiều lương lắm, mà có ai nói ra đâu, kể cả chạy được chế độ vợ liệt sỹ, chạy cả công nhân- viên chức nữa đấy, như ông, bà “...” chẳng hạn. Anh là người đã về hưu nhưng anh có chức, có quyền, anh nói giúp em đi; tôi với ông là bạn ông bỏ qua cho tôi đi, các cơ quan, đoàn thể cũng đã tạo điều kiện giúp đỡ hết rồi...”.
anh-6.jpgBà Nguyễn Thị Tâm trao đổi với PV: “Bây giờ chuyện thế này rồi thì làm sao, tôi xấu hổ lắm, các bác có cách nào giúp tôi với.....”.
 
- Bà Tâm trả lời PV: “Trước khi đi TNXP năm 1968, tôi và chồng tôi bây giờ đã yêu nhau, cuối năm 1970 tôi về quê, tháng 01/1971 tôi lấy chồng, 30/10/1971 tôi sinh con. Lúc đó xã đang làm điểm nên không cho chúng tôi cưới vì tôi về không có giấy tờ gì và sau đó địa phương cũng không cho tôi nhập hộ khẩu, tôi quay lại đơn vị vì sợ chồng tôi bị khai trừ khỏi đảng, vào đơn vị phát hiện tôi có bầu cho về sinh con, khi sinh xong tôi lại quay lại đơn vị xin giấy xuất ngũ... Bây giờ chuyện thế này rồi thì làm sao, tôi xấu hổ lắm, các bác có cách nào giúp tôi với.....”.
 
Như vậy, chuyện đã quá rõ ràng, các nhân chứng có cam kết, rút lời xác nhận…, cá nhân bà Tâm cũng khai rõ mình sai. Vậy tại sao “người đào ngũ” bỗng trở thành thương binh đến nay chưa được xử lý theo quy định của pháp luật, đâu là nguyên nhân?
 
 
 
 
 
Xuân Hoàng
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top