Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 1 năm 2016 | 1:44

Sức sống thành phố trẻ bên bờ biển Đông

Là thành phố trẻ, TP. Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) đang vươn mình trỗi dậy với hàng loạt các chương trình, dự án lớn, hứa hẹn sẽ tạo ra một sức vóc, diện mạo mới trong tương lai không xa…

Bước phát triển thần kỳ về kinh tế

Là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật, dịch vụ, an ninh quốc phòng của tỉnh Bạc Liêu, là đầu mối giao thương với các tỉnh, TP.Bạc Liêu có đầy đủ ưu thế để phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội. Nét đặc trưng và cũng là niềm tự hào của nhân dân thành phố là nơi sinh ra bài “Dạ cổ hoài lang”; với các giai thoại về Công tử Bạc Liêu; về gốc xoài có niên đại 300 năm tuổi, đồng hồ đá, sân chim, vườn nhãn, khu du lịch tâm linh Phật Bà Nam Hải,… đã được du khách gần xa biết đến. Đây cũng là thế mạnh để thành phố đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ - du lịch và công nghiệp - xây dựng.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của thành phố. Tổng sản phẩm trên địa bàn trong 5 năm đạt giá trị 19.908 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,01%/năm; thu nhập bình quân đạt 55,1 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 2 lần so với nhiệm kỳ 2005 - 2010, trong đó bình quân khu vực nội thành đạt 69,9 triệu đồng/người/năm; khu vực nông thôn 32,5 triệu đồng/người/năm.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng mạnh tỷ trọng khu vực thương mại - dịch vụ - du lịch (chiếm 44,96%); công nghiệp - xây dựng chiếm 41,53%; tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản giảm xuống còn 13,51%.

Tàu thuyền khai thác thủy sản xa bờ lên hàng tại biển Nhà Mát (TP Bạc Liêu). Ảnh: LD

Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, các loại hình dịch vụ cộng với các điểm du lịch truyền thống, TP.Bạc Liêu đang trở thành điểm đến hấp dẫn. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ - du lịch đạt bình quân 19,54%/năm. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa dịch vụ tăng từ 5.698 tỷ đồng (năm 2010) lên 13.798 tỷ đồng (năm 2015). Đến nay, thành phố đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai thực hiện Đề án bảo tồn vườn nhãn cổ và một số dự án du lịch. Các điểm, tuyến du lịch được hình thành và phát triển, bước đầu thu hút khá nhiều du khách. Hiện, thành phố tự hào có 5 trong tổng số 6 sản phẩm du lịch của tỉnh được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Du lịch Công tử Bạc Liêu, Vườn chim Bạc Liêu, khu lưu niệm nhạc sỹ Cao Văn Lầu, khu biển nhân tạo khu du lịch Nhà Mát, nhà công tử Bạc Liêu.

Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, trên địa bàn thành phố hiện có 965 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho 6.992 lao động. Giá trị sản xuất tăng từ 3.520 tỷ đồng (năm 2010) lên 8.535 tỷ đồng (năm 2015), đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 19,38%/năm. Hầu hết các cơ sở sản xuất trên địa bàn đã nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường, mạnh dạn đầu tư thay đổi thiết bị công nghệ để sản xuất nhiều mặt hàng có mẫu mã đẹp, được thị trường chấp nhận.

Dù chiếm tỷ trọng không cao trong cơ cấu kinh tế nhưng sản xuất nông nghiệp - thủy sản vẫn được lãnh đạo thành phố quan tâm. Hệ thống cống ngăn mặn, kênh thủy lợi, thủy nông nội đồng phục vụ tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản từng bước được đầu tư nâng cấp, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa, màu, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Toàn thành phố hiện có 1.643ha đất trồng lúa, 3.770ha đất trồng màu, cây ăn trái, 5.993ha đất nuôi trồng thủy sản; giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản tăng từ 2.129 tỷ đồng  (năm 2010) lên 3.553 tỷ đồng (năm 2015). Một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao như: lúa ST20, măng tây, cua lột,… Đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả và đang được nhân rộng, như: sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng”, trồng rau an toàn, măng tây, hẹ, cải rổ, hoa kiểng, các mô hình nuôi tôm sú, tôm thả siêu thâm canh trong nhà kính…

Được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh vào tháng 4/2014, TP.Bạc Liêu đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, văn minh. Theo đó, thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện Đề án Quy hoạch và phát triển cây xanh trên địa bàn thành phố, trồng mới hơn 30.000 cây xanh, hoa kiểng với hơn 200 chủng loại, tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng. Mỗi tuyến đường đều được quy hoạch và trồng một loại cây đặc trưng phù hợp với tính chất, quy mô của từng đường phố, đảm bảo mỹ quan đô thị; 100% tuyến đường nội ô và các trục lộ giao thông nông thôn ở 3 xã đã được phủ kín cây xanh. Thành phố đã khắc phục được tình trạng ngập úng kéo dài sau mưa lớn; đặc biệt, đã đầu tư kinh phí cải tạo, xây dựng và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều năm ở một số điểm như kênh Bà Chủ, kênh Cả Phượng, kênh Cầu Xáng,… 100% rác thải ở các tuyến đường, khu dân cư, các điểm chợ, cơ quan, trường học, bệnh viện và các công trình công cộng trên địa bàn được thu gom xử lý, không còn tình trạng tồn đọng rác kéo dài; 90% lộ nội ô và các hẻm đã có hệ thống thoát nước.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Trong giai đoạn phát triển mới, TP.Bạc Liêu tiếp tục huy động để phát triển thành phố, đầu tư khai thác theo chiều sâu tiềm năng, thế mạnh, nhất là dịch vụ du lịch, kinh tế biển, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp; không ngừng nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân.

Để đạt được mục tiêu đó, thành phố sẽ cùng với tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đô thị, tiến hành cải tạo, chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu trong nội ô, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu dân cư, khu đô thị kiểu mới đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định. Hoàn thành các dự án chống sạt lở, hệ thống kè, đê bao thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phấn đấu xây dựng TP.Bạc Liêu trở thành thành phố du lịch; trung tâm bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử. Theo đó, thành phố sẽ đầu tư nâng chất các điểm du lịch và phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái, du lịch vườn, du lịch tâm linh… Phát động toàn xã hội tham gia đầu tư phát triển dịch vụ du lịch với phương châm “người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch”, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch và tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mang tính truyền thống đặc trưng của Bạc Liêu. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân về giá trị to lớn của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; xây dựng và duy trì ở mỗi ấp, khóm, xã, phường có ít nhất một câu lạc bộ Đờn ca tài tử…

Trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, nhất là thương mại, du lịch và dịch vụ. Đẩy mạnh phát huy nội lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế; đồng thời tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, thu hút ngoại lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có điều kiện tham gia để mở rộng các hoạt động dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, tín dụng trên địa bàn. Phát huy và mở rộng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, tạo điều kiện về mặt bằng để các nhà đầu tư triển khai xây dựng các trung tâm thương mại.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển công nghiệp và xây dựng, tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ. Tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi để các ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ theo hướng nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh gắn với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa.

Thực hiện chuyển dịch tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển nông nghiệp trong đô thị bền vững, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Trước mắt, hoàn chỉnh các quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết về sản xuất nông nghiệp, thủy sản; hình thành các vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản, sản xuất rau sạch, cây ăn trái, hoa kiểng; nâng cao chất lượng cây - con giống, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật theo hướng VietGAP. Phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường…

Với những giải pháp đồng bộ, chắc chắn TP.Bạc Liêu sẽ ngày càng phát triển, hứa hẹn một sức vóc mới ở khu vực đất chín rồng.

Đào Nguyễn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top