Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 12 năm 2021 | 14:32

Không để lỡ nhịp

Gần 2 năm qua, đại dịch Covid -19 đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, tác động xấu đến nhiều mặt đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Với Việt Nam, đợt dịch thứ tư với chủng Delta từ đầu tháng 5 đến nay đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế, các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống xã hội.

Theo báo cáo quý III/2021 của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, bình quân mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu năm 2021 mà còn với cả nhiệm kỳ 2021 -2025.

Trên tinh thần lắng nghe, thấu hiểu để có những giải pháp, quyết sách phù hợp nhằm sớm đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi, phát triển của thế giới; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cơ bản để phục hồi và hướng đến phát triển bền vững nền kinh tế, ổn định xã hội những năm tiếp theo, ngày 5/12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với các cơ quan chiến lược của Đảng và Nhà nước tổ chức, được kết nối trực tuyến tới hơn 60 điểm cầu trong nước và quốc tế dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

01-1625456474073499080095-copy-copy.JPG
Nguồn: VNDirect research, TCTK

 

Tiếp ngay sau đó, ngày 6/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chủ đề của chúng ta là hai chữ P - tức là Phục hồi và Phát triển bền vững. Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Chúng ta vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng tác động đến tăng trưởng để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Nhưng những giải pháp ngắn hạn và trung hạn thì phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững, không chỉ có vấn đề về kinh tế, mà cả vấn đề về xã hội, về môi trường và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát...”. Cuộc sống  phải vào chính sách thì chính sách mới vào được cuộc sống. Có vậy mới tạo ra sự đồng thuận để phát triển.

Trong phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm: “Tình hình thế nào thì giải pháp như thế, trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần có tầm nhìn, hành động và cách làm đặc biệt, phù hợp, linh hoạt”. Và nhấn mạnh một số định hướng, như: đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế… Chuyển đổi số phải là động lực phục hồi và phát triển kinh tế nên phải tiến hành nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.

Quan điểm của các diễn giả tại hai diễn đàn đều thống nhất: Để nền kinh tế không lỡ nhịp xu thế hồi phục kinh tế thế giới, cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, cần cảnh giác cao hơn, chủ động hơn trong bảo vệ thành quả phòng chống dịch. Đây là điều kiện tiên quyết. Điều kiện cần. Và điều kiện đủ là, hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, đồng bộ hơn với quy mô các gói hỗ trợ đủ lớn, kịp thời hơn, nhất là những chính sách an sinh xã hội, kích thích tiêu dùng, kích cầu đầu tư, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Quyết tâm chính trị phải đi cùng hành động mạnh mẽ, nhanh chóng. Sớm có chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và kinh tế.

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top