Nhờ nắm vững kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, anh Lê Ngọc Quỳnh ở thôn Tân Phương, xã Đắk Rmoan (TX. Gia Nghĩa - Đắk Nông) đã thành công với mô hình nuôi dê nhốt chuồng đảm bảo vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu
Năm 2013, anh Quỳnh đầu tư làm chuồng nuôi dê và mua 6 con dê cái, 1 con dê đực Bách thảo về làm giống với giá 30 triệu đồng. Sau 5 năm nuôi, đàn dê của anh tăng lên 50- 60 con dê sinh sản. Dê sinh sản cứ mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa đẻ 2-3 con. Mỗi năm anh bán hàng chục con dê thịt, giá bán dao động 2-2,5 triệu đồng/con.
Anh Quỳnh cho biết, từ ngày anh nuôi dê, cuộc sống gia đình cải thiện rất nhiều, có nguồn thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm.
Để chăn nuôi dê thành công và hiệu quả, anh Quỳnh chia sẻ một số kinh nghiệm.
Về giống: Phải chọn con có lý lịch rõ ràng, có bố mẹ, ông bà thuộc loại chất lượng tốt.
Về chuồng trại: Dê là loài động vật sạch sẽ, không ưa độ ẩm cao, nên làm chuồng dê ở nơi cao ráo, dễ thoát nước và tốt nhất là nơi có bóng cây. Sàn chuồng phải bằng phẳng và cách mặt đất tối thiểu 50 -100 cm, tốt nhất nên làm bằng thanh gỗ phẳng, bản rộng, kích thước 2,5 x 3cm, được đóng thành tấm có khe hở 1,0 - 1,5cm, đủ để phân dê lọt xuống nhưng không làm lọt chân dê. Nền chuồng láng bằng xi măng có độ dốc từ 15-20% để dễ vệ sinh và thoát nước.
Về thức ăn: Thức ăn phải tươi, ráo nước. Ngoài các loại thức ăn thông thường như cỏ, lá mít, bơ, keo dậu… nên tận dụng và khai thác tối đa các loại lá cây và phế phụ phẩm nông nghiệp để nuôi dê, nhằm giảm giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi.
Công tác vệ sinh thú y phòng bệnh: Chuồng trại phải luôn được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, mùa đông ấm, mùa hè thoáng mát. Định kỳ 1 tháng /2 lần dùng vôi bột, thuốc sát trùng tiêu độc khử trùng chuồng trại. Tẩy giun sán định kỳ cho dê 7-9 tháng/lần, tiêm phòng một số bệnh truyền nhiễm thường xảy ra như: tụ huyết trùng, viêm ruột hoại tử, đậu dê, lở mồm long móng.
Từ kinh nghiệm thực tế, anh Quỳnh còn giúp các hộ trong thôn phát triển nuôi dê. Trong thôn hiện có hơn 10 hộ nuôi dê theo phương thức nhốt chuồng, quy mô 5-10 con/hộ, được anh cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật. Thời gian tới, anh dự kiến liên kết các hộ nuôi để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.