Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 7 năm 2020 | 15:50

Kỳ vọng lớn từ Thông điệp mạnh của Thủ tướng

Thủ tướng Chính phủ nói chủ trương 1, các đồng chí bộ trưởng, các đồng chí bí thư, các đồng chí chủ tịch phải có biện pháp 10 để chủ trương vào cuộc sống một cách quyết liệt, cụ thể

tr4.jpg

Xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước.

 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương chiều 2/7 vừa qua, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nói chủ trương 1, các đồng chí bộ trưởng, các đồng chí bí thư, các đồng chí chủ tịch phải có biện pháp 10 để chủ trương vào cuộc sống một cách quyết liệt, cụ thể; phải dồn lực cho tam mã kéo cỗ xe tăng trưởng nhằm phấn đấu đạt tăng trưởng cao nhất, khoảng 3 -  4% trong năm 2020. Thủ tướng cũng chỉ rõ, tam mã đó là, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Không chỉ đặt vấn đề chung chung, ngày 16/7, Thủ tướng chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc nhằm tháo gỡ điểm nghẽn cơ bản nhất trong phục hồi kinh tế - công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đây có thể coi là một hội nghị đặc biệt bởi, ngay tại hội nghị, Thủ tướng nêu ngay những giải pháp cụ thể nếu bộ ngành, địa phương nào không hoàn thành nhiệm vụ.

Nói đầu tư công là đầu mối vì nếu không chậm giải ngân thì sẽ giải quyết được rất nhiều việc làm, có việc làm thì người lao động có thu nhập, doanh nghiệp có tăng trưởng, đóng góp lớn vào tăng trưởng nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy, 4 hậu quả lớn nhất là, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế; các dự án hạ tầng quan trọng chậm tiến độ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, niềm tin của nhà đầu tư, nhà tài trợ và người dân; gây lãng phí lớn; và chi phí đội lên, nợ nần tăng thêm, uy tín làm ăn giảm sút, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Thủ tướng đặt vấn đề: Các đồng chí nói là mặt bằng, thủ tục, năng lực thi công, nhất là thể chế,… nhưng tại sao nhiều địa phương, nhiều ngành cùng tình trạng như vậy nhưng giải ngân hết sức tốt. Có phải do bệnh quan liêu, không chịu đi sát, tinh thần thái độ không tích cực, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung? Ông yêu cầu: Sau hội nghị này phải giải quyết cho được 3 “đọng”: Không được để vốn đọng; Không được để nợ đọng (hạng mục thi công xong, dự án hoàn thành nhưng không quyết toán); Không để thủ tục đọng. Đây là nhiệm vụ chính trị 6 tháng cuối năm của các địa phương, các bộ, ngành...

Thủ tướng nhấn mạnh, từ tháng 8 tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân. Ông yêu cầu: Phải biểu dương hoặc phê bình công khai trên báo chí, truyền hình. Họp Chính phủ hằng tháng sẽ biểu dương những địa phương, những ngành làm tốt, phê bình những đơn vị, địa phương, ngành làm không tốt trong quá trình giải ngân. Kiên quyết xử lý những bộ phận, những cá nhân thiếu trách nhiệm và công bố lên thông tin đại chúng.

Thủ tướng yêu cầu gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan không có chuyển biến…

Sau hội nghị, Kinh tế nông thôn ghi nhận nhiều ý kiến nhân dân, chuyên gia. Theo đó đều nhận định, thông điệp của Thủ tướng về xử lý giải ngân đầu tư công là rất rõ ràng đối với cả tập thể và cá nhân. Đó phải được coi là mệnh lệnh như chống giặc.

Nhiều ý kiến cho rằng, từ nay đến cuối năm, các bộ ngành, địa phương tiến hành đại hội Đảng cấp bộ và tỉnh, việc giải ngân vốn đầu tư công cần phải được mổ xẻ, đưa vào nghị quyết; và coi thực hiện tốt việc này là một tiêu chí để người xem xét giới thiệu người đứng đầu. Trung ương khi xem xét bổ nhiệm người đứng đầu bộ ngành, địa phương cũng cần xem kế hoạch hành động về việc này của người được giao nhiệm vụ.

Thêm nữa, người dân đề nghị, để giải phóng mặt bằng nhanh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên xem xét mức giá đền bù thống nhất đối với một dự án đi qua nhiều địa phương; không nên để mỗi địa phương ấn định một giá..

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top