Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 7 năm 2016 | 1:51

Lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản: Báo động đỏ!

Vấn đề lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đã được đề cập từ lâu nhưng dường như vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ. Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm”, nhiều chuyên gia cho rằng, cần nhân rộng mô hình nuôi theo hướng an toàn sinh học hoặc VietGAP.

Mô hình nuôi tôm theo quy trình VietGAP ở Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng

Con số đáng báo động

Tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đưa ra con số khiến ai cũng phải giật mình về hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến tháng 9/2015, cả nước đã có gần 32.000 tấn hàng thủy sản bị trả về do nhiễm kháng sinh cấm, vi sinh và các loại tạp chất khác, cũng như vi phạm một số quy định nhập khẩu. 9 tháng đầu năm 2015, 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước nhập khẩu trả về.

Còn theo báo cáo của Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp quốc (UNIDO) ở 4 thị trường lớn EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia thì Việt Nam là một trong 3 nước đứng đầu về số vụ bị từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản giai đoạn 2006 - 2010.

Sở dĩ tình trạng sử dụng kháng sinh ngày càng tràn lan là do dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Thống kê cho thấy, tỷ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ 30 - 35%, trong khi Ấn Độ, Thái Lan trên 70%. Một số nhà khoa học thừa nhận dịch bệnh trên tôm khá phổ biến, vì tôm là loài khó nuôi, dễ bị bệnh. Các cơ sở nuôi lại chưa tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch đối với một số hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng, dẫn đến tồn dư kháng sinh trên tôm.

Đơn cử như trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cùng với dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, người nuôi sử dụng nhiều loại thuốc, kháng sinh để phòng trị bệnh, thường sử dụng nhất là kháng sinh nguyên liệu có dẫn xuất từ Oxytetraxylin để trị bệnh do vi khuẩn Vibrio. Kết quả kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Nghệ An từ năm 2013 - 2015 trên 145 mẫu cho thấy, phát hiện 6 mẫu nhiễm một số chỉ tiêu kim loại nặng, 1 mẫu nhiễm kháng sinh cấm Chloramphenicol, 1 mẫu tôm nuôi nhiễm kháng sinh Oxytetracycline. Điều đáng mừng là từ cuối năm 2015 đến nay, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên trong vụ 1 năm 2106, có đến 90% người nuôi trên địa bàn không còn sử dụng kháng sinh.

Trong khi đó, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa thừa nhận một thực tế, nhiều người nuôi dùng kháng sinh không nắm rõ thành phần, tác dụng của thuốc, việc lựa chọn kháng sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, truyền nhau hay tư vấn của người bán thuốc thú y thủy sản. Mặt khác, trước tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng ngày càng khó khăn, tôm hay bị dịch bệnh, người nuôi đã lạm dụng để phòng và trị bệnh cho tôm, nhiều hộ nuôi có khuynh hướng tăng liều sử dụng cao hơn so với khuyến cáo, ít chú ý đến liệu trình điều trị.

Tại Ninh Bình, trước khi tôm thẻ xuất hiện, toàn vùng chủ yếu nuôi thủy sản quảng canh, các loại thuốc và hóa chất sử dụng tương đối đơn giản, chủ yếu là các loại thuốc sát trùng và xử lý ao đầm như vôi bột, Dolomite, Chlorine, BKC… Khi hình thức nuôi tôm thẻ công nghiệp xuất hiện, tình hình sử dụng thuốc và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản có chuyển biến phức tạp hơn; các loại thuốc, hóa chất được sử dụng cũng nhiều hơn cả về số lượng và chủng loại. Tuy nhiên, việc kiểm soát sử dụng chất cấm, đặc biệt là kháng sinh cấm vẫn gặp nhiều khó khăn do thị trường còn nhỏ lẻ, vùng nuôi phân tán.

Tăng cường thanh, kiểm tra

Theo TS. Bùi Quang Tề, một chuyên gia về bệnh thủy sản, để việc nuôi trồng thủy sản luôn đảm bảo an toàn, bà con cần nắm chắc một số quy tắc sử dụng kháng sinh: Phải xác định được là một bệnh nhiễm khuẩn và xác định được vi khuẩn gây bệnh. Cần phải phân lập và làm kháng sinh đồ vi khuẩn gây bệnh. Bệnh do vi rút thì không dùng kháng sinh, như bệnh đốm trắng (WSSV) ở giáp xác, bệnh MBV, bệnh đầu vàng (YHD) ở tôm, bệnh xuất huyết do Reovirus ở cá trắm cỏ, bệnh hoại tử thần kinh (VNN) ở cá biển. Chọn kháng sinh phù hợp, khuếch tán dễ dàng tới bộ phận bị bệnh hoặc thải trừ qua bộ phận dưới dạng hoạt động. Phải dùng đúng liều lượng chỉ định, thời gian sử dụng (tắm, phun hoặc cho ăn, thời gian kéo dài bao lâu). Thường liều ngày đầu tiên cao, các ngày sau giảm, thời gian dùng kéo dài khoảng 7-10 ngày. Không nên phối hợp nhiều kháng sinh vì dễ tạo ra nhiều chủng vi khuẩn kháng thuốc, tăng độc tính và tai biến cho vật nuôi. Không nên sử dụng kháng sinh để phòng bệnh.

Ông Kim Văn Tiêu nhấn mạnh, để hạn chế tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, cần tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về lưu thông, phân phối, sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thủy sản, tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sử dụng thuốc thú y để tránh tồn dư hóa chất kháng sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tiến hành nghiên cứu đề xuất ban hành bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ tổ chức lại sản xuất, kết nối sản xuất với chế biến, phân phối, phát triển và nhân rộng các chuỗi cung cấp thủy sản an toàn; phát triển nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao kết hợp với quản lý chặt các yếu tố trong nuôi tôm, áp dụng mô hình nuôi tôm VietGAP. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải thông qua việc giám sát chặt chẽ hoạt động nuôi trồng tại cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu, thường xuyên giám sát chương trình quản lý chất lượng để đảm bảo biện pháp kiểm soát hóa chất kháng sinh phù hợp khi tiếp nhận nguyên liệu.

Nhân rộng mô hình nuôi an toàn

Theo ông Kim Văn Tiêu, để đẩy lùi nạn lạm dụng kháng sinh, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có chế tài mạnh hơn để xử lý những cơ sở kinh doanh thuốc kháng sinh ngoài danh mục cho phép thì việc xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi an toàn là rất quan trọng. Theo đó, giai đoạn 2011-2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao thực hiện dự án phát triển nuôi tôm sú theo quy trình GAP với tổng số 21 mô hình, quy mô 21ha. Khối lượng trung bình của tôm nuôi khi thu hoạch đạt 31,13 con/kg (tương đương 32,12 g/con), đạt chỉ tiêu được giao là 30-40 con/kg; tỷ lệ sống trung bình của tôm nuôi đạt 53,32%; năng suất trung bình 5,395 tấn/ha; 100% mô hình triển khai đều đạt hơn 60% tiêu chí VietGAP.

Tiếp nối thành công trên, giai đoạn 2014-2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP. Sau 2 năm thực hiện, dự án đã xây dựng được 21 mô hình, quy mô 2ha/mô hình đối với nuôi tôm thẻ chân trắng, 3ha/mô hình đối với nuôi tôm sú tại 13 tỉnh đại diện cho các vùng miền trong cả nước. Năng suất tôm sú đạt từ 2,6-3 tấn/ha; tôm thẻ chân trắng 10,6-10,7 tấn/ha. Tỷ lệ sống, tôm sú đạt 78-82%; tôm thẻ chân trắng 77-79%.

Ngoài ra, cán bộ khuyến nông còn hướng dẫn bà con áp dụng công nghệ sinh học trong mô hình nuôi tôm theo VietGAP. Đây được coi là giải pháp hỗ trợ mang tính tất yếu để ngành nuôi tôm công nghiệp phát triển bền vững.  Chế phẩm vi sinh được dùng phổ biến nhất, giá thành thấp, hiệu quả sử dụng cao và dễ áp dụng cho các hộ nuôi tôm là chế phẩm EM (Efective Microorganism = Vi sinh vật hữu hiệu).

TS.Bùi Quang Tề cho biết, trên thực tế, có một số cây thảo dược có thể sử dụng để thay thế kháng sinh. Ví dụ, các thảo dược có kháng sinh tự nhiên như: tỏi, sài đất, nhọ nồi… dùng để ức chế và tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh. Các thảo dược có chất hoạt tính gây chết cá: cây thuốc cá, hạt thàn mát, hạt chè dại, khô dầu sở… để diệt cá tạp trong ao nuôi tôm.

Có thể dùng tỏi trị bệnh viêm ruột của cá do vi trùng gây ra. Cách dùng như sau: mỗi ngày dùng 50g củ tỏi nghiền nát cho 10kg khối lượng cá ăn liên tục 6 ngày. Tỏi phòng trị bệnh đường ruột của tôm nuôi (bệnh phân trắng, ăn mòn vỏ kitin…), dùng 10-15g tỏi tươi/kg thức ăn tôm/ngày, nghiền nát hòa với nước vừa đủ trộn đều với thức ăn, mỗi tháng cho ăn một đợt 5 ngày liên tục.

Cây cỏ sữa lá nhỏ có tác dụng trị bệnh viêm ruột, bệnh thối rữa mang của cá do vi khuẩn gây ra. Liều dùng: 50g cây cỏ sữa khô hoặc 200g cây được giã thành bột + 20g muối cho 10kg trọng lượng cá ăn trong 1 ngày, ăn liên tục trong 3 ngày. Cây xuyên tâm liên có thể dùng trị bệnh viêm ruột cho cá trắm. Dùng 1 - 1,5 kg cây tươi cho 50 kg cá ăn một lần trong ngày, liên tục 5-7 ngày. Ngoài ra, cây sài đất, nhọ nồi,… cũng có tác dụng phòng trị bệnh cho cá.

Tác hại của lạm dụng kháng sinh

Gây ra hiện tượng kháng thuốc hay “nhờn thuốc”. Phá hoại sự cân bằng sinh học của tập đoàn vi sinh vật đường tiêu hoá. Do tiêu diệt nhanh chóng vi trùng gây bệnh làm đảo lộn khả năng phòng vệ của cơ thể, rối loạn khả năng sinh sản miễn dịch của cơ thể, làm cho cơ thể dễ bị tái nhiễm hoặc nhiễm bệnh khác khó điều trị hơn. Ngoài ra, một số kháng sinh tố còn gây cho cơ thể hiện tượng dị ứng.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top