Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 10 năm 2021 | 12:19

Liệu tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp có được xử lý dứt điểm?

Cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân vì buông lỏng quản lý hay cố tình phớt lờ cho sai phạm, để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp… xử lý sai phạm trên giấy?

Hơn 11 nghìn công trình trái phép trên đất nông nghiệp
 
Ngày 26/8/2015, gia đình ông Nguyễn Văn Minh – bà Phạm Thị Đức được cấp GCN QSDĐ (Nhà nước giao đất có thu tiền) với tổng diện tích 955m2, trong đó có 310m2 đất ở, diện tích còn lại là đất trồng cây lâu năm. Lô đất nằm tại khu phố Chí Linh, thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh).
 
Người dân thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) cho hay, một phần lớn trong tổng diện tích đất được Nhà nước giao cho ông Minh trước đây là đất trồng lúa. Nhưng không hiểu vì lý do gì, năm 2015 ông Minh được cấp GCN QSDĐ, mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm. Sau khi được cấp đất ông Minh đã đắp nền lên cao, xây dựng nhà ở và các khu xưởng sản xuất. Điều đáng nói, ông Minh còn lấn chiếm một phần con suối bên cạnh.
 
Ông Nguyễn Viết Thắng, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Lang Chánh không trả lời được việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của gia đình ông Minh có tuân thủ các quy định pháp luật và quy hoạch sử dụng đất của địa phương hay không.
công-trình-vi-phạm-của-gia-đình-ông-nguyễn-văn.jpg
Công trình vi phạm của gia đình ông Nguyễn Văn Minh. Ảnh: VD.
Tương tự, người dân thôn Cẩm Vân, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa phản ánh, một công trình trái phép quy mô lớn đã gần hoàn thiện trên đất nông nghiệp tại vùng Đồng Nẩn.
 
Đây là diện tích đất nông nghiệp (trồng lúa) do anh em ông Trịnh Đức Hường mua của người dân, quây rào và bắt đầu xây dựng từ năm 2019. Trên diện tích đất này, ông Hường đã xây dựng trang trại gồm hệ thống đường nhựa, ao lớn, cầu đi bộ và nhà ở, kè xây quanh cùng rất nhiều loại cây cảnh có giá trị, xung quanh quây kín tường cao và lưới B40.
 
Theo ông Trịnh Đức Hường, sau khi gom được đất, do cánh đồng này trũng sâu, không trồng lúa được nên gia đình ông này tự ý chuyển sang làm trang trại kết hợp nuôi trồng thủy sản.
 
Để thực hiện được mục đích của mình, ông Hường đã đắp bờ, làm các lối đi lại trong khuôn viên, xây các công trình trên đất.
 
Ông Lê Tiến Bình, Chủ tịch UBND xã Thiệu Vũ lý giải, UBND xã chỉ có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính mức 5 triệu đồng và yêu cầu tháo dỡ công trình. Ông Bình cũng cho hay, trước sai phạm của ông Trịnh Đức Hường, UBND xã Thiệu Vũ đã nhiều lần lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng bản thân ông Hường không chấp hành.
 
Theo đó, ngày 31/1/2020, Chủ tịch UBND xã Thiệu Vũ thông báo yêu cầu ông Hường dừng thi công các hạng mục của công trình. Ngày 17/2/2020, UBND xã Thiệu Vũ tiếp tục thông báo và nhấn mạnh đây là hành vi vi phạm Luật Đất đai 2013. Tới ngày 12/3/2020, UBND xã Thiệu Vũ tiếp tục thông báo lần 3 thì ông Trịnh Đức Hường mới cam kết tháo dỡ. Ngày 15/3/2021, UBND xã Thiệu Vũ ra quyết định xử phạt ông Trịnh Đức Hường số tiền 5 triệu đồng vì hành vi tự ý chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp khi chưa được các cơ quan thẩm quyền cho phép, vi phạm điều 57 của Luật Đất đai 2013.
 
Tuy nhiên, hơn 1 năm sau, gia đình ông Trịnh Đức Hường vẫn không chấp hành mà còn xây dựng thêm các hạng mục  công trình của mình như nhà, đường, cầu, kè, ao...
 
Khu vực hộ ông Trịnh Đức Hường sử dụng có diện tích khoảng hơn 1ha. Nguồn gốc đất toàn bộ diện tích trên là đất trồng lúa, gia đình ông Trịnh Đức Hường mua gom, quây rào lại và bắt đầu xây dựng liên tục từ năm 2019 tới nay.
 
Trên diện tích đất này có xây dựng nhà bán kiên cố mái tôn, quây phía ngoài bằng tôn, phía trong bằng tấm phọoc, nền lát gạch, nhà nổi bằng sắt và tôn trên khu nuôi trồng thủy sản; cầu bằng bê tông ra khu nhà nổi; một số lối đi lại được thảm nhựa. Diện tích còn lại đang trồng ngô, nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm.
công-trình-xây-dựng-trái-phép-trên-đất-nông-nghiệp-tràn-lan-tồn-tại-trong-một-thời-gian-dài-chưa-đư.jpg
Công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tràn lan, tồn tại trong một thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: VD.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, đến nay địa phương này còn 11.374 vụ vi phạm trật tự xây dựng (xây nhà ở, nhà xưởng, nhà kho, trang trại…) trên 154,5ha đất nông nghiệp nhưng chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm.
 
Ngày 12/8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn giao UBND cấp huyện kiểm tra, lập hồ sơ xử lý và giải quyết dứt điểm từng trường hợp.
 
Cụ thể, đối với hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp không thuộc đất của các công ty nông - lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ quản lý thì lập hồ sơ xử lý dứt điểm và xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 1.751 trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2004 và 4.929 trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2014. Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tạm thời được sử dụng đất nguyên hiện trạng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
 
Đối với 3.080 trường hợp đã xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp sau ngày 1/7/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND cấp huyện rà soát thời hiệu của từng trường hợp vi phạm, làm cơ sở lập hồ sơ xử lý nghiêm. Trường hợp hành vi vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình vi phạm.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng xử lý không nghiêm và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/10/2021.

Nhà xưởng 'khủng' vi phạm trên đất nông nghiệp

Qua thông tin phản ánh của người dân thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín (Hà Nội), kiểm chứng nội dung về hàng loạt những vi phạm đất đai, xây dựng khác mới xảy ra trong thời gian gần đây tại địa phương này. Qua đó xác định, Văn Tự là xã làng nghề chuyên sản xuất đồ gỗ, nhưng tập trung sản xuất và buôn bán đồ gỗ và gỗ nguyên khối chủ yếu ở thôn Nguyên Hanh. Đây là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng gần xa từ hàng chục năm qua.

Trong khoảng 10 năm gần đây tốc độ phát triển làng nghề của địa phương này ngày một lớn. Chính vì vậy, xã Văn Tự đã được TP cùng các sở, ngành, UBND huyện Thường Tín quan tâm quy hoạch, xây dựng điểm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự rộng 7,3ha và đưa vào hoạt động từ năm 2019. Nhờ đó đã bố trí mặt bằng thu hút được khoảng 80 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, buôn bán gỗ nguyên khối và đồ gỗ thành phẩm vào đây.

Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, nên từ đó đến nay, không chỉ xuất hiện hàng loạt trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, san lấp đất nông nghiệp rồi dựng nhà xường tại khu vực gần 10ha đất nông nghiệp xứ đồng Trung, thôn Nguyên Hanh mà báo Kinh tế & Đô thị online ngày 25/9/2021 đã nêu. Cùng với đó, tại khu vực ven đường Quốc lộ 1A, liền kề điểm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự còn xuất hiện một số trường hợp dựng nhà xưởng mới toanh bằng khung sắt, mái tôn làm kho trên đất nông nghiệp và đất công để buôn bán gỗ.

Nghiêm trọng hơn phải kể đến khu vực liền kề với nghĩa trang thôn Nguyên Hanh xuất hiện hàng loạt nhà xưởng mới ngang nhiên mọc trên đất nông nghiệp và đất công do UBND xã quản lý. Cụ thể, ngay tại khu vực giáp ranh điểm giao cắt với đường sắt là các xưởng gỗ, như: Vũ Hường, Trường Tuấn, Hương Long…rộng khoảng 300 - 500m2/xưởng, đây đều là các công trình vi phạm mới. Tại đây còn có một số hộ dựng nhà xưởng rồi chuyển nhượng cho người khác làm gara ô tô khiến con đường ở đây vốn dĩ đã chật hẹp nay càng chật hẹp hơn khi cùng thời điểm có tàu hỏa chạy qua là hàng loạt xe ô tô chở gỗ và xe ô tô vào các gara gây ra cảnh ùn tắc, nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

 

fb8d612a3368da368379.jpg
Nằm giữa cánh đồng, công trình nhà xưởng 1.000m2 của ông Nhường vẫn hiên ngang tồn tại như thách thức dư luận.

Nguy hiểm hơn, tại đây còn có rất nhiều công trình nhà xưởng “ôm chọn” những chiếc cột và mạng lưới dây điện vào bên trong công trình. Hành vi vi phạm này tiềm ẩn nguy cơ gây ra cháy nổ do chập điện, thiệt hại sẽ là khôn lường. Cũng tại khu vực này, thời điểm dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Thường Tín có diễn biến phức nhưng ông Đỗ Văn Nhường còn ngang nhiên dựng được nhà xưởng bằng khung sắt mái tôn rộng khoảng 1.000m2 nằm chơ vơ giữa cánh đồng khiến người dân đi qua đây cảm thấy ngán ngẩm vì sự tắc trách của UBND xã Văn Tự.

Theo người dân xã Quang Trung (huyện Phú Xuyên) cho biết, do các xứ đồng của thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự nằm xâm canh với các xứ đồng của thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung chính là nguyên nhân dẫn đến ra tăng vi phạm. Cùng với đó, tuyến đường giao thông đi vào thôn Phú Nhiêu vừa được UBND xã Quang Trung xây dựng bằng bê tông và chỉ cho phép xe ô tô trọng tải dưới 5 tấn đi qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây một loạt nhà xưởng và các khu đất nông nghiệp của xã Văn Tự bị chuyển đổi mục đích xử dụng làm bãi tập kết gỗ khiến ngày nào cũng có hàng chục lượt xe trọng tải 30 - 40 tấn chở gỗ đi vào đang gây rạn nứt tuyến đường.

 

4135de928cd0658e3cc1.jpg
 Công trình nhà xưởng vi phạm mới nằm dưới đường dây điện trung thế và cao thế.

 

Được biết, cũng tại địa phương này cũng đang tồn tại hàng loạt thửa ruộng sản xuất nông nghiệp và đất công do UBND xã quản lý bị chuyển đổi mục đích sử dụng, cùng với đó nhiều nhà xưởng còn chiếm dụng cả hành lang lưới điện ở khu vực gần nghĩa trang nhân dân thôn Nguyên Hanh.

Tuy thời điểm đầu năm 2021 UBND huyện Thường Tín đã phải trực tiếp vào cuộc cương quyết tháo dỡ 12 công trình nhà xưởng tại thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, là những công trình vi phạm tồn tại trước đó để thể hiện tính nghiêm minh trong công tác quản lý đất đai. Tuy nhiên, do thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra của lãnh đạo UBND xã và cán bộ phòng, ban chuyên môn theo dõi địa bàn khiến hàng loạt vi phạm mới tại địa phương này lại tiếp tục phát sinh trong thời gian gần đây.

Buộc tháo dỡ phần tường lấn chiếm đất nông nghiệp

Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng (BT&XD) Quốc An (Công ty Quốc An-PV), xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã tùy tiện lấn chiếm đất nông nghiệp, xây tường bao xung quanh để tập kết nguyên vật liệu phục vụ trạm bê tông ở thôn Danh Thượng 2, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa.

Công ty này đã tự ý lấn đất nông nghiệp, dịch chuyển ranh giới để mở rộng diện tích đất sử dụng, quy mô 986,9 m2. Cụ thể là xây tường xây bao trên diện tích đất nông nghiệp tập kết vật liệu xây dựng.

Được biết, ngày 18/8 vừa qua, UBND huyện Hiệp Hòa ban hành quyết định xử phạt doanh nghiệp này 14 triệu đồng với lỗi vi phạm tự ý lấn đất nông nghiệp, dịch chuyển ranh giới để mở rộng diện tích đất sử dụng và yêu cầu khôi phục hiện trạng ban đầu trong vòng 10 ngày kể từ ngày bị xử phạt song quá hạn trên, Công ty chưa chấp hành.

 

ca8104fc57bebee0e7af.jpg
Công ty Quốc An đã tháo dỡ tường bao lấn chiếm đất nông nghiệp phía sau Công ty.

Sau khi báo nêu, ngay trong tháng 9, UBND huyện Hiệp Hòa đã chỉ đạo các phòng chức năng liên quan, UBND xã Danh Thắng đôn đốc Công ty Quốc An tháo dỡ tường rào vi phạm, trả lại hiện trạng đất ban đầu. Đến nay, Công ty này đã tháo dỡ toàn bộ phần tường lấn chiếm đất nông nghiệp.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top