Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 4 năm 2017 | 2:13

Nâng cao giá trị và tính bền vững trong phát triển kinh tế VAC tại Phú Yên

KTNT - Kinh tế VAC (vườn, ao, chuồng) đã được các cấp, ngành triển khai từ nhiều năm qua. Ở Phú Yên, lĩnh vực kinh tế này đã qua giai đoạn đầu tư cơ bản. Nhiều địa phương, tổ chức, nông dân đã tạo dựng được hàng ngàn hecta đất đai, mặt nước theo mô hình kinh tế VAC. Nhờ đó, giá trị hàng nông sản cũng như đời sống vật chất của nông dân được cải thiện.

Nông dân P.9, TP.Tuy Hòa phát triển vườn cây cảnh, cho thu nhập cao.  Ảnh NGỌC HÂN.

Làm giàu từ mô hình VAC

Phú Yên có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản… Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, mặt nước, nhiều nông dân đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Từ chương trình cải tạo vườn tạp, nhiều nông dân đã tạo nên những vườn cây ăn quả, trang trại chăn nuôi, sản xuất được lượng hàng hóa nông sản lớn bằng sự liên kết giữa nông dân và các tổ chức để cùng mang lại lợi nhuận cao. Điển hình của sự liên kết này là Tổ hợp tác Sơn Ngọc (huyện Phú Hoà). Hơn 100 hộ nông dân phối hợp cùng nhau biến hơn 100ha đồi núi cằn cỗi thành những vườn cây ăn quả, hồ cá, đồng cỏ chăn nuôi đại gia súc. Hằng năm, lợi nhuận mang lại cho mỗi hộ nông dân hơn 100 triệu đồng.

Hội Làm vườn (HLV) xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) cũng là điển hình trong việc tổ chức phối hợp với nông dân tạo nên sản phẩm hàng hoá có giá trị cao. Mô hình vườn rau, nuôi chim cút mang lại thu nhập trên 50 triệu đồng/hộ/năm.

Hay như xã Bình Ngọc (TP. Tuy Hoà) vốn là địa chỉ quen thuộc của những người tiêu thụ rau xanh trong và ngoài tỉnh. Nhiều năm qua, nông dân Bình Ngọc đã cùng nhau thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn mang lại lợi nhuận trên 50 triệu đồng/ha/năm. Nông dân phường 9, Bình Kiến cũng giúp nhau phát triển mô hình kinh tế hoa, cây kiểng có giá trị trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, nhược điểm của kinh tế VAC mà nông dân Phú Yên gặp phải là thiếu vốn đầu tư. Do đó, HLV Phú Yên nhiều năm qua đã tranh thủ mọi nguồn lực giúp nông dân nâng cao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và kỹ năng tiếp cận thị trường cũng như trực tiếp đưa về hàng trăm loại cây mới, vật nuôi mới, xây dựng hơn 100 mô hình trên toàn tỉnh để người dân học tập, đồng thời liên tiếp mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân…

Nâng cao giá trị và sản xuất theo hướng bền vững

 Nhu cầu của thị trường đối với hàng hoá nông sản sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Tranh thủ mọi diện tích đất, mặt nước để sản xuất là việc cần tiếp tục phát huy đối với nông dân. Để đạt được giá trị cao và có được sản lượng hàng hoá đủ lớn cung cấp cho thị trường, tất yếu phải liên kết nông dân.

 HLV đã và đang phối hợp để triển khai những mô hình kinh tế VAC mới, có giá trị cao như trồng nho hàng hoá, nuôi ba ba thương phẩm, trồng rau sạch, chăn nuôi gia cầm sạch, nuôi nhím.

Ông Huỳnh Kha, xã Xuân Cảnh (huyện Sông Cầu), tuy là thương binh nhưng đã mạnh dạn học hỏi, tìm tòi mô hình mới nuôi ba ba thương phẩm. Chỉ với 35m2 đất cát, ông Huỳnh Kha đã nuôi 175 con ba ba thương phẩm, đạt lợi nhuận 69 triệu đồng/vụ. Nuôi ba ba hiện là mô hình phát huy được hiệu quả ở vùng đất cát ven biển. Toàn huyện Sông Cầu đang nuôi hơn 21.000 con ba ba thương phẩm, với giá 280.000 đồng/kg ba ba loại 1, tính ra nghề nuôi ba ba mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Sông Cầu. 

Cùng với những mô hình kể trên, trang trại nông - lâm kết hợp của nông dân Phú Yên cũng đang phát huy hiệu quả theo hướng bền vững. HLV sẽ tiếp tục phát triển tổ chức Hội các cấp, giúp nông dân về kỹ thuật, năng lực đầu tư nguồn vốn, nguồn giống và khả năng tiếp cận thị trường nhằm mang lại giá trị kinh tế ngày càng lớn cho nông dân và xã hội. 

Phú Yên hiện có 9 HLV cấp huyện, thành phố; 76 HLV xã, phường với 5.100 hội viên. Từ năm 2000 đến nay, HLV tỉnh xây dựng 45 mô hình trình diễn kỹ thuật trên tổng diện tích 35ha; giúp hội viên trồng 141.234 cây xoài cao sản các loại, 10.000 cây nhãn, 20.000 cây mận hồng đào, mận An Phước (miền Bắc gọi là gioi), 10.000 cây sapôchê (miền Bắc gọi là hồng xiêm), 50.000 cây ổi sá lị ruột trắng, ruột đỏ và không hạt, 10.000 cây mãng cầu dai (miền Bắc gọi là na), 1.000 cây mít các loại, 2.000 cây bưởi, 105.000 cây dứa, 16.000 cây điều ghép, 5.600 cây tre lấy măng, 600.000 cây bạch đàn, xà cừ, keo,...

Ngoài ra, Hội còn xây dựng 89ha vườn dinh dưỡng; 64 mô hình VAC tình nghĩa cho gia đình thương binh, liệt sĩ…

Trần Văn Thu, Chủ tịch HLV tỉnh Phú Yên

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top