Họ là các chàng trai từ 32-39 tuổi, từng làm nhiều ngành nghề khác nhau, song có một điểm chung là cùng đam mê nghề vườn và tình nguyện gia nhập Hội Làm vườn (HLV) Nghệ An để phát triển kinh tế, cung cấp sản phẩm sạch cho người dân. Kết quả là, chưa đầy 2 năm sau ngày gia nhập Hội, họ đã có 6 cửa hàng thực phẩm liên kết chuỗi; hàng trăm hội viên, trang trại cung cấp sản phẩm sạch và đại lý tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ phát triển tốt ở Nghệ An.
Từ đam mê nghề vườn...
Đầu tiên phải kể đến Trần Văn Phúc, sinh năm 1985, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, Phúc ở lại Hà Nội 1 năm để thử sức, sau đó chuyển về TP.Vinh kinh doanh thực phẩm cho “Mẹ và Bé” rồi trụ lại ở đây 5 năm. Tưởng rằng đã ổn định, nhưng có lẽ do ký ức yêu quý bộ môn sinh học khi còn học ở Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu đã “kéo” Phúc trở về nghề làm vườn.
Sau khi nghiên cứu kỹ Điều lệ HLV Nghệ An, Phúc đã làm đơn xin gia nhập Hội. Tiếp đến là những tháng ngày xâm nhập cơ sở, ở đâu có cây - con đặc sản sạch từ VAC trên địa bàn tỉnh là Phúc tìm đến. Kết quả là, từ nguồn cung sản phẩm sạch dồi dào trên địa bàn TP.Vinh và tỉnh Nghệ An, Phúc đã mở liên tiếp 4 rồi 6 chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, mang tên BibiGreen tại HLV tỉnh và một số địa điểm trong thành phố. Hiện, những đơn vị liên kết chặt chẽ với chuỗi cửa hàng của Phúc là: HLV các huyện: Nghĩa Đàn, Thanh Chương, TP. Vinh; HTX rau an toàn Nghi Liên và các hộ nông dân trong toàn tỉnh.
Hiện, Phúc đang thuê trang trại sản xuất ở Nghi Liên, hợp tác với nông dân sản xuất các mặt hàng: gà, cá, lợn, rau, và các cây - con đặc sản trong vùng; trồng hoa, cây cảnh, làm mô hình tham quan cho trường mầm non. Sau gần 6 tháng gia nhập HLV Nghệ An, Phúc đã thành lập Công ty Đầu tư sản xuất thương mại dịch vụ Cuộc sống xanh và nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT với 30 thành viên.
Chàng trai thứ hai là Nguyễn Thế Thắng, sinh năm 1979, xuất thân từ nghề giáo, trong 9 năm giảng dạy ở trường THPT, ngoài giờ lên lớp Thắng còn nuôi dế. Kỳ nghỉ hè, anh thường đến các địa phương trong tỉnh để học hỏi thêm về cách chăm sóc dế và tìm đầu ra cho sản phẩm, vì vậy, Thắng có dịp làm quen với các hội viên HLV. Công việc nuôi dế nhờ vậy có nhiều bước tiến và gặt hái được nhiều thành công. Sau khi nghiên cứu kỹ Điều lệ HLV Nghệ An và nhiều chuyến đi trải nghiệm thực tế, năm 2016, anh quyết định làm đơn tình nguyện gia nhập Hội và chuyển công tác về Hội từ đó đến nay. Do đam mê nghề vườn nên trong 2 năm (2014 - 2016) Thắng đã có thêm bằng thạc sỹ kinh tế.
Năng nổ, sáng tạo, đi cơ sở nhiều, Thắng thấy hội viên HLV sinh hoạt đều đặn theo nhóm, cụm, thường xuyên phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt và nhất là hỗ trợ nhau bao tiêu sản phẩm, vì vậy, anh cũng nhanh chóng hòa nhập cộng đồng và hoạt động rất sôi nổi. Kết quả là, chỉ sau gần 2 năm công tác tại Hội, Thắng đã mở được nhiều lớp đào tạo nghề ở Thanh Chương, Hưng Nguyên và đảm nhận công việc giảng dạy bộ môn kinh tế. Hiện, Thắng đã có Trại dế Lan Hương ở phường Hưng Dũng, TP.Vinh (200m2) và quán nhậu Dế mèn để giới thiệu sản phẩm và mô hình trình diễn dế, rắn mối, tắc kè, bọ cạp ...phục vụ công tác chuyển giao công nghệ, cung cấp giống cho bà con sản xuất tại gia đình và lo khâu đầu ra cho hội viên. Bước đầu, Thắng đã thành lập doanh nghiệp tư nhân với 4 nhân viên và đã có 406 hộ gia đình chuyên cung cấp đầu vào cho trại; đầu ra là 212 đại lý, quán nhậu, nhà hàng, khách sạn và các đại lý chim cảnh. Riêng các món nhậu cho quán ăn, nhà hàng đã có 8 loại côn trùng đặc sản: dế, rắn mối, cào cào, bò cạp , sâu măng....
Ngoài 2 gương mặt sáng giá kể trên, HLV Nghệ An còn có 2 hội viên trẻ hiện đang đảm nhận công tác củng cố tổ chức Hội và tham gia xây dựng mô hình vườn mẫu.
Trẻ hóa đội ngũ cán bộ Hội
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch HLV Nghệ An, bà Nguyễn Thị Quy, cho biết: “Nét mới trong công tác Hội của chúng tôi thời gian qua là đã trẻ hóa đội ngũ cán bộ Hội. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có 4 thanh niên tuổi đời còn khá trẻ đến tìm hiểu về hoạt động Hội. Ý tưởng, lòng say mê nghề và định hướng của họ khi làm đơn xin gia nhập Hội rất vững vàng”.
Cử nhân kinh tế Trần Văn Phúc chia sẻ: “Sau khi nghiên cứu kỹ Điều lệ Hội, tôi thấy Hội đảm nhận khá nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhất là bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên làm VAC. Mong muốn của tôi là sớm được trở thành thành viên của Hội, từ lâu, làm kinh tế trang trại đã là niềm đam mê của tôi. Nếu được gia nhập, Hội tôi xin đảm nhận công việc kinh doanh và bao tiêu sản phẩm cho nhà vườn; cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng khu vực Bắc Trung Bộ”. Đúng như dự định của Phúc, chỉ sau một thời gian ngắn, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch BibiGreen đã ra đời và hiện đang phát huy hiệu quả tốt”.
Bà Quy cho biết thêm, phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại trên địa bàn Nghệ An năm 2016 có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là các huyện Hội đã chủ động xây dựng đề án và mô hình VAC theo hướng VietGAP một cách hiệu quả. Theo đó, đã có 1.539 vườn với diện tích 63,925ha, chủ yếu là cây ăn quả và rau màu, điển hình như Tân Kỳ, Yên Thành, Tương Dương; tại TP. Vinh đã có 4 mô hình rau VietGAP; nuôi trồng thủy sản có 64 mô hình tại thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ; 857 hộ chăn nuôi lợn gà, trâu bò với tổng đàn 175.000 con (trong đó có 20 mô hình nuôi gà VietGAP ở Cửa Lò, Thanh Chương). Đáng ghi nhận là mô hình nuôi trùn quế, kết hợp chăn nuôi lợn, gà, ngan, vịt tại Nghĩa Đàn vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa thân thiện với môi trường.
Anh Thắng đang theo dõi dế sinh sản.
Nổi trội nhất vẫn là 528 mô hình VAC tổng hợp ở Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thanh Chương. Mặc dù ra đời sau các Hội bạn, nhưng HLV Thanh Chương đã có nhiều dự án lớn như nuôi gà sạch (900 triệu đồng), trồng thanh long ruột đỏ...HLV tỉnh đã liên kết với chuỗi BibiGreen tiêu thụ nông sản sạch, an toàn cho hội viên. Đặc biệt, năm qua đã xây dựng được 1 mô hình theo chuỗi, đó là bưởi hồng Quang Dương tại Nghĩa Đàn.
Năm 2016, HLV tỉnh Nghệ An cũng tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ thuật cho gần 11.163 lượt người, nhiều nhất là Thanh Chương, Yên Thành; mở 153 lớp đào tạo nghề cho 3.626 lượt người (Yên Thành, Thanh Chương). Ngoài ra, còn tổ chức tham quan mô hình VAC giỏi trong và ngoài địa phương, tham quan mô hình vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh. Tham gia hội thảo chia sẻ kinh nghiệm làm vườn mẫu do Trung ương HLV Việt Nam và Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tổ chức tại Hà Tĩnh.
Hiện, đa số các Hội cơ sở đều được hỗ trợ kinh phí hoạt động song vẫn còn khiêm tốn. Việc xây dựng quỹ Hội và thu Hội phí chậm, quỹ Hội không đủ để hoạt động. Tuy nhiên, đáng biểu dương là 2 đơn vị Thanh Chương, Nghĩa Đàn vẫn duy trì việc thu Hội phí đều đặn.
Nét mới nữa là, công tác dịch vụ VAC cho hội viên đã từng bước đi vào hoạt động,nề nếp, có hiệu quả. Cụ thể là HLV Tương Dương, Cửa Lò, Nghĩa Đàn, Thanh Chương đã cung cấp lượng thức ăn chăn nuôi đáng kể cho hội viên mở rộng quy mô đàn gia súc, gia cầm.
Từ thực tế trên, năm 2017, HLV Nghệ An dự kiến tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An về tăng cường phát triển kinh tế VAC và củng cố tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở. Chỉ đạo, hướng dẫn 15 đơn vị đến kỳ đại hội kiện toàn tổ chức xong trước tháng 11/2017, tiến tới Đại hội HLV tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 2017 - 2022 vào dịp cuối năm. Phát triển hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 64.000 người. Đẩy mạnh xây dựng quỹ Hội, tổ chức dịch vụ kỹ thuật VAC cho hội viên; xây dựng mối liên kết giữa các hội với nhau trong lĩnh vực phát triển kinh tế và tiêu thụ sản phẩm VAC. Phấn đấu năm 2017 có 45 -50% đơn vị Hội cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất sắc, không có đơn vị yếu kém. Tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ làm VAC theo hướng VietGAP, với mục tiêu năm 2017 đào tạo cho 24.000 lượt người. Đào tạo nghề cho 2.200 học viên là hội viên HLV; phấn đấu xây dựng 4 mô hình VAC các loại, cố gắng xây dựng 1 mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; chọn 1-2 mô hình VAC theo hướng VietGAP.
Hy vọng, với bước đi bài bản, chắc chắn và những định hướng vững vàng trong tương lai, cộng với sự tham gia nhiệt tình của những nhân tố mới - người trẻ và nhiều nhiệt huyết, HLV Nghệ An sớm đạt được dự định của mình, đưa công tác Hội lên một tầm cao mới.
Dương An Như
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.