Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 18 tháng 8 năm 2022 | 23:26

Ngăn chặn, xử lý tình trạng buôn bán và nhập lậu bánh Trung thu

Gần đây, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước liên tiếp phát hiện và bắt giữ các vụ vi phạm về các hành vi sản xuất, buôn bán bánh Trung thu nhập lậu, chất lượng kém, thậm chí nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước thực trạng này, lực lượng QLTT đang nỗ lực siết chặt kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng dịp Tết Trung thu năm 2022.
 
Thu giữ hàng ngàn sản phẩm phục vụ Tết Trung thu không rõ nguồn gốc
 
Đội QLTT số 9 phối hợp với Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Giang vừa tiến hành kiểm tra một cửa hàng chuyên sỉ lẻ giấy ăn - giấy vệ sinh, nước giải khát tại số 78A đường 19/5, tổ 1, phường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang. Cửa hàng này do bà Trần Thùy Dương (SN 1996) làm chủ.
 
Lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh hàng hóa do nước ngoài (Trung Quốc) sản xuất gồm các mặt hàng: Bánh trứng, xúc xích, gói chân vịt, gà nướng ngũ vị, vịt nướng subaxi, mỳ bò dưa chua, mỳ bò hầm, xì dầu đông cổ, cá biển, hạt hướng dương và nước đóng chai (nước đào ép, trà nhài, nước lê đường phèn, bia yến kinh). Tổng số hàng hóa 4.644 sản phẩm.
ha-giang-banh-trung-thu.jpg
Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa vi phạm.
Tại thời điểm kiểm tra, bà Dương không xuất trình được bất cứ giấy tờ, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng. Bà Dương cho biết, số hàng hóa trên được bà nhập về để phục vụ dịp Tết Trung thu.
 
Lực lượng chức năng đã lập hồ sơ tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Trước đó, Đội quản lý thị trường số 24 Cục QLTT thành phố Hà Nội đã đột xuất kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải tại số nhà 46, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang bày bán 10.800 chiếc bánh Trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, được đựng trong thùng các tông. Chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô bánh Trung thu. Ông cũng cho biết, gần Tết Trung thu, nhu cầu tiêu thụ cao nên đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường về bán.
 
Mới đây, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) phát hiện một số đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa là bánh kẹo, bánh Trung thu không rõ nguồn gốc về Hà Nội tiêu thụ, nên đã tổ chức theo dõi.
 
Cụ thể, tại trước cửa số 7, đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, lực lượng chức năng đã phát hiện một đối tượng đang tập kết hàng hóa nghi hàng nhập lậu. Qua đó, Đội Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức kiểm tra, phát hiện bên trong 33 thùng carton chứa bánh kẹo và bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất.
s.gif
Ngay cả chủ hàng cũng không chắc chắn được chất lượng lô hàng, chỉ biết nhu cầu tăng thì đi buôn thu lợi nhuận
Chủ lô hàng trên là Nguyễn Huy Nghĩa, SN 1997, trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội khai nhận, số hàng trên được mua trôi nổi trên thị trường với giá gần 30 triệu đồng. Thời điểm kiểm tra, Nguyễn Huy Nghĩa không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng.
 
Qua kiểm đếm, số hàng hóa trên gồm 2.040 chiếc bánh Trung thu và 1.350 gói bánh kẹo các loại, trên bao bì đều in chữ Trung Quốc.
 
Trung tá Nguyễn Phi Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Cầu Giấy cho biết, thời điểm này, do nhu cầu tiêu thụ bánh kẹo, bánh Trung thu của người dân tăng cao, do vậy, nhiều đối tượng nhập lậu các mặt hàng này về Hà Nội để bán.
 
“Quận Cầu Giấy có tuyến đường xuyên trục nối từ các tỉnh biên giới phía Bắc về Hà Nội. Mỗi ngày có rất nhiều phương tiện vận tải, xe khách đi lại, do vậy, các đối tượng đã lợi dụng để gửi hàng hóa nhập lậu qua các phương tiện này, đặc biệt từ các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn... Do vậy, chúng tôi đã tăng cường lực lượng mật phục, chốt chặn tại các tuyến trọng điểm để kiểm tra, phát hiện sẽ phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13 xử lý nghiêm” - Trung tá Nguyễn Phi Hùng khẳng định.
 
Hiện Đội Quản lý thị trường số 13 đã lập biên bản, niêm phong số hàng hóa để xử lý theo quy định.
 
Bánh Trung thu 3 nghìn đồng/chiếc
 
Cũng liên quan tới hành vi kinh doanh, buôn bán bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Đội quản lý thị trường Hà Nam phát hiện và thu giữ hơn 1 nghìn chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
 
Theo đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ tổ công tác của Phòng Cảnh sát môi trường, phối hợp với Đội quản lý thị trường số 3, Cục quản lý thị trường phát hiện Lê Ngọc Lan (SN 1989), trú ở xã La Sơn, huyện Bình Lục đang kinh doanh buôn bán hơm 1 nghìn chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại KCN Châu Sơn, TP. Phủ Lý.
banh.gif
Lê Ngọc Lan và tang vật là hơn 1.000 chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc
Tại thời điểm kiểm tra, Lan không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ liên quan đến toàn bộ số hàng trên. Bước đầu Lan khai nhận, đã mua số bánh trên qua mạng xã hội với giá 3 nghìn đồng/chiếc để bán kiếm lời.
 
Đây là vụ thứ 2 Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Cục quản lý thị trường thu giữ số lượng bánh Trung thu không rõ nguồn gốc với số lượng lớn. Hiện Phòng Cảnh sát môi trường đã bàn giao vụ việc cho Cục quản lý thị trường để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
 
Bị xử phạt 12 triệu đồng vì kinh doanh hơn 5.000 bánh Trung thu lậu
 
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hồng Phúc (địa chỉ: Tổ dân phố Đồng 1, thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) về hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, tịch thu tang vật là 5.075 chiếc bánh Trung thu.
bg.gif
Hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, tịch thu tang vật là 5.075 chiếc bánh Trung thu.
 
Trước đó, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh Bắc Giang) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP.Bắc Giang) đã phát hiện ông Nguyễn Hồng Phúc đang trong quá trình vận chuyển 5.075 chiếc bánh trung thu đi tiêu thụ.
 
Quá trình kiểm tra, ông Phúc không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa. Ông Phúc thừa nhận toàn bộ số hàng hóa nêu trên được mua trôi nổi trên thị trường, sau đó mang về bán kiếm lời nên không có hóa đơn, chứng từ. Tổng trị giá số hàng hóa là 19,2 triệu đồng.
 

Một số quy định bổ sung với việc buôn bán hàng lậu:

Căn cứ khoản 11 điều 8 nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định như sau: 

a)Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 12 Điều này; 

b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 9 Điều này;

c) Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp hàng cấm có số lượng, khối lượng, trị giá hoặc số thu lợi bất chính được quy định tại khoản 6, 7 và 8 Điều này hoặc trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này; 

đ) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 9 Điều này. 

Một số biện pháp khắc phục:

a) Buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này

Xử lý hình sự:

Căn cứ Điều 188, Bộ luật Hình sự hiện hành, cá nhân, pháp nhân kinh doanh buôn bán hàng nhập lậu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu.  

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top