Người dân mất kế sinh nhai vì đất lúa được phân lô, bán nền tạo vốn đầu tư hạ tầng Khu du lịch Thiên Thai
Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật du lịch sinh thái Thiên Thai khiến nhiều hộ dân thôn Bảo Tháp như ngồi “trên đống lửa” vì bỗng dưng lâm cảnh mất đất trồng lúa.
Suốt nhiều năm qua, những người nông dân quen với chân lấm, tay bùn tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu (Gia Bình - Bắc Ninh) chỉ nghe loáng thoáng thông tin gần nơi mình sinh sống sẽ có dự án khu du lịch tầm cỡ nhưng chưa rõ thực hư ra sao.
Sự việc cũng không quá ồn ào bởi ai cũng nghĩ, lời đồn đã kéo dài cả chục năm chứ chưa thấy thực hiện, mà nếu có thì việc xây dựng khu du lịch cũng sẽ góp phần thay đổi bộ mặt làng quê, giúp kinh tế địa phương phát triển.
Thế nhưng, cơn “bão đất” nhanh chóng “càn quét” làng quê khiến cuộc sống của người dân thay đổi đến chóng mặt.
Khi chưa người dân nào thấy được quy mô, hình hài của khu du lịch sinh thái thì nhiều hecta đất trồng lúa của bà con tự bao đời nay bỗng chốc bị nhăm nhe “xẻ thịt”. Tréo ngoeo hơn, những chiếc ao làng gồm ao Cầu và ao Dài - nơi níu giữ truyền thống, lịch sử của làng quê nơi đây cũng không khỏi số phận hẩm hiu khi “vòng xoáy” đô thị hóa ập về.
Đến lúc này, dư luận mới bức xúc và người dân gửi đơn kiến nghị đến các cấp, ngành tỉnh Bắc Ninh đề nghị công khai toàn bộ pháp lý của dự án, bởi trước đó, không ít vụ việc liên quan đến đất đai có dấu hiệu sai phạm bị phanh phui, thu hồi đất một cách bất thường, “chia lô”, “bán nền” đất công, đất sản xuất của người dân chỉ để phục “lợi ích nhóm” đã từng làm dư luận “dậy sóng” ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Ở cấp cơ sở, ngày 25/8/2021, UBND xã Đông Cứu tổ chức hội nghị giải quyết, đối thoại trả lời các kiến nghị của người dân. Theo đó, ông Nguyễn Quang Tuyển, Chủ tịch UBND xã, cho biết, chưa có bất kỳ tập thể, cá nhân nào thực hiện hoạt động san lấp ao Dài và ao Cầu để chia lô, bán nền. Hiện 2 ao này vẫn là nước trắng, người dân vẫn thả cả, ruộng lúa xanh đang canh tác. Dự án đã được công khai quy hoạch từ năm 2011 nên chủ đầu tư có kế hoạch công khai lại quy hoạch và họp lấy ý kiến dân vào đầu tháng 8/2021, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chưa triển khai thực hiện được.
Theo tìm hiểu của PV, tại Văn bản 08/CV-HĐBT ngày 29/10/2021 của Hội đồng Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Gia Bình do ông Nguyễn Viết Lâm - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội đồng ký ban hành, cho rằng: “Về việc công bố, công khai quy hoạch chi tiết dự án, ngày 08/8/2011, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 186/QĐ-SXD phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư và đấu giá tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch sinh thái Thiên Thai tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình.
Ngày 16/8/2011, tại UBND xã Đông Cứu, các ngành chức năng của huyện phối hợp với UBND xã Đông Cứu, cơ sở thôn Bảo Tháp tổ chức công bố, công khai quy hoạch dự án.
Đến ngày 10/9/2021, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB huyện Gia Bình phối hợp với Ban Quản lý các dự án xây dựng huyện cũng UBND xã Đông Cứu tổ chức hội nghị tại nhà văn hóa thôn Bảo Tháp để công bố bổ sung quy hoạch chi tiết và triển khai chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án”.
Phải chăng những câu trả lời trên của ông Nguyễn Viết Lâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Bình là đúng sự thật, phản ánh đúng tiến trình thực hiện dự án?!
Bởi lẽ, trong suốt 10 năm qua, Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu nhà ở tái định cư Khu du lịch Thiên Thai và đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng xã Đông Cứu, huyện Gia Bình đã nhiều lần thay đổi. Thậm chí, dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe đã được UBND tỉnh phê duyệt bị hủy bỏ mà người dân không hề hay biết?!
Cụ thể, UBND huyện Gia Bình đã ban hành các quyết định số: 954/QĐ-UBND ngày 10/9/2012 về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết Khu nhà ở để đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng xã Đông Cứu; số 176/QĐ-UBND ngày 03/11/2016 về việc phê duyệt điều chỉnh Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu nhà ở để đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng xã Đông Cứu, huyện Gia Bình; số 262/QĐ UBND ngày 02/7/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu nhà ở tái định cư Khu du lịch Thiên Thai và đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng xã Đông Cứu, huyện Gia Bình; số 05/QĐ-UBND ngày 05/01/2019 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Độ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu nhà ở tái định cư Khu du lịch Thiên Thai và đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng xã Đông Cứu, huyện Gia Bình.
Đặc biệt, ngày 04/01/2021, ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh còn ký ban hành Văn bản số 02/UBND-TNMT cho phép dừng và không thực hiện dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư và quỹ đất đấu giá tạo vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch sinh thái Thiên Thai xã Đông Cứu, huyện Gia Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 401/QĐ-UBND ngày 05/4/2012.
Rõ ràng, phản ánh của người dân liên quan đến những bất thường về pháp lý khi triển khai dự án Khu nhà ở tái định cư Khu du lịch Thiên Thai và đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng xã Đông Cứu phần nào có cơ sở khi nhiều UBND huyện Gia Bình tiến hành điều chỉnh quy hoạch dự án này.
Sự bức xúc của người dân còn lên đến đỉnh điểm khi ông Nguyễn Quang Tuyển, Chủ tịch UBND xã Đông Cứu, thay vì đưa ra những giải pháp giải quyết dứt điểm, thỏa đáng cho những kiến nghị của người dân thì lại Báo cáo lên UBND huyện Gia Bình cho rằng: “… thông qua dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu diễn biến phức tạp của thế lực kích động gây chia rẽ nhân dân, mất đoàn kết nội bộ. Giao cho Công an xã nắm bắt tình hình ANCT-TTATXH tại thôn Bảo Tháp để báo cáo và xử lý kịp thời những trường hợp kích động, gây rối ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế chung của xã và huyện”.
Ông Nguyễn Đình Giang, người dân thôn Bảo Tháp, cho biết: Vì các kiến nghị của tôi và một số hộ dân, tôi đã được mời ra Công an xã làm việc. Tôi xin khẳng, tôi luôn tuân thủ pháp luật, vì lợi ích chung để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, những vấn đề tôi kiến nghị, phản ánh liên quan đến dự án lại là quyền lợi sát sườn của tôi và các hộ dân. Việc người dân muốn biết về pháp lý dự án, có ý kiến đóng góp vào quy hoạch thì có gì sai? Nếu dự án đã được điều chỉnh xong xuôi rồi mới công bố thì khác gì đưa người dân chúng tôi vào thế đã rồi. Chúng tôi biết bàn cái gì, góp ý kiến cái gì nữa?
“Ao Cầu và ao Dài là nơi gắn bó tinh thần của nhiều thế hệ người dân thôn Bảo Tháp. Với chúng tôi, 2 chiếc ao này không chỉ là cảnh quan đâu mà là cả những câu chuyện vui buồn, những kỷ niệm không thể nào quên. Vì vậy, tôi đề nghị các cấp chính quyền huyện Gia Bình xem xét để gìn giữ những ao truyền thống, văn hóa này”, ông Giang cho biết.
Cùng chung quan điểm như ông Giang và nhiều người dân khác tại thôn Bảo Tháp, bà Nguyễn Thị Miến nói: “Tôi năm nay trên 80 tuổi nhưng từ thời ông bà, bố mẹ tôi đã có những chiếc ao này. Dự án nào thì dự án cũng cần phải quan tâm đến không gian thoáng mát cho người dân. Quan điểm của chúng tôi là huyện Gia Bình, xã Đông Cứu nên giữ lại và bảo tồn những chiếc ao này”.
Còn bà Vũ Thị Hóa trần tình: “Ở đây, nhiều hộ dân quanh năm chỉ trông vào mấy sào lúa, bám ruộng làm nơi mưu sinh, kiếm sống hằng ngày. Bây giờ lấy đất để phân lô, bán nền thì chúng tôi biết làm gì để có thể tồn tại? Những người lao động liên quan vì thế mà mất công ăn, việc làm, vậy tổn thất của chúng tôi ai sẽ phải gánh chịu đây?”.
Dư luận đặt câu hỏi: UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Gia Bình và chính quyền xã Đông Cứu đã làm hết trách nhiệm trong vụ việc này? Điều đáng nói hơn, mục đích thực hiện của dự án là lấy đất nông nghiệp rồi phân lô, bán nền để tạo vốn phục vụ cho dự án khu du lịch sinh thái, song trong nhiều năm, người dân không hề hay biết việc điều chỉnh quy hoạch, không được bàn mà hoàn toàn bị đẩy vào thế bị động?!
Đề nghị Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Ninh sớm vào cuộc xác minh, làm rõ phản ánh của người dẫn đang sinh sống tại thôn Bảo Tháp, đảm bảo đời sống dân sinh, trật tự an ninh xã hội trên địa bàn...
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang ký quyết định xử phạt hơn 400 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thương mại Song Dương (gọi tắt Công ty Song Đương) do trang trại lợn của công ty này vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Gỗ xử lý tịch thu không còn hợp pháp là một trong những điều chỉnh được quy định tại Nghị định 120/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành hôm 30/9 khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 102/2020/NĐ-CP.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.
Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.
Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.