Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 9 năm 2021 | 9:4

Nhiều mô hình tiêu thụ nông sản hiệu quả tại các tỉnh, thành phía Nam

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản của các tỉnh, thành phía Nam đang trong giai đoạn thu hoạch có nguy cơ ùn ứ, khó tiêu thụ, giá sụt giảm.

Hàng loạt giải pháp, mô hình hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ đã được các bộ, ngành và địa phương khẩn trương thực hiện.

 

sens.jpg
Nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử Sendo.vn

 

Đưa chợ ra phố

Tại Đồng Tháp, những ngày qua, tỉnh có 2 hình thức tiêu thụ nông sản khá hiệu quả. Đối với các loại nông sản có quy mô sản xuất nhỏ và hộ gia đình, các địa phương thực hiện điều phối tới các chợ, cửa hàng tiện ích hoặc thông qua đội “Shipper áo xanh” đi chợ hộ cho người dân. Còn đối với lượng nông sản có quy mô sản xuất lớn hoặc đã đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân trên địa bàn, các địa phương báo cáo về Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và PTNT để điều phối cho những khu vực khác trong tỉnh có nhu cầu và đưa ra ngoài tỉnh.

Ngoài ra, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp còn phối hợp với các ngành, địa phương, hội đoàn thể thành lập các tổ tiêu thụ nông sản cho nông dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, người dân khi có nhu cầu về chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ nông sản sẽ liên hệ đến số điện thoại đầu mối của các tổ và xếp lịch hẹn để thực hiện. Qua hoạt động, các tổ đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ được hơn 2.000 tấn nông sản.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ, cho biết, từ khi giãn cách xã hội, thành phố đã thành lập 47 điểm bán hàng bình ổn giá và mô hình “đưa chợ ra phố” để giúp bà con tại các địa phương tiêu thụ nông sản.

“Các đơn vị mua giúp nông sản cho nông dân ở các huyện, sau đó, mang ra bán tại các điểm bình ổn giá trên địa bàn để phục vụ cho nhu cầu người dân. Tính đến nay, Cần Thơ đã triển khai được 47 điểm chợ và siêu thị, điểm bán thông minh theo hình thức giãn cách, không tiếp xúc. Do vậy, hàng hóa cũng như giá cả trên địa bàn thành phố nhìn chung ổn định, chưa có biến động”, ông Sơn đánh giá.

Bán qua mạng xã hội 

Từ chương trình livestream “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch” của Trung ương Đoàn, người dân đã mua gần 30 tấn nông sản của tỉnh Đồng Tháp để tặng bà con ở TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Sau khi tổ chức, người dân trên toàn quốc đã đặt mua gần 3.000 gói quà trị giá 200.000 đồng/gói (bao gồm 5 kg gạo, 0,5 kg khô cá tra, 1 kg chanh, 3 kg khoai lang) để tặng cho người dân các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19.

Đây là những phần quà được mua trực tiếp của nông dân tỉnh Đồng Tháp bằng kinh phí vận động  doanh nghiệp, mạnh thường quân. Gần 30 tấn nông sản đã được các chiến sĩ vùng 2 Hải quân vận chuyển bằng đường thuỷ từ Đồng Tháp về cảng Cát Lái (TP. HCM).

Tại Đồng Tháp, theo thống kê, mỗi tuần, các đơn vị và tổ chức đoàn thể ở Đồng Tháp hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân và hợp tác xã hàng chục tấn nông sản. Cụ thể, cán bộ các đơn vị đăng tải thông tin các loại nông sản cần bán trên Zalo, Facebook. Sau khi thống kê số lượng, sẽ đặt hàng nông dân. Lúc lấy nông sản về, các đơn vị sẽ phân chia theo từng đơn hàng, giao đến các cá nhân, đơn vị đặt mua qua các nền tảng này.

Cũng với cách làm tương tự, Tỉnh Đoàn Hậu Giang cùng Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã tổ chức Chương trình “Kết nối tiêu thụ nông sản Bến Tre trong mùa Covid trên Fanpage Tuổi trẻ Bến Tre”, bước đầu giúp tiêu thụ vài tấn nhãn mỗi ngày.

Tại Kiên Giang, cũng bằng hình thức đăng tin rao bán nông sản trên Zalo, Facebook, gửi thư ngỏ đến các cơ quan, ban, ngành, mỗi tuần, thông qua tài khoản cá nhân của cán bộ, nhân viên Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh Kiên Giang trên Facebook, Zalo, Trung tâm kết nối và tiêu thụ được khoảng 5 tấn cá, mực, 6 tấn dưa leo, 20 tấn bắp nếp, 100kg gừng, 500kg khoai môn giúp nông dân các huyện Tân Hiệp, U Minh Thượng, Kiên Hải, Kiên Lương.

Các bộ cùng vào cuộc

Để đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi, ngày 24/8, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ, tính đến nay, Tổng cục đã cấp thẻ luồng xanh nhận diện cho khoảng 400.000 phương tiện vận chuyển đường bộ, đủ số lượng đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa nông sản và thương mại, tạo điều kiện cho người dân an lòng ứng phó với Covid-19.

Nhằm kết nối giữa người bán và người mua, lưu thông hàng nông sản từ nông thôn đến thành thị, nhiều giải pháp cấp bách và “đường dài” đã được triển khai. Trong đó, phải kể đến hoạt động hiệu quả của Tổ công tác 970 đã triển khai thí điểm túi combo hàng nông sản.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ sáng kiến hay của Tổ công tác  970 trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản trong bối cảnh các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, như: xây dựng trang web, mạng xã hội: facebook, zalo và số điện thoại đường dây nóng…, đến nay, đã hình thành được 1.344 đầu mối cung cấp mặt hàng nông lâm thủy sản, các sản phẩm chế biến...; 58 kho tập kết hàng hóa nông sản, thực phẩm với số lượng tiêu thụ lên đến 1.000 tấn/ngày trong thời gian TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội.

 

ttns1.jpg
 Nông sản Bạc Liêu được kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ trên Facebook.

 

Nhiều đơn hàng lớn được kết nối tiêu thụ thành công đã góp phần tích cực hỗ trợ cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các địa phương, tạo hiệu ứng cao trong xã hội; nhất là Chương trình nông sản combo 10kg/túi nhằm giúp nông dân tiêu thụ nông sản đang ùn ứ và giúp người tiêu dùng tại các khu cách ly, khu nhà trọ công nhân tiếp cận được nông sản tươi, giá rẻ. Từ đó tạo sức lan tỏa lớn, được nhiều tỉnh, thành áp dụng và nhân rộng mô hình như Bình Dương, Tiền Giang…

Ở miền Bắc, đến nay đã có 13 trong tổng số 31 địa phương khu vực phía Bắc cử đầu mối phối hợp với Tổ công tác 3430 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và cung cấp danh sách 1.334 các đầu mối cung ứng nông sản. Cụ thể, về lúa gạo có 128 đầu mối; rau củ quả là 209 đầu mối; thịt, trứng gia cầm là 252 đầu mối; thủy hải sản là 660 đầu mối; sản phẩm chế biến đông lạnh 32 đầu mối và thực phẩm tổng hợp là 53 đầu mối. Chỉ tính riêng tại địa bàn Hà Nội đã có 144 chuỗi cung ứng nông sản an toàn.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai tăng cường kết nối, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông (Viettel Post, VNPT Post), doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp để đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản; tăng cường giao dịch điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ. Đồng thời, thiết lập vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm của người dân tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16.

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top