Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 2 tháng 5 năm 2022 | 22:45

Nhức nhối vấn nạn khai thác đất trái phép

Hàng trăm hecta đất lúa bị các đầu nậu mua lại từ người dân để đào đất sét bán cho lò gạch. Việc khai thác đất này không được cấp phép nhưng hàng chục xe ben vẫn ngang nhiên chở đất lưu thông trên các tỉnh lộ…

Đồng ruộng tan hoang vì khai thác đất sét lậu
 
Do được đầu nậu trả giá cao nên nhiều nông dân đã bán ruộng, vô tình tiếp tay cho đầu nậu phá nát cánh đồng với tốc độ chóng mặt.
 
Hàng trăm hecta đất lúa ở xã Gia An, huyện Tánh Linh, Bình Thuận bị khai thác đất sét bán cho lò gạch. Hàng chục xe máy cuốc liên tục đào bới trên cánh đồng lúa nằm sát hồ Biển Lạc thuộc địa bàn xã Gia An. Đất sét nhanh chóng được chất đầy lên hàng dài xe ben đợi sẵn.
 
Khi xe này vừa lăn bánh hướng về các lò gạch thì lập tức có xe khác thế chỗ để chở đất. Đến 12 giờ trưa, “đại công trường” đất sét lậu vẫn nhộn nhịp xe ra vào.
cánh-đồng-lúa-ở-xã-gia-an-biến-thành-công-trường-khai-thác-đất-sét-lậu-võ-tùng.gif
Cánh đồng lúa ở xã Gia An biến thành công trường khai thác đất sét lậu. Ảnh: VÕ TÙNG
Còn tại khu vực Cầu Treo (cũng thuộc xã Gia An) dàn xe cuốc, xe ben hoạt động nườm nượp, nhiều ruộng lúa đã biến thành ao hồ khổng lồ. Tại đây, sau khi cạp hết lớp đất sét bề mặt khoảng 1,5 m, các đầu nậu đưa tàu hút cát công suất lớn tới để khai thác.
 
Cánh đồng lúa hàng trăm hecta trù phú ngày nào giờ đây hiện ra chằng chịt những vết loang nham nhở, bụi mù mịt. Diện tích trồng lúa bị thu hẹp từng ngày. Anh CPB (một người dân địa phương) cho biết trước đây đầu nậu tập trung đào đất sét quanh hồ Biển Lạc. Sau này khi nguồn đất sét cạn kiệt, họ bắt đầu thu mua lại diện tích đất lúa trong dân để tiếp tục lấy đất, hút cát.
 
“Nếu ai không bán ruộng thì họ cho máy cuốc đào xung quanh khiến ruộng lúa bị ngập sâu hoặc bít đường vào ruộng. Thửa ruộng của nông dân bị cô lập, canh tác khó khăn. Dần dà cũng phải bán cho họ vì chẳng còn cách nào khác” - anh B bức xúc.
 
Khi được hỏi vì sao việc khai thác đất sét trái phép, xâm hại nghiêm trọng diện tích đất trồng lúa diễn ra công khai, công nhiên như vậy, ông Phạm Ly Kha, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Tánh Linh, thông tin báo chí: “Thực tế có việc người dân đào lớp mặt khoảng 30 cm để cải tạo những thửa ruộng cao nhằm mục đích hạ mặt bằng để tiện lấy nước canh tác”.
 
Thế nhưng, những nơi đào bới ngổn ngang ruộng biến thành ao hồ thì sau khi xe cuốc rút đi, nhà nông không thể canh tác lúa nữa. Thực tế do được đầu nậu trả giá cao nên nhiều nông dân đã bán ruộng, vô tình tiếp tay cho đầu nậu phá nát cánh đồng với tốc độ chóng mặt.
Theo đó, mỗi chuyến xe ben (loại ba chân) chở 12-14 m3 đất sét lậu, các chủ lò gạch thu mua với giá 950.000 đồng. Mức giá này khá rẻ nên rất được các chủ lò gạch quanh vùng ưa chuộng.
đồng-ruộng-thành-ao-hồ-lớn-không-thể-trồng-lú.gif
Đồng ruộng thành ao hồ lớn không thể trồng lúa trở lại. Ảnh: VÕ TÙNG
Hằng ngày có đến hơn 500 lượt xe ben hối hả chở đất sét từ các cánh đồng về phía hàng chục lò gạch nằm dọc tỉnh lộ 720 để tiêu thụ. Bất chấp quy định, những “hung thần” này không phủ bạt, chạy tốc độ cao, gây kinh hoàng cho người dân địa phương. Đáng nói là đa số xe này đã hết hạn đăng kiểm nhưng vẫn lưu thông với tốc độ cao.
 
Một người dân sống ven tỉnh lộ 720 cho biết: “Chỉ cần mở mắt ra là chứng kiến đoàn xe ben bấm còi inh ỏi, lao vun vút như chốn không người. Các xe làm vương vãi đất ra đường, bụi mù mịt, nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập người dân”.
 
Trao đổi với báo chí về tình trạng đầu nậu khai thác trái phép đất sét, ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh (Bình Thuận), cho biết chính quyền đã có nhiều quyết định xử phạt hành vi đào ruộng lấy đất sét. “Dù đã xử phạt nhưng nhiều người vẫn lén lút khai thác. Chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc để tiếp tục xử lý” - ông Bắc khẳng định.
 
Ông Bắc nhấn mạnh thêm: Việc sử dụng đất trồng lúa vào mục đích không được phép là hành vi bị nghiêm cấm và phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
 

Bắt quả tang khai thác đất trái phép

Mới đây, UBND xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng cơ quan chức năng củng cố hồ sơ xử lý vụ khai thác đất trái phép xảy ra trên địa bàn, do Công ty TNHH công nghệ và xây dựng Nam Ngân (Công ty Nam Ngân) gây ra.

Được biết, khi nhận được phản ánh của người dân về việc Công ty Nam Ngân khai thác đất trái phép tại núi Hóc Giảng (thôn Chánh Liêm), UBND xã Cát Tường đã kiểm tra hiện trường và lập biên bản vi phạm.

 

2.jpg
Hiện trường khai thác đất trái phép của Công ty Nam Ngân bị UBND Cát Tường kiểm tra, lập biên bản xử lý.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra mỏ đất của Công ty Nam Ngân đang có 1 xe máy đào, tiến hành đổ đất lên xe ben mang biển kiểm soát 77C 158.49, khu vực này nằm trong phạm vi mỏ đất đã được UBND tỉnh Bình Định cấp phép cho doanh nghiệp này, thời hạn khai thác đến ngày 5/4/2022.

Tại thời điểm kiểm tra, giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Nam ngân đã hết hạn, tuy nhiên công ty vẫn tiếp tục khai thác.

Ông Huỳnh Văn Tư – tài xế lái xe máy múc cho biết, được sự chỉ đạo của công ty nên ông vào mỏ đất để làm lại mặt bằng do giấy phép khai thác khoáng sản của công ty đã hết hạn vào ngày 5/4. Trong quá trình này, ông Tư thừa nhận múc đất lên xe ben biển kiểm soát 77C 158.49 để chở đi san lấp đường, khối lượng là 20m3.

 

22.jpg
Nhiều xe ben của Công ty Nam Ngân khai thác đất khi giấy phép khai thác đã hết hạn.

Ông Tư cũng cho rằng, làm theo chỉ đạo của Công ty chứ không hề tự ý quyết định và thống nhất đình chỉ hoạt động khai thác, chịu xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Qua đó, khi đoàn công tác của UBND xã Cát Tường đến kiểm tra, nhiều xe ben của Công ty Nam Ngân đã nhanh chóng tháo chạy khỏi hiện trường.

Ông Lê Thanh Quang – Giám đốc Công ty Nam Ngân thừa nhận có sai phạm, công ty sẽ chịu trách nhiệm về việc khai thác đất trái phép này.

Ông Nguyễn Kế Sinh – Chủ tịch UBND xã Cát Tường khẳng định, địa phương đã tiến hành lập biên bản vi phạm và yêu cầu Công ty Nam Ngân tạm dừng hoạt động khai thác đất trái phép. Đồng thời, UBND xã sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Ủy ban huyện bị phê bình vì để xảy ra khai thác đất trái phép

Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã có công văn phê bình UBND huyện Ngọc Hồi trong công tác quản lý địa bàn, đăng ký bổ sung quy hoạch khoáng sản, kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thời gian qua.

UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Ngọc Hồi thực hiện nghiêm túc phương án Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đồng thời, UBND huyện Ngọc Hồi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tiếp tục để tái diễn tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản đất san lấp trái phép, tạo dư luận xấu, gây bức xúc cho người dân.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Ngọc Hồi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh về tính chính xác đối với thông tin, khối lượng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ đất san lấp trái phép trên địa bàn. Bên cạnh đó là kết quả kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Trước đó, Sở TN&MT Kon Tum liên tiếp nhận được thông tin phản ánh của người dân qua đường dây nóng liên quan đến việc vận chuyển, khai thác đất trái phép tại địa bàn huyện Ngọc Hồi.

Nhận thấy công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của UBND huyện Ngọc Hồi còn chưa được nghiêm, thiếu chặt chẽ, gây bức xúc cho người dân trên địa bàn. Từ đó, dẫn đến việc phản ánh, kiến nghị nhiều lần.

 

một-điểm-khai-thác-đất-trái-phép-tại-huyện-ngọc-hồi.jpg
Một điểm khai thác đất trái phép tại huyện Ngọc Hồi.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tránh thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách và chấm dứt việc tái diễn hoạt động vận chuyển đất san lấp trên địa bàn huyện, Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND huyện Ngọc Hồi khẩn trương tổ chức kiểm tra, làm rõ sự việc người dân phản ánh. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan.

Liên quan đến nội dung trên, vào đầu tháng 4/2022 UBND huyện Ngọc Hồi đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Bảo Trân Kon Tum trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản với số tiền 90 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu Công ty nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật là khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính là hơn 41 triệu đồng.

Ngoài ra, xử phạt Hợp tác xã Vạn Thành (xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi) 8 triệu đồng vì không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top