Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 1 năm 2022 | 0:15

Báo động thực trạng về khai thác đất trái phép ở khu vực nông thôn

Trước tình trạng những quả đồi cao bị các doanh nghiệp cho xe múc, xe tải cày xới nham nhở, từng đoàn xe rầm rộ nối đuôi nhau chở đất đi bán hoặc san lấp mặt bằng công khai trong thời gian dài ở những khu vực nông thôn… cần sớm được chấm dứt.

Lợi dụng dự án trang trại để khai thác đất
 
Hàng nghìn m3 đất tại khu Đồi Bòng, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã và đang bị Công ty Thành Nam khai thác vận chuyển đi tiêu thụ với danh nghĩa 'cải tạo trang trại'. Đáng nói, hoạt động này diễn ra rầm rộ nhiều năm nay nhưng không được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý.
 
Người dân xã Thạch Bình huyện Nho Quan và xã Ngọc Lương (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) bức xúc phản ánh về tình trạng hàng loạt xe tải chở đất chạy trên các tuyến đường dân sinh của xã. Những chiếc xe tải chở đất không được che chắn, gây bụi bặm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
 
Tại đây, có rất nhiều xe tải đang nối đuôi nhau chờ đến lượt vào đồi Bòng chở đất. Khu vực khai thác đất là nơi giáp danh giữa xã Ngọc Lương (Yên Thủy, Hòa Bình) với xã Thạch Bình (Nho Quan, Ninh Bình) sau khi khai thác tài nguyên đất các xe vận tải trở qua địa bàn Xã Ngọc Lương (Hòa Bình) san lấp và bán cho một số nhà máy gạch.
 
Được biết, địa điểm khai thác đất kể trên là dự án trang trại, được Công ty Thành Nam đầu tư thực hiện. Doanh nghiệp này được cấp phép hạ độ cao, san gạt mặt bằng, tức là lấy đất chỗ cao đổ vào chỗ thấp để tạo thành một mặt bằng trang trại. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp này đã lợi dụng dự án trang trại để khai thác đất đồi trái phép, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng an toàn đến đời sống của người dân xung quanh và đã nhiều năm nay, người dân chỉ thấy tình trạng doanh nghiệp này "khoét đồi" lấy đất đem đi bán chứ chưa thấy có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi nào.
cả-quả-đồi-bị-công-ty-thành-nam-khai-thác-nham-nhở.jpg
Cả quả đồi bị Công ty Thành Nam khai thác nham nhở.
Cũng theo người dân nơi đây, hoạt động khai thác, vận chuyển đem đất đi bán trái phép tại dự án trang trại của Công ty Thành Nam diễn ra rầm rộ nhiều năm nay nhưng không thấy chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có biện pháp nào ngăn chặn xử lý, làm thất thu ngân sách nhà nước, "chảy máu" tài nguyên quốc gia.
 
 
Đối với lĩnh vực khai thác hoặc tận thu tài nguyên khoáng sản là đất san lấp, các cá nhân, tổ chức phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên khoáng sản. Cụ thể:
 
Về phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác tận thu khoáng sản: tại Điều 2 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định: “Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản”.
 
- Tại khoản 3 Điều 4 và điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản tận thu như sau:
 
+ Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng quy định tại Biểu mức thu ban hành kèm theo Nghị định này.
 
+ Trường hợp được áp dụng mức phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản tận thu: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản, nhưng có chức năng, nhiệm vụ hoặc có đăng ký kinh doanh, trong quá trình hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ hoặc theo chuyên ngành đã đăng ký mà thu được khoáng sản.
 
Mức phí cụ thể của từng loại khoáng sản tại từng địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
 
- Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp cùng nơi kê khai nộp thuế tài nguyên...”.
 
Về thuế tài nguyên, tại Khoản 1 Điều 7 Luật thuế tài nguyên 2009 quy định khung thuế suất tài nguyên đối với Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình là 3-10%; đối với đất, trừ đá nung vôi và sản xuất xi măng; sỏi; cát, trừ cát làm thủy tinh là 5-15% và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên trong từng thời kỳ.
 
Bên cạnh đó, tại điểm 2.4 Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/07/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tài nguyên quy định:
 
“2.4. Tổ chức, cá nhân nhận thầu thi công, không có giấy phép tài nguyên, nhưng trong quá trình thi công có phát sinh sản lượng tài nguyên khai thác tiêu thụ (như nhận thầu nạo vét kênh, mương, hồ, đầm có phát sinh sản lượng cát, đất, bùn bán ra; khai thác đá dùng chế biến làm vật liệu xây dựng thi công công trình) thì đều phải khai, nộp thuế tài nguyên với cơ quan thuế địa phương khai thác tài nguyên”.
 
 
 
Đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình vào cuộc kiểm tra.
 
Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh; Đoàn kiểm tra của Tổng cục Địa chất - Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
 
Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép và việc chấp hành chưa nghiêm túc các quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật khác có liên quan, như: chậm đưa mỏ vào khai thác; khai thác chưa phù hợp với thiết kế mỏ đã lập và phê duyệt, chưa cắt tầng, trên đỉnh và sườn tầng còn để lại đá treo, hàm ếch tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; chưa hoàn thiện hồ sơ thiết kế khai thác: chưa có hợp đồng thuê đất theo quy định; nộp ngân sách Nhà nước chưa đầy đủ (đặc biệt đối với khoản thu về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản); xe vận chuyển quá tải trọng quy định, phóng nhanh gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
 
Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm. Đối với các doanh nghiệp nếu có vi phạm trong quá trình khai thác UBND tỉnh sẽ không cấp mỏ, không gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản.

Khai thác đất trái phép rầm rộ

Mặc dù UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động san ủi, khai thác đất trái phép nhưng tình trạng này vẫn đang diễn tra tràn lan trên hầu hết 12 huyện và thành phố ở tỉnh này, gây thất thoát tài nguyên kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường.

Những quả đồi ven trục đường tỉnh lộ 721 thuộc các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng bị cày xới nham nhở. Từng đoàn xe tải, xe ben và máy múc hoạt động rầm rộ trên các quả đồi, núi cao đua nhau múc đất và vận chuyển đi tiêu thụ.

Nhiều khoảnh đồi điều, tràm… của người dân bị cày xới, cạo trọc và múc đất nham nhở lộ ra những rãnh hố sâu, đỏ lừ của đất bazan cực kỳ nguy hiểm. Nhiều đoạn đường thuộc tỉnh lộ 721 đoạn qua 3 huyện này bị xuống cấp, xuất hiện hàng loạt hố "gà", hố "voi", bụi mù vào mùa nắng và sình lầy sau mỗi trận mưa.

Tại khu vực trước bến xe huyện Đạ Tẻh, có tới 4 - 5 quả đồi cao bị các doanh nghiệp cho xe múc, xe tải thi nhau cày xới loang lổ, ven hai bên đường nhà cửa và hàng quán của người dân phải đóng cửa im ỉm vì bụi mù bám lớp lớp.

 

những-quả-đồi-bị-múc-đất-nham-nhở-nhìn-từ-trên-cao.jpg
Những quả đồi bị múc đất nham nhở nhìn từ trên cao.

Bà Phan T.Tr (54 tuổi, ngụ xã Đạ Kho), một người dân sống gần các quả đồi bị cày xới, chia sẻ: "Giá đất đồi ở đây hiện đang rất sốt, các đơn vị khai thác bán ra rất cao nhưng nhu cầu người mua vẫn tấp nập nên các doanh nghiệp đua nhau đào bới, san gạt công khai, có khi san ủi cả quả đồi cả ngày lẫn đêm mà chả thấy lực lượng chức năng xử lý. Thời gian đầu, cách đây hơn 1 năm, do ô nhiễm vì bụi bặm, sình lầy quá nhiều, người dân chúng tôi phản ánh lên xã, huyện nhưng rồi cũng chán buông xuôi luôn, đóng cửa nhà kín mít các chú thấy đó" – bà Tr. bức xúc.

Tương tự, ông N.P, cho biết ở địa phương này mua đất đồi để san lấp mặt bằng khi có nhu cầu thì rất dễ dàng. "Các chú không tin, hãy lên liên hệ các chủ xe múc đang hoạt động đó hỏi mua là có giá cả ngay, thỏa thuận hợp lý là họ chở bán công khai chứ lén lút gì đâu mà e ngại" - ông P nói.

Quả thực vậy, khi chúng tôi mon men tìm hiểu thì gặp một tài xế xe tải tên N. Tại đây chúng tôi biết được các loại giá đất giao động từ 200.000 – 350.000 đồng/xe (đất tạp lẫn đá sỏi), đất đỏ bazan màu mỡ dùng để trồng cây có giá hơn 500.000 đồng/xe.

Chỉ tay về phía các xe múc đang hoạt động, tài xế N. cho biết hãy liên hệ chủ đất ở đó nếu có nhu cầu mua đất san lấp mặt bằng. "Giá cả giao động cao thấp tùy theo vị trí vận chuyển từ nơi khai thác đến điểm san lấp là xa hay gần, các anh bồi dưỡng thêm ít thì tụi em chở nhanh ngay ấy mà" - tài xế N nói. Tuy nhiên, khi chúng tôi tỏ vẻ thắc mắc về giấy phép khai thác thì tài xế bảo chỉ chở thuê, ai gọi thì chở thôi chứ không quan tâm phép tắc gì.

 

hoang-tàn.jpg
Tình trạng này vẫn đang diễn tra tràn lan trên hầu hết 12 huyện và thành phố ở tỉnh này.

Thông tin báo chí, ông Tống Giang Nam, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), cho biết huyện quán triệt rõ ràng và làm rất quyết liệt tình trạng khai thác đất trái phép. Hiện tại địa bàn huyện Đạ Tẻh có 3 giấy phép khai thác đất được tỉnh cấp phép, còn lại một số đơn vị khác khai thác không phép có dấu hiệu vi phạm thì đều được UBND huyện tiến hành kiểm tra và xử phạt nghiêm.

Nói về tình trạng ô nhiễm bụi và sình lầy thường xuyên xảy ra đoạn đối diện bến xe liên huyện Đạ Tẻh, ông Nam cho biết thêm: "Chúng tôi thường xuyên cho doanh nghiệp tưới nước và quét đường liên tục. Hiện, đoạn đường này UBND huyện tiến hành làm vòng xoay nên bụi bặm là không tránh khỏi, người dân cũng phản ánh nhiều lắm nhưng đành chịu trong thời gian ngắn nữa khi được thảm nhựa sẽ đẹp thôi" - ông Nam nói.

Trước tình trạng san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép, Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi các địa phương trong tỉnh phối hợp xử lý. Trong đó, đề nghị chuyển hồ sơ các trường hợp vi phạm nhiều lần, cố tình vi phạm, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, thất thoát tài nguyên sang cơ quan công an để điều tra, xử lý.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có chỉ đạo nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, san gạt cải tạo mặt bằng, cải tạo đất, đào ao, hồ để khai thác khoáng sản trái phép; xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Tuy nhiên, với mức xử phạt chưa đủ răn đe, trách nhiệm người đứng đầu chưa bị xử lý nghiêm nên tình trạng san gạt, khai thác đất ở Lâm Đồng vẫn diễn ra tràn lan mỗi ngày.

Xử phạt 168 triệu đồng

Công an huyện Yên Dũng (Bắc Giang) vừa tham mưu Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 45 triệu đồng đối với ông Nguyễn Văn T (SN 1973, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng) về hành vi khai thác khoáng (đất sản xuất gạch) làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thời buộc ông Nguyễn Văn T nộp số tiền 4,2 triệu đồng là giá trị khối lượng khoáng sản khai thác trái phép đã tiêu thụ (70,02m3 đất nguyên liệu sản xuất gạch). Ông T phải nộp khoản tiền tương đương giá trị phương tiện sử dụng trái phép để thực hiện hành vi vi phạm là 1 máy xúc bánh xích nhãn hiệu KOMATSU PC 200 với số tiền 119 triệu đồng vào ngân sách nhà nước để thay thế cho việc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính.

 

ảnh-minh-hoạ.png
Ảnh minh hoạ.

Ông Nguyễn Văn T được yêu cầu phải chấm dứt ngay hành vi khai thác khoáng sản trái phép nêu trên, thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn.

Ngoài ra, ông T phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt này, chấp hành nộp tiền tại Kho bạc nhà nước huyện Yên Dũng trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này; nếu không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 16/12/2021, tại thôn Yên Tập, xã Yên Lư, ông Nguyễn Văn T đã điều khiển máy xúc khai thác trái phép 70,02m3 đất làm nguyên liệu sản xuất gạch.

 

 

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top