Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 29 tháng 3 năm 2022 | 9:59

Bắt quả tang và xử lý nhiều vụ khai thác đất trái phép

Trước thực trạng khai thác đất trái phép ở các khu vực nông thôn, ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý... Cần có giải pháp siết chặt quản lý không để khoáng sản “chảy máu”.

Bán đất thu tiền bất chính
 
Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Bạc Liêu vừa bắt quả tang vụ khai thác đất trái phép xảy ra trên địa bàn xã Tân Phong, thị xã Giá Rai.
e259fa0c744e9d10c45f.jpg
Đối tượng vận chuyển đất đi san lấp mặt bằng bị lực lượng chức năng phát hiện.
Trước đó, nhiều cán bộ, nhân dân ở xã Tân Phong rất bức xúc, bất bình về tình trạng nhiều tháng nay, các đối tượng tại địa phương ngang nhiên khai thác đất trái phép đem bán thu tiền bất chính.
 
Trước tình trạng nêu trên, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp Công an thị xã Giá Rai bố trí lực lượng bắt quả tang 5 đối tượng gồm: Ngô Trí Phương, sinh năm 1995; Phan Hoàng Giang, sinh năm 1985, cùng ngụ tại xã Tân Phong; Trần Hoàng Phúc, sinh năm 1979, ngụ phường Hộ Phòng; Phạm Chí Hữu, sinh năm 1987, ngụ xã Phong Tân (thị xã Giá Rai) và Nguyễn Hoàng Hiển, sinh năm 1981, ngụ xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) đang thực hiện hành vi khai thác đất trái phép tại bãi đất trên địa bàn xã Tân Phong.
 
Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Bạc Liêu đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Lâm Thanh An về hành vi “tổ chức khai thác khoáng sản (đất) làm vật liệu xây dựng, nhưng không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” theo quy định tại Khoản 1, Điều 47, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản. Đồng thời, tạm giữ một xe cuốc, 4 xe ô-tô tải cùng một số giấy tờ có liên quan đến hành vi khai thác đất trái phép để tiếp tục điều tra, xử lý.
 

Ồ ạt khai thác đất trái phép

Liên quan đến phản ánh của báo chí về tình trạng ồ ạt khai thác đất sét trái phép tại xã Canh Hòa (Vân Canh - Bình Định), ông Lương Đình Tiên, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh đã yêu cầu kiểm tra lập biên bản, truy tìm chủ đất, người khai thác đất trái phép để xử lý. Có kết quả xác minh, huyện sẽ đưa ra hướng xử lý đối với người có trách nhiệm quản lý.

Được biết, xã Canh Hòa là một trong hai địa phương (cùng với xã Canh Hiển) nằm trong danh sách thanh tra đột xuất về công tác quản lý đất đai năm 2022 trên địa bàn huyện Vân Canh.

Tuy nhiên, lại để "đất tặc" huy động máy móc vào làng Canh Lãnh ồ ạt khai thác đất trái phép như chốn không người, bất chấp quy định pháp luật để thu lợi bất chính nhưng chính quyền địa phương không ngăn chặn kịp thời.

Điều này khiến người dân không khỏi băn khoăn, nghi ngờ về công tác quản lý, dấu hiệu buông lỏng, thiếu năng lực ngăn chặn xử lý sai phạm… đến từ cơ quan có trách nhiệm trên địa bàn.

img-bgt-2021-z3283318753879-2f9f3075eb6103328b446b346f55c729-1648205117-width1276height956.jpg
"Đất tặc" huy động phương tiện cơ giới, xe tải thùng lớn xuyên đêm khai thác đất sét tại làng Canh Lãnh, cách trung tâm xã Canh Hòa chưa đến 5 km

Theo lãnh đạo UBND huyện Vân Canh, năm 2021, bản thân ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch UBND xã Canh Hoà đã bị phê bình vì chưa hoàn thành trách nhiệm, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, lần này hoạt động khai thác khoáng sản trái phép lại tiếp tục tái diễn ở xã Canh Hoà một cách ồ ạt, coi thường pháp luật.

Qua đó, các đối tượng "đất tặc" huy động máy móc, phương tiện vận tải thùng lớn vào khu vực làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa khai thác đất trái phép. Hoạt động khai thác đất sét ở đây xảy ra từ chập choạng tối đến giữa khuya. Các đối tượng ngang nhiên mở con đường lớn xuống khu khai thác tại làng Canh Lãnh, thậm chí "đất tặc" còn dựng lều trại để chỉ huy hoạt động khai thác trái phép này. Mỗi đêm, có hàng trăm khối đất như thế được lấy đi, đất tặc ung dung bỏ túi 50 - 60 triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng. Điều này gây nên tình trạng thất thoát tài nguyên rất lớn.

Đáng nói hơn, sau khi khai thác đất sét ở làng Canh Lãnh, các phương tiện vận chuyển ra con đường trước cổng UBND xã Canh Hòa, sau đó qua trung tâm huyện Vân Canh về điểm đổ ở xã Canh Hiển. Đoàn xe ung dung vượt hành trình hàng chục kilômét nhưng lại không vấp phải sự kiểm tra nào.

lớn-xuống-khu-vực-làng-canh.jpg
"Đất tặc" mở đường lớn xuống khu vực làng Canh Lãnh để khai thác đất sét trái phép. Một khu vực rộng lớn bị cày xới tan hoang

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Canh Hòa lại cho rằng, "đất tặc" khai thác ban đêm nên rất khó phát hiện.

Tại gần khu vực này, năm 2021 cũng từng xảy vụ khai thác đất sét trái phép thế nhưng đến nay, chính quyền vẫn chưa bắt được thủ phạm khai thác, vận chuyển đất sét ra ngoài. UBND xã Canh Hòa lập biên bản yêu cầu chủ đất khôi phục lại hiện trạng, tuy nhiên hiện trường vẫn còn ngổn ngang, hầm hố đọng nước.

 

Không để khoáng sản bị “chảy máu”

Những năm gần đây, các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tăng mạnh nên nguồn vật liệu đất, cát phục vụ xây dựng cũng theo đó tăng cao. Theo thông tin từ Sở Xây dựng Quảng Bình, hiện các mỏ được cấp phép khai thác đối với đất san lấp mới đáp ứng hơn 60% nhu cầu, cát xây dựng 50%; 10/13 nhà máy sản xuất gạch tuynel có mỏ sét vật liệu…

Mặt khác, việc khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép có lợi nhuận cao nên nhiều tổ chức, cá nhân tìm nhiều cách để “vượt rào” vi phạm. Bên cạnh đó, việc chấp hành quy định pháp luật sau cấp phép của các đơn vị hoạt động khoáng sản chưa cao.

“Trong quá trình khai thác, các đơn vị chưa chú trọng tuân thủ thiết kế và yêu cầu kỹ thuật, khai thác mỏ, sử dụng vượt diện tích cấp phép. Trong khi đó, mặc dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính nhưng các nội dung vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn”, ông Phan Xuân Tuấn, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình) từng cho biết.

0539_image003.jpg
Khai thác cát, sỏi lòng sông vẫn là vấn đề nhức nhối kéo dài, thách thức công tác quản lý của các địa phương.

Huyện Quảng Ninh là địa phương có hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông Long Đại khá “sôi động”. Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông cho hay: Trên địa bàn có 8 mỏ cát được cấp phép hoạt động, tuy vậy, chưa đủ so với nhu cầu sử dụng của người dân, công trình dự án. Để hạn chế việc khai thác trái phép trên sông, biện pháp hữu hiệu nhất là thành lập các hợp tác xã khai thác cát, sỏi. Tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các địa phương, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vi phạm.

Cùng đó, tại địa bàn các xã Gia Ninh, Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) gần đây cũng xuất hiện tình trạng các cá nhân dùng máy xúc bánh lốp vào khai thác cát trái phép trong phạm vi khu vực dự án điện gió B&T, gây nguy hiểm cho tuyến cáp điện ngầm. Hoạt động này đã được địa phương ngăn chặn và tiếp tục giám sát.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác đất, cát trái phép được phía Công an tỉnh Quảng Bình phân tích: Chính quyền địa phương cấp huyện, đặc biệt là cấp xã chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong quản lý, xử lý thiếu kiên quyết. Trong khi đó, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng liều lĩnh, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn.

Đơn cử, cuối tháng 12/2021, lực lượng chức năng Quảng Bình phát hiện một mỏ khai thác đất và quặng sắt trái phép tại xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa). Tại hiện trường, cơ quan chức năng xác định các đối tượng đã khai thác trái phép trên diện tích đất và quặng sắt (khoảng 2-3ha), tàn phá với độ sâu hơn 5m. Hay như việc cải tạo tận thu đất tại xã Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa) ngang nhiên khai thác trái phép hàng nghìn khối đá. Sự việc diễn ra trong thời gian khá dài, nhưng chính quyền sở tại không xử lý quyết liệt.

Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp trong quản lý, khai thác khoáng sản, nhờ đó, hoạt động này được kiểm soát và không phát sinh các điểm nóng. Tuy nhiên, để lập lại trật tự, hạn chế thấp nhất việc “chảy máu” tài nguyên cũng như góp phần bảo vệ môi trường, tăng thu ngân sách, cần sự vào cuộc quyết liệt, cứng rắn, trách nhiệm cao hơn của các đơn vị liên quan.

Theo đó, cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân và quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, lập bến bãi thu mua khoáng sản trái phép. Quản lý chặt chẽ hóa đơn thuế đối với việc mua bán đất, cát; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán, sử dụng bất hợp pháp, hợp thức hóa chứng từ đầu vào đối với cát, sỏi xây dựng.

Đặc biệt, để giải quyết vấn đề cốt lõi về cung và cầu, liên Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đồng thời, bổ sung các khu vực mới có tiềm năng và điều kiện để tiến hành cấp mỏ.

0537_image001.jpg
Nhu cầu đất san lấp lớn, kéo theo việc tổ chức, cá nhân vi phạm khi khai thác trái phép.

Phòng Quản lý nhà, bất động sản và vật liệu Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình nhìn nhận: Để hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, Quy hoạch khoáng sản đất làm vật liệu san lấp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh, đã chủ động khoanh định lấy ý kiến đưa vào quy hoạch tỉnh 73 điểm mỏ đất san lấp với tổng diện tích sử dụng đất là 842,26ha; tổng trữ lượng, tài nguyên dự báo khoảng 50,48 triệu m3. Khuyến khích doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo để làm cát, đá xây dựng hoặc vật liệu cấp phối... góp phần giảm tải bãi thải mỏ, tiết kiệm tài nguyên.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình về chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và cải tạo tận thu, ngành chức năng sẽ thành lập, tổ chức một số chuyên án để “đánh mạnh” vào hành vi vi phạm pháp luật này.

 

 

 

Hữu Thắng - Tổng Hợp
Ý kiến bạn đọc
Top