Trước đây, nông dân Thái Nguyên chủ yếu sản xuất tự cung, tụ cấp thì nay đã coi trọng tiến bộ kỹ thuật, hợp tác để phát triển kinh tế. Nhờ đó, thu nhập của bà con không ngừng được nâng cao, kinh tế hộ phát triển theo hướng bền vững.
Từ mô hình HTX
Mô hình trồng rau của HTX Chăn nuôi sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng (xã Kim Phượng) đang là hình mẫu về việc phát triển kinh tế của nông dân trên địa bàn huyện Định Hóa.
Bà Ma Thị Hằng, Giám đốc HTX, cho biết: HTX thành lập ngày 19/7/2017, hoạt động trong các lĩnh vực như chăn nuôi, sản xuất mỳ và trồng rau. Hiện nay, HTX có khoảng 2,5 mẫu rau, với nhiều loại rau như bắp cải, su hào, rau đậu các loại..., tất cả được trồng trong nhà lưới với phương thức chăm sóc hữu cơ. Do vậy, rau của HTX hầu như rất an toàn. Đặc biệt, trong tiêu thụ sản phẩm, HTX đã ký hợp đồng cung cấp cho các đơn vị với một mức giá cho tất cả các loại rau, giá được giữ ổn định cả năm và cao hơn ngoài thị trường. Khách hàng là Công ty may Định Hóa và Nông trại Của Vân; chất lượng rau và sự phục vụ của HTX được các đơn vị đánh giá cao.
Hàng ngày, HTX cung cấp cho 2 đơn vị trên khoảng 100kg rau các loại với giá 10.000 đồng/kg. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng diện tích và trồng rau trái mùa nhằm có thu nhập đều hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường và đối tác.
Được biết, bà Hằng trước đây đã từng kinh doanh rất thành công trong lĩnh vực cung cấp thức ăn chăn nuôi, là chủ đại lý lớn của Dabaco. Khi chăn nuôi lợn thất bại, nhiều hộ bị thua lỗ, việc kinh doanh của bà gặp nhiều khó khăn. Được sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể từ huyện tới tỉnh, bà chuyển sang thành lập HTX và trồng rau. Tới nay, cuộc sống và công việc của bà đã ổn định; nhiều xã viên HTX có thu nhập thường xuyên và cao hơn trước từ mảnh ruộng của mình.
Cho tới tổ hợp tác
Ông Trần Ngọc Giáp, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi ong xã Tân Thái (Đại Từ), cho biết: Hiện, toàn xã có khoảng 950 thùng nuôi ong, trước đây bà con làm ăn tự phát, mạnh ai người đó làm nên mỗi thùng chỉ đạt 5-6 lít mật/năm; dịch bệnh luôn xảy ra do chưa có kiến thức phòng trị. Nhờ có sự quan tâm của cấp trên, được sự giúp đỡ của UBND xã, các hộ đã thành lập tổ hợp tác nhằm từng bước xây dựng thương hiệu mật ong Tân Thái. Từ khi thành lập tổ hợp tác, các tổ viên được trang bị kiến thức về chăn nuôi và quản lý đàn ong hiệu quả thông qua các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được triển khai trên địa bàn.
“Gia đình đang có 150 thùng ong, sản lượng đạt trên 1.500 lít/năm, doanh thu khoảng 150 triệu đồng/năm. Từ khi được tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi khoa học, dịch bệnh của ong hầu như không có, việc tách đàn, tạo chúa dễ dàng hơn, tình trạng ong bốc bay cũng không còn... Do vậy, tôi mong muốn tổ hợp tác nuôi ong của xã sớm được các cấp, ngành hỗ trợ máy tách thủy phân giúp nâng cao chất lượng mật ong của bà con trong tổ”, ông Giáp tâm sự.
Tổ hợp tác chè 46 của bà con xóm 4 và xóm 6, xã Tân Phúc (thị xã Phổ Yên) chuyên sản xuất chè theo quy trình VietGAP. Ông Lê Gia Thà, Tổ trưởng, chia sẻ: Tổ có 30 tổ viên, tất cả đều được trang bị kiến thức trồng, chăm sóc chè VietGAP. 100% sản lượng chè của tổ viên được thu mua bởi một số đơn vị chế biến chè có uy tín trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
“Giá bán chè khô của gia đình hiện ở mức 330-350 ngàn đồng/kg; giá chè tươi của tổ viên khoảng 60 ngàn đồng/kg. Dù chè tươi hay chè khô, tất cả đều có giá bán cao hơn so với trước gần 30%”, ông Thà nói.
Với sự mạnh dạn của nông dân kết hợp với định hướng của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong vấn đề trang bị kiến thức nên phát triển kinh tế của người dân Thái Nguyên không còn nhiều khó khăn như trước. Sự thấu hiểu về vai trò của tiến bộ kỹ thuật, vai trò của liên doanh, liên kết sẽ là những cơ sở để kinh tế khu vực nông thôn đi lên, phát triển bền vững hơn, giúp người dân nâng cao thu nhập, tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.