Nằm ở khu đồng trũng, ven sông Ngũ Huyện Khê, giáp thị xã Từ Sơn, bà con Hội Làm vườn (HLV) xã Đông Thọ, Yên Phong (Bắc Ninh) có nghề chính là chăn nuôi gà, vịt và ấp nở con giống. Nhưng khi chăn nuôi bão hòa, họ đã nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, chủ động đầu ra; thành lập hợp tác xã (HTX) kiểu mới, tạo thêm nhiều ngành nghề để không rơi vào khủng hoảng thừa... Kết quả là, nhiều người làm vườn nơi đây đã trở thành tỷ phú.
Bà Trang (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn công tác của HLV Bắc Ninh thăm khu sản xuất đồ gỗ của gia đình.
Xã viên “lột xác”...
Ông Ngô Văn Chiến, xã Đông Thọ cho biết, vào năm 1995 - 1996, một nhóm gia đình gồm 14 hộ ra khu đồng chiêm trũng ven sông Ngũ Huyện Khê làm VAC, chủ yếu chăn nuôi gà, vịt, cá. Năm 1997, nhận thấy chỉ chăn nuôi đơn thuần thì không thể làm giàu, phải làm gì “khác người”, một mình một đầu ra thì mới có thu nhập cao, ông Chiến chuyển sang sản xuất con giống. Lúc đầu chỉ là giống ngan, vịt, vài năm sau thấy có lãi, ông lại sản xuất gà giống. Sau đó, ông động viên, hướng dẫn bà con chăn nuôi gà bố mẹ tốt để cung cấp trứng cho các lò ấp của ông. Cứ như vậy, đến tháng 4/2006, ông Chiến đã trở thành chủ cơ sở sản xuất con giống gia cầm đầu tiên của miền Bắc.
Nghe tin Yên Phong là điểm sản xuất gia cầm lớn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã về “nằm vùng” mấy tháng liền để giúp cơ sở của ông Chiến thành lập HTX. Ngay sau đó, cả 14 hộ dân làm VAC ở khu đồng chiêm trũng hơn 10 năm trước đều tham gia HTX sản xuất con giống Chiến Thắng do ông Chiến làm chủ nhiệm. Năm đầu sau khi thành lập, số con giống của các xã viên đã tăng vọt lên 12 vạn con (trước đó chỉ vài vạn con/năm). Đều đặn những năm tiếp theo, vừa sản xuất vừa thu mua cho bà con, mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường gần 14 vạn con giống.
Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, bà con phải chuyển hướng sản xuất do thị trường con giống lúc này đã bão hòa. Mặt khác, Đông Thọ lại nằm liền kề với thị xã Từ Sơn, nơi có nghề chế biến đồ gỗ phát triển nên các hộ đã chủ động chuyển đổi ngành nghề để có thu nhập cao, ổn định hơn. Vì vậy, năm 2015, HTX Chiến Thắng đã chuyển sang hoạt động theo luật mới với tên gọi HTX Chăn nuôi gia cầm Cường Thịnh, vẫn giữ nguyên Giám đốc và 14 xã viên, song đã có 8 hộ chuyển sang sản xuất đồ gỗ.
Nổi bật trong số này là bà Nguyễn Thị Trang, cũng như các xã viên ở khu đồng trũng, bà thuê 8 sào ruộng để làm VAC, chăn nuôi gà, vịt, lợn, cá. Năm 2011, thấy chăn nuôi con giống khó khăn đầu ra, trong khi xã Đông Thọ nằm sát với xã Tam Sơn (Từ Sơn), nơi chuyên làm đồ thờ cúng, bà đã quyết định chuyển nghề. Hiện, gia đình bà làm 2 mặt hàng là kệ ti vi và ban thờ, còn bàn ghế, giưởng tủ ai đặt hàng mới làm. Kệ ti vi mỗi tháng tiêu thụ 15-17 cái, ban thờ 20 -25 cái, riêng nhà bà còn làm được án thờ, giá 15 triệu đồng/chiếc, cả bộ 30 triệu đồng. Hiện, bà phải thuê 7 -8 thợ, trả lương quanh năm với mức 4- 8 triệu đồng/người/tháng, lúc cao điểm có đến 10 -15 thợ; thu lãi ròng 30 - 35 triệu đồng/tháng.
Được biết, cả 8 hộ xã viên chuyển sang đồ gỗ vẫn tham gia làm nghề nông như bà Trang. Ông Nguyễn Văn Nam cho biết, gia đình chuyển sang nghề mới đã 8 năm nay, song vẫn duy trì việc chăn nuôi gà bố, mẹ nhập trứng cho cơ sở của ông Chiến. Cả 2 việc này đều tiến hành song song: buổi sáng, chiều mát mẻ thì làm VAC, vào lúc nắng nóng, mưa bão thì làm mộc. Xưởng của ông Nam nhận làm công đoạn đục, chạm các mặt hàng: ban thờ, đồng hồ, tủ kệ, thu lãi ròng 350- 400 triệu đồng/năm.
HTX năng động, sáng tạo
Sáu hộ xã viên còn lại cũng không “kém cạnh” những hộ làm đồ gỗ. Ông Ngô Văn An, một trong những hộ bám trụ với mô hình VAC từ lúc ra khu đồng trũng đến nay, vẫn giữ vững quy mô 4.000 - 5000 vịt thịt và vịt đẻ trứng, đầu ra là thị trường quanh vùng. Trứng vịt chủ yếu bán ở khu công nghiệp và các trường bán trú ở Bắc Ninh, lãi ròng 150 - 200 triệu đồng/năm. Hộ bà Phạm Thị Sáu lúc cao điểm nuôi 1.500 gà bố mẹ, cung cấp cho lò ấp của ông Chiến với giá bình quân 5.000 - 6.000 đồng/quả, thu lãi 200 -300 triệu đồng/năm.
Gương mặt tiêu biểu trong chăn nuôi của HTX Cường Thịnh là Giám đốc Ngô Văn Chiến. Hiện, cơ sở của ông có 8 máy ấp trứng, công suất 2 vạn trứng/máy, đã lai tạo được nhiều loại giống gà mới được thị trường ưa chuộng như: gà Ai Cập, lai Hồ, lai Mía, lai chọi, đảm bảo chất lượng và năng suất cao, chủ yếu cung cấp con giống cho thị trường các tỉnh phía Bắc và 2 địa phương miền Nam (TP.Hồ Chí Minh, Đắk Lắk); từ 5 sào ruộng (1 sào Bắc Bộ = 360m2) năm 2014 đến nay đã nâng lên 5ha.
“Nếu không năng động, sáng tạo chỉ lao động thuần nông trên diện tích 5 sào ruộng thì không thể làm giàu được. Song, cũng diện tích ấy, nhưng chuyển sang làm trang trại thì thu nhập gấp 50 - 100 lần. Doanh thu của gia đình ước đạt 1,3 - 1,5 tỷ đồng/năm, lãi ròng 350 - 550 triệu đồng/năm. Cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động, lao động thời vụ 15 -20 người, với mức lương ổn định 5 -8 triệu đồng/người/tháng”, ông Chiến chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch HLV huyện Yên Phong, ông Nguyễn Văn Tân, cho biết: “Cái hay của người làm vườn Đông Thọ là bà con vừa làm VAC vừa khai thác thêm nghề đồ gỗ, từng bước vươn lên làm giàu, nhất là khi HTX Cường Thịnh chuyển sang hoạt động theo luật mới. Đặc biệt, năm 2016, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đầu ra sản phẩm bấp bênh, song các thành viên HTX Cường Thịnh vẫn phát đạt nhờ chủ động đầu ra; chuyển hướng ngành nghề đúng đắn. Đây chính là vấn đề cốt lõi để hội viên gắn bó với Hội, xã viên gắn bó với HTX, cùng nhau làm giàu”.
Ngoài ra, ông Tân còn cho biết, năm 2016, HLV huyện đã tổ chức được 71 buổi tập huấn về chính sách phát triển kinh tế VAC, trang trại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho 5.500 lượt người nghe. Phối hợp với trung tâm dạy nghề mở 14 buổi chuyển giao kỹ thuật về công tác thú y, nuôi trồng thủy sản, nấu ăn và các lớp trồng trọt, sinh vật cảnh cho 425 hội viên. Tín chấp vay vốn làm VAC cho hội viên được 37,5 tỷ đồng/300 hội viên. Công tác xây dựng quỹ Hội được chú trọng, đến nay, đã có 34/35 chi Hội có quỹ hoạt động. Tiêu biểu là các chi Hội: Văn Môn, Đông Thọ, Thị trấn Chờ, Hòa Tiến, Đông Tiến và Yên Phụ...
Năm 2016, toàn huyện Yên Phong có 10 hợp tác xã chuyên ngành, 1.105 cơ sở và 35 chi hội nghề nghiệp, 250 mô hình VAC trang trại. Điều đáng nói là, mặc dù cán bộ Hội hầu hết đều kiêm nhiệm, song với tinh thần trách nhiệm cao, Hội đã kết hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể để tạo điều kiện cho hội viên hoạt động tốt. Năm 2016 đã kết nạp được 15 người yêu nghề VAC, nâng tổng số hội viên lên 2.005 người.
Dự kiến, với tinh thần năng động, sáng tạo, năm 2017, HLV Yên Phong tiếp tục phối hợp với Công ty Công nghệ cao tuyên truyền, vận động các chủ trang trại, hội viên, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo quy trình VietGAP và liên kết chuỗi sản xuất. Tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích hội viên mở thêm nhiều ngành nghề như cách làm của Đông Thọ.
Dương An Như
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.