Khắc phục khó khăn từ tự nhiên, nhiều người tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tích cực tìm ra hướng mới trong trồng trọt và chăn nuôi để phát triển kinh tế. Họ là biểu tượng của sự vượt khó. Tinh thần của họ đang được lan tỏa đến những người xung quanh.
Người phụ nữ luôn đi đầu trong phát triển kinh tế tại xã vùng cao
Qua lời giới thiệu của nhiều người, chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1979), tại xã Thượng Long, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế và một ngày hè oi nóng.
Khi biết PV tìm gặp chị để viết bài về tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, người phụ nữ Cơ Tu này rè rặt, gượng gạo vì tự cho rằng mình không có gì nổi bật, cũng chẳng làm kinh tế giỏi.
Với sự động viên của PV, người phụ nữ chất phác ấy bộc bạch, tại xã Thượng Long nói chung và tại thôn 6 nơi chị sinh sống nói riêng đất đai ít phù xa và hay thiếu nước nên người dân gặp khó khăn trong việc trồng lúa nước. Thêm vào đó, bà con nơi đây chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng lúa nước nên hiệu quả đạt được không cao.
“Trước đây, tôi cũng như các hộ dân tại đây chỉ trồng lúa theo kinh nghiệm tự có. Chúng tôi không biết khi nào bón thúc, bón lót cho lúa nên vừa tốn phân, vừa tốn sức mà hiệu quả lại không cao”, chị Thu dẫn dụ một kinh nghiệm trong trồng lúa nước.
Sau khi được cử đi tập huấn, chị Thu đưa khoa học kỹ thuật vào trồng lúa nước và kết quả thu được hết sức khả quan. Cụ thể hơn, nếu trước đây 01 sào (500m2) trồng lúa chỉ đạt được khoảng 1,5 tạ thóc thì giờ đây đã đạt năng suất 03 tạ/sào.
Tiếng lành vang xa, năng suất trong trồng lúa nước của gia đình chị Thu đã được người dân trong thôn, xã biết đến và học tập theo. Chị Thu cho biết, từ 03 hộ trồng lúa nước trong năm 2015, đến nay gần như toàn bộ 64 hộ dân trong thôn 6 đều tham gia trồng lúa nước. Và, nhờ có thóc gạo đầy đủ nên cuộc sống của người dân trong thôn cũng ổn định hơn, chủ động hơn.
Tiếp câu chuyện của mình, chị Thu cho hay, vừa qua với sự hỗ trợ từ Phòng nông nghiệp huyện và các tổ chức đoàn thể, chị đã phá được diện tích vườn tạp của gia đình để trồng vào đó 250 gốc cam sành, bưởi da xanh.
Sau 2 năm trồng chăm sóc, 40 gốc cam sành của chị đã cho quả bói và năm 2019. Trong năm 2020, vườn cam của chị đang cho quả sum suê và dự kiến sẽ được thu hoạch vào tháng 8 năm nay.
“Năm 2019, cam đã ra quả bói nhưng mình ăn và cho tặng người thân, bà con trong xóm. Năm nay chắc là được bán rồi. Vì mới trồng nên mình không biết sẽ được bao nhiêu kg, thu được bao nhiêu tiền, nhưng mà nhìn thấy vườn tạp trước đây đã trở thành vườn cam nhiều quả thế này là vui lắm rồi. Cam ngọt lắm, vỏ mỏng. Ai cũng khen thế hết. Mấy nhà xung quanh cũng đang phá vườn tạp để trồng cam, quyết như mình”, chị Thu chia sẻ trong nụ cười ngượng ngùng.
Được biết, cùng với trồng lúa nước, trồng cam, bưởi, hiện tại gia đình chị Thu đang phát triển mô hình chăn nuôi gà thả vườn và có 03 ha trồng keo tràm nên kinh tế của hộ dân này đã khá giả hơn trước rất nhiều. Trong năm 2019, gia đình chị Thu đã xây dựng mới một căn nhà kiên cố.
Nói về tấm gương của chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch xã Thượng Long Lê Minh Khánh cho biết, chị Thu là một người chất phác nhưng không kém phần nỗ lực trong phát triển kinh tế trong địa phương.
“Trước đây, chị Thu là người đi đầu trong việc trồng cao su với 03 ha. Tiếp đó, sau khi cao su bị gãy do bão và giá thành hạ, gia đình chị ấy lại nhanh chóng tiên phong chuyển đổi sang trồng keo tràm. Chị Thu là người đầu tiên áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa nước tại địa phương; người đầu tiên thực hiện xóa vườn tạp để trồng cam, bưởi và kết hợp nuôi gà thả vườn… Nhìn chung, đây là tấm gương luôn đi đầu trong việc khắc phục khó khăn để phát triển kinh tế tại địa phương”, ông Khánh hết lời khen ngợi người phụ nữ điển hình này.
Cũng theo ông Khánh, tinh thần vượt khó của chị Thu đã và đang được lan tỏa trong cộng đồng, nhờ vậy, kinh tế địa phương ngày một khởi sắc hơn. Ông Khánh cho biết, năm 2019 ước tính thu nhập bình quân trên đầu người tại xã Thượng Long là 35 triệu đồng/người/năm, riêng gia đình chị Thu ước đạt hơn 100 triệu đồng/năm.
Với những kết quả này, trong năm 2019, chị Thu – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 6, xã Thượng Long, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được Chủ tịch UBND tỉnh này trao tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2014 – 2019.
Những bông lan nở rực trên vùng đất cát
Một vùng lớn đất đai tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế là đất cát. Trước đây, những diện tích đất ấy thường được trồng keo tràm, thậm chí một số nơi bị bỏ không. Không bằng lòng với thực tại ấy, chàng kỹ sư Lê Văn Tổng (sinh năm 1991) tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tìm nhiều biện pháp để khắc phục khó khăn này.
Tổng cho biết, gia đình anh có một diện tích vườn tương đối rộng nhưng là đất cát nên rất khó khăn trong việc trồng trọt. Trước đó, diện tích này được trồng cây tràm nhưng phải chờ đợi 4 đến 5 năm mới được thu hoạch, thu nhập mang lại cũng không cao.
Sau nhiều lần chuyển đổi cây trồng và nhiều năm đi khắp nơi để tìm hiểu, học hỏi về các loại cây trồng. Năm 2017, chàng kỹ sư trẻ động viên gia đình trồng cây hoa lan.
Sau hơn 2 năm gây dựng, đến nay, Tổng đã có hơn 500 m2 trồng 4.000 gốc lan Moraka được nhập từ Thái Lan và đang cho thu hoạch.
“Sau khoảng 8 tháng trồng, chăm sóc lan đã ra hoa và có thể thu hoạch. Mỗi lần trồng lan có thể cho thu hoạch trong vòng 6 – 8 năm. Mỗi gốc lan cứ chu kỳ 1,5 tháng là có thể cho thu hoạch 01 cành, ước tính mỗi năm có thể thu hoạch được 6 cành/1 gốc và với giá thành giao động từ 6.000 – 8.000 đồng/cành tùy thời điểm dự tính khoảng 4 năm tôi có thể thu hồi lại số vốn 400 triệu đã đầu tư”, Tổng chia sẻ về tương lai đầy hi vọng với mô hình trồng lan trên cát của mình.
Cũng theo Tổng, được biết, dù rằng anh không phải là người đầu tiên thực hiện việc trồng lan trên cát tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, tuy nhiên, đến nay chàng thanh niên tự tin rằng mình là người đang vận hành tốt mô hình này.
“Khi mình cắt cành, gốc lan sẽ lên cao mình nhưng có thể hạ gốc xuống. Hiện tại, trang trại lan của tôi cũng không tốn công nhiều, chỉ cần mẹ và tôi thi tranh thủ thời gian là có thể vận hành được vì cơ bản việc chăm sóc đã được tự động hóa. Ví dụ như tưới nước thì đã có hệ thống vòi phun bắt sẵn, sâu bệnh đã có thuốc đặc trị”, Tổng chia sẻ.
Hiện tại, có nhiều tổ chức, cá nhân đang về tìm hiểu mô hình trồng lan trên cát của chàng thanh niên này để làm theo. Tổng lưu ý rằng, trồng lan cần chú ý đến bệnh bọ trĩ, rệp sáp, ốc sên… và một số loại bệnh do nấm, vi khuẩn mang lại như thôi đen ngọn, thán thư… Tuy nhiên, các loại bệnh này đều có thuốc đặc trị.
Ông Đỗ Viết Tư, Chủ tịch UBND xã Phú Gia, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mô hình trồng hoa lan trên cát của anh Tổng và gia đình là đáng khích lệ. Ông Tư cũng lưu ý rằng, anh Tổng và gia đình cần quảng bá hơn nữa để mô hình được biết đến nhiều hơn, nhân rộng nhiều hơn.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.