GS.TS. Nguyễn Ngọc Kính, nguyên Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Người Làm vườn, tiền thân của Tạp chí Kinh tế nông thôn, nhận xét: Tạp chí trình bày đẹp, nội dung phong phú, bắt kịp thời đại.
Chất lượng rất tốt!
Trò chuyện với ông về nội dung của Kinh tế nông thôn sau 34 năm hình thành và phát triển vào một buổi chiều đầu tháng 3, GS.TS. Nguyễn Ngọc Kính khẳng định: Chất lượng Tạp chí bây giờ rất tốt, cả về nội dung lẫn hình thức.
Ông cho biết, Tạp chí những số đầu tiên (khi đó là Tạp chí Người làm vườn) nội dung đơn giản lắm. Giờ cầm tờ Tạp chí trên khác quá, nội dung bài viết rất tốt. Chẳng hạn, 3 số Tạp chí gần đây có bài về “Rừng trong cuộc sống Hôm nay và Tương lai” viết rất đầy đủ, đi sâu, sát, nội dung phong phú. Phóng viên viết được bài như thế này phải đọc, tìm hiểu, đi thực tế nhiều thì bài viết mới hay như thế.
Những bài viết phân tích về chiến lược phát triển nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và PTNT rất hay, đa dạng, phong phú, sát thực tế… Những phân tích chuyên sâu không những khiến độc giả thấy hay mà nông dân cũng dễ dàng nắm bắt, tiếp cận về chính sách phát triển của nông nghiệp nước ta.
Việc tuyên truyền về khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp khá đa dạng. Nông dân muốn làm nông nghiệp tốt phải có kiến thức về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, điều này Tạp chí tuyên truyền rất kịp thời, tính thời sự cao.
Nhiều bài viết tuyên truyền về xây dựng nông thôi mới hay, sát thực tế, phản ánh đúng những gì xảy ra ở các địa phương đang triển khai xây dựng nông thôn mới. Thậm chí, còn có nhiều bài pháp luật, bất động sản về tình trạng sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng đúng mục đích hoặc không cũng giúp người dân có thông tin kịp thời.
Tuy nhiên, cần tránh đăng thông tin không thực tế, gây hiểu nhầm cho dư luận.
Phóng viên cần đi sâu, sát thực tế
GS.TS. Nguyễn Ngọc Kính nguyên là Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Chất lượng sản phẩm (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chia sẻ câu chuyện về khái niệm nông nghiệp hữu cơ (NNHC), nhiều phóng viên viết chưa đúng khi đăng trên nhiều báo không chuyên.
Qua đó, có ý kiến cho rằng, phương thức canh tác NNHC chỉ đơn thuần là không sử dụng hóa chất (phân bón hóa học, thuốc BVTV...) trong sản xuất để cho sản phẩm sạch. Cách hiểu này là không toàn diện vì không hiểu rõ những điều kiện gì để sản xuất NNHC ngoài yếu tố không sử dụng hóa chất, đồng thời, có sự nhầm lẫn giữa phương thức sản xuất NNHC với phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, bởi vì trong các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, vẫn sử dụng hóa chất (phân bón, thuốc BVTV...) với liều lượng hợp lý (trong phạm vi tiêu chuẩn cho phép), không ảnh hưởng đến môi trường.
Xin nêu một trường hợp cụ thể: Báo Hànộimới số ra ngày 19/5/2017, trên trang 3 có bài “Sản xuất lúa hữu cơ: Hiệu quả nhưng khó nhân rộng” có đoạn viết: “Ông Hoàng Tiến Khanh ở xã Kim Đường nói rằng: “Gia đình tôi gieo cấy hơn 2ha lúa nhưng chỉ được hướng dẫn cách sản xuất sạch theo tiêu chí, cụ thể là “nói không với thuốc BVTV cũng như các chất hóa học khác”. Như vậy, ông Khanh đã không biết rằng sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ yêu cầu các điều kiện nghiêm ngặt như: Đất không có kim loại nặng hoặc kim loại nặng dưới ngưỡng cho phép.
Đất canh tác nếu đã bón phân hóa học thì phải có 3 năm chuyển đổi, tức là sau 3 năm không bón phân khoáng, không sử dụng hóa chất BVTV và bảo quản thì sản phẩm mới được chính thức mang tên sản phẩm hữu cơ.
Khu vực canh tác hữu cơ phải được cách ly để tránh xâm nhập nguồn nước ô nhiễm, tránh xâm nhập ô nhiễm không khí do sử dụng hóa chất BVTV và các nguồn hóa chất khác ở các vùng lân cận.
Để tránh sự hiểu nhầm giữa 2 phương thức sản xuất NNHC và sản xuất nông nghiệp sạch an toàn, đồng thời muốn thực sự làm NNHC, doanh nghiệp và người tham gia sản xuất NNHC phải có hiểu biết về NNHC.
Câu chuyện của GS.TS. Nguyễn Ngọc Kính cho thấy, để viết được một bài chuyên sâu về lĩnh vực nào đó, phóng viên cần phải tìm hiểu kỹ, đi sâu, sát thực tế mới cho ra được tác phẩm có chất lượng.
Qua phóng viên, GS.TS. Nguyễn Ngọc Kính gửi lời chúc Tạp chí Kinh tế nông thôn ngày càng sát cuộc sống hơn, thời sự hơn và phát triển hơn!
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.