Thời gian qua, việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón ngày càng diễn biến phức tạp. Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường tiềm ẩn nhiều hệ lụy, gây thiệt hại cho cả Nhà nước, DN và bà con nông dân.
Đối mặt với tình trạng phân bón giả, tăng giá
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sinh, Giám đốc HTX Xuân Viên (Hải Dương) cho biết hiện nay, người nông dân mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giá cao, nhưng chất lượng lại không đi cùng với giá tiền, không đúng như quảng cáo, giới thiệu trên bao bì.
Cụ thể là nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, HTX nên ghi nhãn mác, thành phần gần giống với bao bì của các đơn vị sản xuất phân bón chính thống. Nếu không để ý kỹ sẽ ảnh hưởng đến cây trồng, gây thiệt hại cho thành viên HTX.
Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao là đơn vị từng liên kết cung cấp phân bón cho nhiều HTX trên cả nước cũng phát hiện một số cửa hàng kinh doanh phân bón nhỏ lẻ lấy vỏ bao bì phân bón Lâm Thao để dùng cho phân bón của các công ty không có thương hiệu, sau đó bán với giá thấp.
Điều này làm người dân, HTX nghi ngờ chất lượng phân bón của doanh nghiệp nên đơn vị này phải nhiều lần đính chính và lên kế hoạch giúp người dân, doanh nghiệp nhận biết, phân biệt nguồn gốc, chất lượng phân bón để họ an tâm sản xuất.
Thực chất, thuốc trừ sâu, phân bón là mặt hàng rất quan trọng đối với các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp, tác động trực tiếp tới hơn 6,5 triệu hộ nông dân là thành viên HTX nông nghiệp cả nước. Trong khi đó, hiện tượng “thật giả, bất minh” đang làm nhiễu loạn thị trường thuốc trừ sâu, phân bón hiện nay.
Khổ vì phân bón giả
Vì sao phân bón giả, kém chất lượng lại có cơ hội tồn tại trong nhiều năm qua?
Đó là do những người sản xuất phân bón giả đánh vào tâm lý hám lợi của các đại lý phân phối nhỏ và nông dân canh tác nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa (con số này không hề nhỏ). Họ sử dụng những mánh lới như bán giá rẻ, bán thiếu tới cuối vụ, khuyến mãi với nhiều hình thức, tặng quà, du lịch… Thậm chí lợi dụng cả chủ trương "liên kết 4 nhà", đưa cả chính quyền địa phương từ huyện tới xã, hội nông dân... tổ chức hội thảo rầm rộ quảng bá "phân bón giả" một cách công khai. Nông dân sử dụng nhầm phân bón giả, kém chất lượng phải gánh chịu thiệt hại, có khi mất trắng cả một mùa vụ. Đất đai ngày càng bị hoang hóa, sụt giảm năng suất và khó xuất khẩu sản phẩm.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương gần đây, bình quân mỗi năm phát hiện, xử lý hàng ngàn vụ phân bón giả, kém chất lượng. Hằng năm, cục kiểm tra hàng ngàn hộ kinh doanh phân bón thì có hàng trăm hộ vi phạm (khoảng 42%). Kiểm nghiệm hàng ngàn mẫu phân bón thì có hàng trăm mẫu (khoảng 31%) không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Địa phương tôi từng có nhiều cuộc hội thảo tập huấn cho nông dân nhận biết phân bón giả, kém chất lượng nhưng thực tế không mang lại hiệu quả thiết thực vì nông dân hầu như không có trình độ khoa học kỹ thuật chuyên môn, các trang thiết bị kiểm nghiệm cũng không có nên họ làm công việc này như mò kim đáy biển. Đến khi đem tiền ném xuống ruộng xong, ngồi chờ kết quả từ 2-3 tháng, mới phát hiện phân bón giả thì đã muộn.
Qua đó, bên cạnh việc siết chặt khâu sản xuất, cần xử phạt nặng các cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng để răn đe, hai ngành công thương và nông nghiệp cần tích cực phối hợp, lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành các cấp, thường xuyên thanh - kiểm tra từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn nhỏ cho tới các đại lý nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa mới có thể hạn chế thấp nhất hiện tượng phân bón giả, kém chất lượng, bảo vệ công sức và thành quả lao động cho nông dân.
Người nông dân nên tổ chức sản xuất theo HTX
Theo Cục Quản lý thị trường, việc sử dụng phân bón kém chất lượng mỗi năm gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp hơn 800 triệu USD. Tuy nhiên, theo dự báo của đơn vị này thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có những diễn biến phức tạp. Điều này có nghĩa nếu các HTX không nắm bắt thông tin, tìm hiểu các đơn vị cung ứng phân bón uy tín để liên kết cung cấp đầu vào theo hợp đồng thì tình trạng vừa sản xuất, vừa lo lắng về phân bón giả sẽ vẫn còn diễn ra.
Đặc biệt việc sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít HTX đang chủ động đầu tư máy móc sản xuất phân bón hữu cơ. Bởi hiện nay, nhiều bà con nông dân khi đi mua phân bón vẫn mua theo thói quen, ra cửa hàng họ đưa loại nào dùng loại đấy.
Thói quen này tạo điều kiện cho các loại phân bón giả nhãn mác được đưa ra thị trường, làm hạ thấp giá trị của các sản phẩm phân bón hữu cơ, phân bón bảo đảm chất lượng của các HTX. Trong khi các HTX sản xuất hay đứng ra phân phối phân bón bảo đảm nguồn gốc từ các doanh nghiệp tuy có sản phẩm tốt hơn nhưng lại hạn chế trong quảng bá, tiếp cận khách hàng nên khó cạnh tranh được với các đơn vị, cá nhân bán phân bón kém chất lượng nhưng có giá rẻ.
Theo các chuyên gia, người nông dân nên tổ chức sản xuất theo HTX, bởi vì HTX sẽ có những thông tin trao đổi về kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ nên sẽ biết được những sản phẩm phân, thuốc nào đủ tin cậy. Bởi khi HTX nhập phân bón đều có hóa đơn, chứng từ rõ ràng.
Không chỉ "đau đầu" về tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, các HTX còn vật vã vì giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn tăng cao và diễn ra trong thời gian dài, trong khi đầu ra cho nông sản đang gặp khó khăn do thị trường còn nhiều bất ổn bởi ảnh hưởng dịch Covid-19.
Ông Phạm Diễn, Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Vinh (Thừa Thiên Huế) cho biết so với năm ngoái, giá phân bón vụ Đông Xuân năm nay tăng 30-50%, trong khi giá các loại thuốc bảo vệ thực vật từ đầu vụ vẫn tăng 10-15% và chưa có dấu hiệu giảm trong khi giá lúa không tăng.
“Bình quân các loại phân bón có giá 10-13 nghìn đồng/kg, thì nay tăng lên gấp đôi. Hiện đang là giai đoạn lúa vào thời kỳ quan trọng là đẻ nhánh nên thành viên cần bón phân để kích thích lúa phát triển và phòng trừ sâu bệnh nhưng giá vật tư tăng cao, thành viên có nguy cơ thua lỗ”, ông Diễn nói.
Còn ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Ia Mơ Nông (Gia Lai) thì cho biết, giá cà phê chỉ quang mức 40.000 đồng/kg, thậm chí còn thấp hơn nhưng phân bón lại tăng giá đến chóng mặt, thành viên HTX chạy theo không kịp.
“Không biết các nhà quản lý có cách gì giúp người dân, HTX không chứ nếu cứ như hiện nay thì những người trồng cà phê chúng tôi chẳng thể nào vui”, ông Thành tâm sự.
Thông tin với báo chí, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay: Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng trong đó quy định các hành vi sản xuất buôn bán hàng giả bị xử phạt hành chính. Mức xử phạt cao nhất là phạt tiền lên đến 200 triệu đồng.
Ngoài ra, cá nhân tổ chức có hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là phân bón còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi” theo Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội này gồm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng, hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên.
Giảm lượng phân, thuốc cần phải đầu tư, tránh bị lỗ
Việc giá các loại vật tư tiếp tục tăng giá so với vụ trước, phân bón giả, kém chất lượng hoành hành trong khi giá bán một số nông sản thấp gây khó khăn trong sản xuất, trồng trọt của các HTX.
Theo tính toán của ban giám đốc HTX Nông nghiệp Diên Hòa (Khánh Hòa), năng suất lúa chỉ đạt khoảng 60-65 tạ/ha, giảm hơn 10 tạ/ha so với năm 2021. Vụ lúa này, các thành viên HTX trồng 210ha, đã thu hoạch khoảng 80% diện tích. Giá lúa hiện nay chỉ khoảng 6.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với năm 2021, trong khi giá đầu tư tăng cao nên các thành viên gần như không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Dù nhiều HTX đang đứng ra cung ứng vật tư, phân bón cho thành viên nhưng phía doanh nghiệp liên kết vẫn có xu hướng tăng giá theo giá thị trường ở mức nhất định. Chính vì vậy, dù được cung cấp phân bảo đảm chất lượng nhưng việc phân bón, thuốc trừ sâu tăng giá, các HTX cũng không nằm ngoài “cuộc chơi”.
Khó khăn này khiến thành viên chần chừ hoặc buộc phải thay đổi hướng sản xuất. Bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX VietGAP Nha Trang (Nha Trang) cho biết, nếu như những năm trước HTX trồng gần 4ha rau thì nay giảm xuống chỉ còn 1ha do chi phí đầu vào tăng cao đã đội chi phí đầu tư sản xuất lên nhiều lần, trong khi các thành viên lại gặp khá nhiều khó khăn trong việc trang trải chi phí và tái đầu tư sản xuất.
Ngoài việc giảm diện tích, nhiều HTX cũng phải tính toán lại để giảm lượng phân, thuốc cần phải đầu tư, tránh bị lỗ. Xét ở một khía cạnh khác, giảm phân, thuốc sẽ giúp bảo vệ môi trường, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng nếu không bón đủ, đúng số lượng thì sản lượng và năng suất cây trồng sẽ bị ảnh hưởng.
Trước thực trạng hiện nay, nhiều HTX không dám nhập phân bón từ doanh nghiệp để trữ trong kho như trước vì tiền phân bón ứng trước cho các thành viên vẫn chưa thu lại được. Trong khi đó, giá phân bón tăng từng ngày, chi phí đầu tư cao, đầu ra chưa thực sự thuận lợi nên có khả năng người dân, HTX sẽ tiếp tục giảm đầu tư, bỏ ruộng hoặc cho thuê đất.
Cùng với đó, giá cước tàu biển và container tăng cũng làm tình hình vận chuyển và giá cả đầu tư sản xuất của HTX tăng lên. Chính vì vậy, để hạn chế đà tăng giá phân bón hiện nay và giảm phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường, Chính phủ cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như ngừng xuất khẩu phân bón, phát triển xử lý phụ phẩm nông nghiệp, tạo phân hữu cơ bón cho cây trồng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường.
Các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để các HTX có thể nhận được vật tư nông nghiệp trực tiếp từ nhà máy sản xuất, giảm chi phí trung gian cho bà con nông dân.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang ký quyết định xử phạt hơn 400 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thương mại Song Dương (gọi tắt Công ty Song Đương) do trang trại lợn của công ty này vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Gỗ xử lý tịch thu không còn hợp pháp là một trong những điều chỉnh được quy định tại Nghị định 120/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành hôm 30/9 khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 102/2020/NĐ-CP.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.
Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.
Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.