Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 12 năm 2021 | 11:5

NTM thổi luồng gió mới về Thụy Hương

Năm 2020, Thụy Hương (huyện Kiến Thụy) được UBND TP. Hải Phòng chọn là 1 trong 8 xã điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.

Đến nay, một số công trình thuộc dự án của xã đã được khánh thành và đưa vào sử dụng, từng bước biến nơi đây thành vùng quê văn minh, xanh - sạch - đẹp.

Hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu

Thực hiện xây dựng xã NTM kiểu mẫu, xã Thụy Hương được phê duyệt tổ chức triển khai thi công 28 công trình (27 công trình giao thông và 1 công trình môi trường), với tổng mức đầu tư phê duyệt của thành phố trên 145 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, huyện Kiến Thụy đã huy động và phát huy tối đa vai trò của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là vai trò của cơ sở thôn và các hộ gia đình trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

 

th2.jpg
Những tuyến đường NTM Kiểu mẫu xã Thụy Hương được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

 

Trong quá trình thực hiện, chính quyền địa phương đã chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo sự đồng tình, ủng hộ trong nhân dân, nhất là trong thực hiện tiêu chí giao thông. Để thực hiện và hoàn thành các công trình NTM kiểu mẫu, huyện Kiến Thụy chỉ đạo các ngành chuyên môn tiến hành tổng kiểm kê các công trình vật kiến trúc của 18/27 công trình, với số hộ bị ảnh hưởng vật kiến trúc là 306 hộ, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ vật kiến trúc trên 10 tỷ đồng.

Đồng thời, vận động 424 hộ dân hiến gần 8.500m2 đất (gồm 4.722,4m2 đất nông nghiệp, 3.773,7m2 đất ở), tương ứng với kinh phí trên 33 tỷ triệu đồng.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, 100% số hộ dân đã hiến đất, nhận tiền hỗ trợ vật tư kiến trúc, giải phóng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công các công trình, tạo điều kiện thuận lợi để xã về đích xây dựng NTM kiểu mẫu đúng kế hoạch.

Hết năm 2020, 4/4 công trình đường giao thông thí điểm thuộc giai đoạn 1 của dự án xây dựng NTM kiểu mẫu ở xã Thụy Hương hoàn thành, với tổng vốn đầu tư hơn 30,2 tỷ đồng. Năm 2021, tiếp tục triển khai 24 công trình còn lại (23 công trình giao thông và 1 công trình về môi trường).

Tổng số 27 công trình giao thông với tổng chiều dài 17,71km. Đến nay, đã hoàn thành 26/27 công trình; 1 công trình còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng 12 này.

Việc cải tạo xây dựng các hạng mục công trình đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng. Các tuyến đường trục chính từ trung tâm xã đến đường huyện có chiều rộng 9m, đường trục thôn rộng 7m, đường liên thôn rộng 5,5m, đường ngõ rộng 3,5 m. Cùng với nâng cấp làm mới hệ thống thoát nước, trải nhựa áp-phan, các tuyến đường cũng được đầu tư làm mới hệ thống đèn chiếu sáng, trồng cây xanh giúp cảnh quan các tuyến đường thông thoáng, đồng bộ.

Qua kiểm tra, rà soát, đánh giá 17 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025 của UBND TP. Hải Phòng, đến tháng 10/2021, xã Thụy Hương đạt 15/17 tiêu chí, gồm: Giao thông, sản xuất, y tế, thủy lợi, điện, trường học, nhà ở, thu nhập, giáo dục, văn hóa, quốc phòng, an ninh trật tự, hành chính công, hộ nghèo, lao động. Hiện còn 2 tiêu chí  chưa đạt là cơ sở vật chất văn hóa và môi trường. Xã đang tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, giải pháp, phấn đấu hoàn thành trong năm 2022.

 

th3.jpg
Chị Nguyễn Thị Dung chăm sóc ruộng rau của gia đình.

 

Luồng gió mới

Từ khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM đến nay, xã Thụy Hương tạo ra sự ngỡ ngàng của không ít người, nhất là những người xa quê bởi sự thay da đổi thịt của vùng quê thuần nông nghèo xưa.

Các tuyến đường giao thông, mặt đường trải nhựa, có vỉa hè, cây xanh, hoa tươi, rãnh thoát nước, điện chiếu sáng, tường rào xây; thùng đựng rác công cộng; hệ thống đường dây điện, viễn thông gọn gàng. Cùng với đó, nhà văn hóa thôn, khu thể thao được chỉnh trang có đủ thiết chế, lắp đặt dụng cụ luyện tập thể thao, câu lạc bộ văn nghệ, thể thao hoạt động thường xuyên....

Là xã thuần nông, Thụy Hương tập trung chỉ đạo thành công phát triển cánh đồng sản xuất tập trung cấy lúa chất lượng cao với diện tích hơn 20ha, đồng thời phát triển các vùng chuyên canh rau màu như: vùng trồng bắp cải, su hào, súp lơ xanh vụ đông; mô hình trồng hoa, cây cảnh, mô hình trồng cây ăn quả. Tiếp tục phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp như: nghề mộc dân dụng, sản xuất bún bánh, chuyển đổi phát triển kinh tế trang trại, gia trại... cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, bình quân thu nhập của Thụy Hương đạt hơn 57 triệu đồng/ người/ năm. Xã không còn hộ nghèo.

Đang nhanh tay chăm sóc cây vụ đông của gia đình, chị Nguyễn Thị Dung ở xã Thụy Hương vui vẻ cho biết: “Tuyến đường NTM kiểu mẫu của xã có đi qua đầu ruộng của gia đình, khi nhà nước vận động nhân dân hiến đất, gia đình tôi chấp thuận ngay. Bởi các công trình có được xây dựng cũng chỉ để phục vụ nhân dân, phục vụ bà con là chính. Từ khi có Chương trình xây dựng NTM, đường làng, ngõ xóm khang trang hẳn, làm nông nghiệp không còn vất vả như trước, khi bây giờ máy móc vào tận nơi thay thế và giảm bớt sức lao động của con người”.

Có được thành quả hôm nay là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự chung tay góp sức của người dân Thụy Hương. Những bài học rút ra trong quá trình thực hiện tại xã Thụy Hương là kinh nghiệm để huyện Kiến Thụy triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu tại xã Thanh Sơn và các xã còn lại trên địa bàn.

Tại lễ khánh thành các công trình, dự án huyện NTM và xã NTM kiểu mẫu tại xã Thụy Hương mới đây, ghi nhận những kết quả trong việc triển khai xây dựng NTM tại huyện Kiến Thụy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ đề nghị huyện Kiến Thụy tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố chuẩn bị chu đáo hồ sơ liên quan để sớm được công nhận huyện NTM. Huyện cần phát huy, kế thừa kinh nghiệm xây dựng xã NTM kiểu mẫu Thụy Hương để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công các công trình tại xã Thanh Sơn và tiếp tục lựa chọn các đơn vị xây dựng xã NTM kiểu mẫu trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tiếp tục thay đổi phương thức, mô hình sản xuất nông nghiệp, trong đó, quan tâm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao giá trị sản xuất, sản phẩm nông nghiệp…

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top