Sau nhiều thăng trầm với nghề trồng, cạo mủ cao su, năm 2013, gia đình bà Nguyễn Thị Thu ở ấp Bàu Khai, xã An Lập (Dầu Tiếng - Bình Dương) quyết định chuyển hướng làm ăn: nuôi ếch đồng bằng phương pháp nuôi mô phỏng tự nhiên.
Kiên trì thử nghiệm
Xã An Lập là một trong những địa phương có thế mạnh và truyền thống phát triển các nhóm ngành nông nghiệp, trong đó tiêu biểu là cao su. Tuy nhiên, do khủng hoảng thừa từ năm 2011 đến nay, giá cao su luôn nằm ở mức thấp khiến người trồng cao su tiểu điền gặp nhiều khó khăn.
Nhận thấy nếu cứ đợi mủ cao su lên giá cũng không phải cách hay nên gia đình bà Nguyễn Thị Thu tìm cách chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp. Trong quá trình tìm hướng đi, bà nảy ra ý tưởng cắt bỏ hai sào cao su để thử nghiệm những mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại nhỏ khép kín. Sau khi cân nhắc về mức đầu tư ban đầu, rủi ro trong chăn nuôi và tiềm năng đưa sản phẩm ra thị trường, gia đình bà Thu chọn ếch đồng để thử nghiệm.
Sau hai vụ đầu thất bại do chưa nắm rõ đặc tính sinh học và chu kỳ phát triển của ếch, tổn thất ước tính lên đến 92 triệu đồng, bà Thu quyết định đi học lớp đào tạo nghề nuôi ếch. Sau khi học bài bản quy trình thuần hóa, lai tạo, kỹ thuật nuôi ếch đồng, gia đình bà quyết định vay ngân hàng tiếp tục đầu tư cho mô hình này. Đúng là có học có hơn bởi vụ thứ 3, gia đình bà thu hoạch được hơn 5 tấn ếch thương phẩm. Với giá bán 60.000 - 70.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Tiềm năng lớn
Đến nay, trang trại ếch đồng của gia đinình bà Thu có hơn 20 hồ nuôi ếch thịt thương phẩm và 2 hồ nuôi ếch bố mẹ. Với việc liên tục xoay vòng chu kỳ nuôi ếch từ lúc trứng mới nở ra nòng nọc thành ếch thương phẩm, trại ếch đồng của bà luôn sẵn sàng cung cấp ếch thịt cho các nhà hàng, quán ăn và nhu cầu của người dân An Lập cũng như các địa phương lân cận.
Bà Thu cho biết, ếch được nuôi theo hướng mô phỏng tự nhiên (phương pháp thuần hữu cơ) nên thịt ngọt và thơm, không giống một số giống ếch cao sản được bán ngoài thị trường.
Như để chứng minh cho lời của mình, bà Thu cùng chồng xắn tay áo ra hồ bắt vài ký ếch làm thịt tại chỗ, chế biến ra nhiều món đặc sản như ếch nướng, ếch nấu canh chua, ếch xào lăn để mời những người bạn từ phương xa trải nghiệm. Quả đúng như mô tả của bà Thu, hương vị của những chú ếch đồng được nuôi theo hướng hữu cơ này đặc biệt thơm ngon, giòn dai.
Ông Đỗ Văn Châu, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lập, cho biết, do được thị trường ưa chuộng nên những năm gần đây, ếch đồng thương phẩm của hộ bà Nguyễn Thị Thu đã đến với thực khách nhiều địa phương lân cận, thậm chí nhà hàng ở tận TX.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một cũng lên đặt mua ếch dài hạn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã An Lập cho biết, mô hình nuôi ếch đồng của hộ bà Nguyễn Thị Thu đã đưa đến một “làn gió mới” cho người dân An Lập. Sau thành công của mô hình này, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế từ phương pháp truyền thống, kém hiệu quả và thụ động trong việc tiếp cận thị trường sang hướng chủ động đổi mới, sáng tạo và thích ứng với nhu cầu của thị trường như trồng cây có múi theo hướng hữu cơ, chăn nuôi các loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Mô hình nuôi ếch đồng của gia đình bà Thu đã đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua ếch. Điều đáng trân trọng là gia đình bà luôn sẵn lòng chia sẻ và truyền đạt kinh nghiệm nuôi ếch đồng theo hướng hữu cơ cho những ai có nhu cầu.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.