Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 2 tháng 12 năm 2023  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 12 năm 2015 | 11:44

Nuôi heo, gà trên nền đệm lót sinh học: Đảm bảo hai lợi ích kinh tế và môi trường

Kỹ thuật làm đệm lót sinh học không phức tạp, dễ thực hiện. Heo, gà khi nuôi trên nền đệm lót sinh học sinh trưởng, phát triển tốt và đặc biệt, chuồng nuôi không còn mùi hôi thối, không gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều nông dân đánh giá cao mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học.

Trong 2 năm 2014-2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bình Định phối hợp với trạm khuyến nông các huyện triển khai thực hiện 2 mô hình nuôi heo và gà trên nền đệm lót sinh học tại 8 huyện/thành phố Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Nhơn, Hoài Ân với số lượng 8.800 con gà, 120 con heo trên diện tích 1.240m2 đệm lót và 32 hộ tham gia. Mỗi hộ tham gia mô hình nuôi 10 con heo thịt trên diện tích 20m2 đệm lót; 400-500 con gà trên 100m2 đệm lót. Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% con giống, 30-50% vật tư, thức ăn, thuốc thú y… tùy theo khu vực và được hướng dẫn kỹ thuật như thiết kế chuồng trại, làm đệm lót…

Qua mô hình thấy, khi nuôi gà trên nền đệm lót sinh học, gà ít nhiễm bệnh, tăng trọng tốt, tỷ lệ đồng đều cao hơn. Bình quân tỷ lệ sống cao (96,33%), trọng lượng sau 90 ngày nuôi đạt 1,65 kg/con, tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng vượt các chỉ tiêu mà yêu cầu của mô hình đề ra. Hạch toán kinh tế cho 1 con gà: chi 66.000 đồng,  thu 87.100 đồng, lợi nhuận trên 21.000 đồng/con. So với cách nuôi truyền thống, mô hình đã thể hiện được những điểm ưu việt hơn như giảm tiêu tốn thức/kg tăng trọng, giảm công lao động trong việc dọn chuồng, giảm chi phí trong mua chất độn chuồng…

Ở mô hình nuôi heo, heo sinh trưởng, phát triển tốt. Trọng lượng heo lúc thả nuôi là 18 kg/con, sau 90 ngày nuôi đạt 86,3 kg/con. Hạch toán kinh tế bình quân mỗi con heo chi 3,55 triệu đồng, với giá bán 43.000 đồng/kg, thu được 3,71 triệu đồng, lợi nhuận đạt 160.000 đồng/con. So với chăn nuôi trên nền xi măng, mô hình tiết kiệm các chi phí điện, nước, công lao động trong việc tắm dọn chuồng, giảm tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa do giảm được các tác nhân gây bệnh và nền chuồng (lớp đệm lót) luôn khô thoáng và ấm.

Điểm nổi bật lớn nhất mà mô hình đem lại là hiệu quả về môi trường. Khi vào chuồng nuôi, ta không ngửi thấy mùi hôi do phân và nước thải của vật nuôi do được vi sinh vật phân hủy. Khi cào lớp đệm lót, ta không thấy mùi hôi của phân. Mô hình đã khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người chăn nuôi, giảm sự mâu thuẫn trong cộng đồng do ô nhiễm từ các hộ chăn nuôi gây ra.

Các hộ chăn nuôi tham gia mô hình đều có chung nhận xét: Kỹ thuật làm đệm lót sinh học không phức tạp, dễ thực hiện. Heo, gà khi nuôi trên nền đệm lót sinh học sinh trưởng, phát triển từ ngang bằng đến tốt hơn so với phương pháp nuôi truyền thống tại địa phương.

Mô hình đã mở ra hướng phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững, tạo cơ hội việc làm, nhất là đối với những hộ chăn nuôi trong khu vực dân cư, chăn nuôi gia trại, nông hộ với quy mô nhỏ, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã xây dựng nông thôn mới. Cũng trong thời gian trên, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bình Định đã thực hiện 3 cuộc hội thảo nhân rộng và 2 lớp tập huấn ToT nhằm nhân rộng mô hình và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến người chăn nuôi.

Hải Dương

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh trụ đứng

    Khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh trụ đứng

    Với mong muốn tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, chị Nguyễn Gia Hoàng Diễm ở khu vực Thạnh Lợi, phường Phú Thứ, quận Cái Răng (Cần Thơ) đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh trụ đứng trong nhà kính.

  • Khởi nghiệp với mô hình nước bưởi lên men và rượu bưởi da xanh

    Khởi nghiệp với mô hình nước bưởi lên men và rượu bưởi da xanh

    Nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu bưởi da xanh có sẵn tại gia đình để tạo ra những sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe, chị Lê Thị Minh Tâm (ấp Bình An, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp với mô hình Nước bưởi lên men và rượu bưởi da xanh.

  • Làm giàu nhờ đa canh trên vùng đất U Minh

    Làm giàu nhờ đa canh trên vùng đất U Minh

    Không chấp nhận cứ mãi khó khăn ở vùng đất rừng U Minh Hạ, ông Nguyễn Hồng Ánh đi nhiều nơi học hỏi mô hình mới để về địa phương thực hiện và nhanh chóng vươn lên khấm khá.

Top