Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 11 năm 2018 | 11:12

Phát triển bền vững CĂQ: Tăng cường liên kết nông dân và DN

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa  phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững cây ăn quả có múi theo chuỗi giá trị”.

cay_comui_ptho1.jpg

TS. Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc TTKNQG (áo xanh) trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi Đoan Hùng hiệu quả với chủ mô hình.

 

Phát triển thiếu bền vững

Những năm qua, với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, các tỉnh miền núi phía Bắc đã phát triển trồng cây ăn quả đặc sản, trong đó cây có múi chiếm tỷ lệ cao. Với kinh nghiệm sản xuất lâu năm kết hợp với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất cây có múi ngày càng cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, làm giàu cho nông dân miền núi.

Theo định hướng của ngành, sản xuất cây có múi đang phát triển theo hướng bền vững hơn, tạo thành vùng hàng hóa lớn, sản xuất gắn với chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhiều mô hình sản xuất cây có múi hiệu quả theo quy mô gia trại, trang trại, câu lạc bộ, hợp tác xã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Tuy vậy, việc sản xuất cây có múi ở các tỉnh miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn: Giống cũ, thoái hóa, mẫu mã sản phẩm chưa đẹp, kém hấp dẫn; một số vùng sản xuất thâm canh quá cao, lạm dụng phân bón, thuốc BVTV để tăng năng suất dẫn đến rủi ro về sâu bệnh hại, giá thành cao và không đảm bảo an toàn thực phẩm; công nghệ sau thu hoạch (bảo quản, sơ chế, chế biến) còn hạn chế, chưa phát triển nên sản phẩm còn đơn điệu, giá trị gia tăng thấp (chủ yếu là ăn tươi);  thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, chưa xuất khẩu được nhiều dễ dẫn tới “khủng hoảng thừa” khi vào vụ thu hoạch; chuỗi giá trị trong sản xuất cây có múi nói riêng và cây ăn quả nói chung còn ít và ngắn nên sản xuất thiếu tính bền vững, người nông dân chịu nhiều rủi ro.

Sản xuất phải đảm bảo an toàn, chất lượng

Để phát triển bền vững cây ăn quả có múi theo chuỗi giá trị, ông Trần Tú Anh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ, cho biết, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch đã phê duyệt, chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn; theo dõi, đánh giá, lựa chọn các loại cây ăn quả có múi phù hợp, hiệu quả cho từng vùng. Sản xuất theo chuỗi liên kết từ trồng - sơ chế, chế biến - tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô thích hợp; khắc phục hoạt động kém hiệu quả của các hợp tác xã hiện tại và tiếp tục thành lập các hợp tác xã kiểu mới thực sự có hiệu quả; tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư trồng, chế biến theo hướng doanh nghiệp vừa có vùng trực tiếp sản xuất vừa ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với các hợp tác xã, trang trại. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, làm tốt công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm, nhất là đối với bưởi đặc sản; phát triển hình thức truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phấn đấu cơ bản bưởi đặc sản bán ra thị trường phải có tem truy xuất nguồn gốc...

TS. Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đưa ra giải giáp: Cần quy hoạch sản xuất cây ăn quả có múi thành các vùng chuyên canh để thuận lợi trong công tác quản lý, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, gắn với xây dựng các cơ sở hạ tầng bảo quản, chế biến nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm cây có múi.

Về khoa học công nghệ, tổng kết kinh nghiệm sản xuất, mô hình sản xuất hiệu quả, kết quả nghiên cứu khoa học để ban hành quy trình sản xuất phù hợp cho từng loại giống cây trồng, theo từng vùng sản xuất chính, kết hợp với tổ chức các hoạt động tập huấn, thông tin tuyên truyền để chuyển giao cho nông dân áp dụng. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ cảm biến để xác định được sự thay đổi của điều kiện tự nhiên vùng sản xuất, công nghệ tự động hóa về tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân, thuốc BVTV nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Về tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm (trong đó cốt lõi là nông dân và doanh nghiệp), thúc đẩy hình thành các mô hình HTX kiểu mới hoặc câu lạc bộ sản xuất theo quy trình sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật gắn với chứng nhận an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực sản xuất của nông dân thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, tham quan, hội thảo,...

Về thị trường, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý,... nhằm mở rộng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cây có múi.

Về chính sách, chính quyền địa phương các cấp cần vận dụng linh hoạt các chính sách của Nhà nước để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm cây có múi có hiệu quả (như Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;...).

Để hỗ trợ nhà vườn sản xuất cây có múi có hiệu quả,  Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực phục vụ phát triển cây có múi ở các địa phương, tăng cường tư vấn, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn; các địa phương tăng cường hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, hình thành các câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để có đầu ra ổn định; Viện KHKT Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất cây có múi phù hợp với từng giống, từng vùng sản xuất để chuyển giao cho nông dân; nông dân, người sản xuất cần mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất phải đảm bảo an toàn, chất lượng, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo mô hình câu lạc bộ, HTX để hỗ trợ nhau sản xuất có hiệu quả hơn và hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp thu mua, chế biến.

 

 

 

Bá Tiến - Quảng Bình
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top