Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, do ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa tăng cường, kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, từ ngày 1-11 đến 5-11, trên địa bàn tỉnh Phú Yên trời có mưa, có nơi mưa đến rất to, lượng mưa phổ biến đo được khoảng từ 334 - 550,5mm.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh và các ngành chức năng, địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống lũ lụt. Tuy nhiên, do lượng mưa lớn cộng với lượng nước xả lũ của các hồ thủy điện trên địa bàn đã gây ra lũ lụt lớn làm chia cắt nhiều vùng, nhất là các huyện miền núi như: Đồng Xuân, Tuy An; nhiều tuyến giao thông trọng điểm bị tắc; một số khu vực bị mất điện, mất nước… đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân trên địa bàn.
Theo thống kê sơ bộ của các địa phương, đến 12 giờ ngày 5-11, trên địa bàn tỉnh có 7 người chết và 1 người mất tích; 9.679 nhà bị ngập; 150ha lúa vụ mùa bị ngập, mất trắng; gần 4.000ha hoa màu bị ngã đổ; 186 con gia súc chết, 11.000 con gia cầm bị cuốn trôi; 5 thuyền bị chìm; 500ha hồ tôm, ốc bị ngập, sạt lở; hơn 2.000 lồng nuôi tôm hùm bị chết, những thiệt hại nêu trên chưa ước tính được giá trị. Về hệ thống thủy lợi có trên 5km kênh mương bị sạt lở bồi lắp; nhiều đoạn đê, kè cửa sông, cửa biển, hồ đập bị sạt lở nghiêm trọng, ước thiệt hại trên 50 tỷ đồng; về giao thông nhiều tuyến đường bị sạt lở, sụt lún, bồi lấp ước tính sơ bộ thiệt hại ban đầu của ngành giao thông trên 70 tỷ đồng.
Nhiều địa phương của Phú Yên bị nước lũ chia cắt
Theo ông Trà, để sớm khắc phục hậu quả lũ lụt, khôi phục sản xuất, ổn định an sinh trên địa bàn, UBND tỉnh Phú Yên đã có Công văn số 5718/UBND-TH, ngày 5/11/22016, gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và các Bộ, ngành trước mắt xem xét hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn tỉnh Phú Yên:
Cụ thể:
1. Về hỗ trợ gạo cứu đói: 1.100 tấn gạo, hỗ trợ cho 11.200 hộ/33.600 nhân khẩu.
2. Về hỗ trợ hóa chất, vật tư y tế:
1.000kg Cloramine B;
30.000 viên Aquatabs;
500 lít Permethrin;
10 máy phun ULV.
3. Hiện nay, 9 huyện, thị xã, thành phố đều thiếu trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác truyền thông về phòng ngừa, ứng phó thảm họa, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là xuồng cao su có công suất lớn đảm bảo di chuyển được trong điều kiện mưa lũ lớn, địa hình phức tạp. Do vậy, hỗ trợ cho tỉnh 9 xuồng cao su gắn máy để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.
4. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục đường Bộ Việt Nam, Ban quản lý dự án Thăng Long sớm triển khai các phương án khắc phục hư hỏng mặt đường trên tuyến Quốc lộ 1, nhất là đoạn tuyến qua dốc Vườn Xoài, nền đường và mặt đường đã lún, sụt sâu tiềm ẩn nguy cơ sạt, trượt mái taluy âm gây ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 1.
5. Trước mắt đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương xem xét hỗ trợ cho tỉnh sớm khắc phục thiệt hại về giao thông và thủy lợi: 90 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ khắc phục thiệt hại các công trình giao thông là 55 tỷ đồng; hỗ trợ khắc phục thiệt hai các công trình thủy lợi, đê kè là 35 tỷ đồng.
6. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ cho tỉnh được tham gia dự án Đầu tư nâng cấp hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai (cụ thể như: đầu tư hệ thống quan trắc và gia cố hệ thống đê kè các đoạn xung yếu vùng hạ lưu sông Kỳ Lộ và sông Ba), từ nguồn vốn ODA hoặc các nguồn vốn khác.
Trước tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp như hiện nay, UBND tỉnh Phú Yên đã huy động tối đa các lực lượng, thiết bị để túc trực 24/24h để theo dõi, ứng phó kịp thời. Đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương ứng trực, tổ chức cảnh giới giao thông tại các vị trí bị ngập, tắc giao thông để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân./.
Quốc Hùng
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.