Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 9 năm 2022 | 10:48

Quang Bình phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quang Bình (Hà Giang) có sự chuyển biến tích cực về nhiều mặt, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập...

Mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa

Quang Bình là huyện có nhiều xã vùng cao, vùng xa, khó khăn; kinh tế nông, lâm nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế. Vì vậy, huyện xác định phải tập trung đầu tư cho phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế. Bước đầu huyện xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

 

z3722972810780_f3c3b5e5a7dee9c6641be4d876ddf69b.jpg
Vườn cam Sành được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình chị Tô Thị Chiên, thôn Thượng, xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình .

 

 Trước đây, theo tập quán canh tác cũ, bà con các xã Tân Nam, Tiên Nguyên, Bản Rịa, Yên Thành, Nà Khương và Xuân Minh chỉ gieo cấy duy nhất 1 vụ lúa mùa trong năm, đất để hoang nên rất lãng phí. Trên cùng thửa đất đó, nay đã thành 2 vụ; vụ xuân gieo trồng cây lạc, ngô, bí đỏ, dưa hấu. Khi bắt đầu triển khai vào năm 2017, chương trình trồng cây trên đất 1 vụ lúa mới đạt 1,07 ha nhưng đến năm 2022 tổng diện tích thực hiện lên đến gần 100ha. Với tín hiệu tích cực dựa trên năng suất, giá trị thu nhập mà các loại cây trồng đem lại, đặc biệt như cây dưa hấu đạt 120 - 130 triệu đồng/ha, một số xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển cây trồng trên đất 1 vụ. Đây là tiền đề tiến tới sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết, giúp người dân các xã vùng khó khăn giảm nghèo bền vững.

Đối với các xã trọng điểm trồng lúa,  từ khi áp dụng chương trình mạ khay, máy cấy trên đồng ruộng, người dân vừa giảm được chi phí mua giống, vừa tiết kiệm thời gian, công sức lao động. Việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trên các cánh đồng mẫu lớn thực hiện theo 5 cùng, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển đồng đều, cho năng suất, sản lượng tăng lên đáng kể. Để đáp ứng yêu cầu mạ khay, máy cấy của nông dân ngày càng mở rộng, các xã Vĩ Thượng, Tiên Yên, Bằng Lang, Tân Trịnh hình thành 4 tổ sản xuất, dịch vụ nông nghiệp. Vụ xuân năm nay, dù không còn nguồn hỗ trợ của huyện nhưng các tổ vẫn duy trì ổn định, sản xuất được 43.280 khay mạ, gieo cấy 193ha lúa.

Toàn huyện hiện có 34 trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, lợn, gà, vịt, cá thương phẩm. Các hộ đã chủ động mở rộng quy mô chăn nuôi và liên kết với nhau để tiêu thụ sản phẩm. Nhiều gia trại cho thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng, điển hình như: Mô hình nuôi gà của gia đình anh Hoàng Xuân Nhất, anh Hà Văn Thung ở xã Vĩ Thượng, ông Hoàng Văn Pháo ở xã Xuân Giang.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm, ngoài việc triển khai theo chính sách chung của tỉnh Hà Giang, UBND huyện Quang Bình đã chủ động xây dựng cơ chế đặc thù triển khai các chương trình, mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương. Đến nay, có 8 chương trình, 4 mô hình được triển khai và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, một số chương trình trồng cây vụ đông, khảo nghiệm cây Sa nhân chưa khuyến khích người dân tham gia, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, người dân còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Tăng Trung In, Phó chủ tịch UBND huyện Quang Bình, cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị với quy mô ngày càng lớn, đi đôi sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn mác, thương hiệu các sản phẩm chủ lực của huyện. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, khó khăn, ngành Nông nghiệp và các xã, thị trấn đưa ra các giải pháp, cách làm hay; duy trì, phát triển các chương trình, mô hình đảm bảo thực chất, chiều sâu, không dàn trải, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế của từng vùng, ưu tiên xây dựng sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch”.

Phát triển sản phẩm đặc sản

Bên cạnh việc tìm hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, phát triển và nhân rộng các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương,  Quang Bình còn từng bước đưa sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu và hướng tới nền nông nghiệp bền vững.

 

z3722972818525_7e09090f9e22ae9b9e82d130a9f121be.jpg
Chị Lý Thị Tiến, ở thôn Ngòi Han, xã Tân Trịnh, được mệnh danh là “Triệu phú ở Ngòi Han”.

  

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, có sức cạnh tranh trên thị trường và phát huy thế mạnh của sản phẩm một cách bền vững, huyện tiếp tục khai thác hiệu quả các vùng kinh tế. Đối với các xã vùng cao, huyện thực hiện tốt chính sách hỗ trợ con giống theo Chương trình 30a, giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Với cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế, chị Lý Thị Tiến, dân tộc Dao, ở thôn Ngòi Han, xã Tân Trịnh, được mệnh danh là “Triệu phú ở Ngòi Han” - một trong những điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.

Sau gần 10 năm dày công gây dựng, trang trại của chị Tiến đã và đang hoạt động ổn định, tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương và đạt doanh thu hơn 600 triệu đồng/năm. Với quy mô trang trại gồm: 12ha vườn trồng cây cam sành; hơn 5ha đất trồng keo và cây bồ đề; nuôi 32 con trâu sinh sản, chủ yếu cho các hộ nghèo, anh em trong thôn, xóm nuôi giữ, sau đó cho họ con giống và sức kéo; nuôi vỗ béo trâu tại nhà 7 con, mỗi năm bán 1 lứa 7 con rồi gối lại, riêng thu nhập từ nuôi trâu vỗ béo trâu, gia đình chị Tiến có thu gần 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chị còn duy trì hơn 30 con lợn đen, ao cá tổng hợp và nuôi thêm gà, vịt, chủ yếu phục vụ bà con trên địa bàn.

Để có được những “trái ngọt” trên mảnh đất cằn này, vợ chồng chị Tiến đã không ngừng học hỏi, tìm tòi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: Cải tạo đất cằn, dốc thành những mảnh vườn màu mỡ, cuốc luống bằng chống xói mòn; nói không với thuốc trừ cỏ; đầu tư hệ thống phun, tưới nước để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng hay xử lý chất thải vật nuôi bằng chế phẩm vi sinh không làm ảnh hưởng đến môi trường; làm tốt các biện pháp phòng dịch bệnh vật nuôi. Đồng thời, trang trại của gia đình còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động nghèo ở địa phương với mức thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện - Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Phòng thường xuyên tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô hàng hóa, tập trung phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Khuyến khích người dân mở rộng chăn nuôi theo mô hình trang trại, sử dụng vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và xu hướng của thị trường. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm lợi thế của địa phương, tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng…

Thời gian tới, phòng sẽ đẩy nhanh tiến độ đổi mới các mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông thôn sạch, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tập trung phát triển sản phẩm đặc sản, thế mạnh của từng địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch nông thôn.

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top