Dù là một trong những huyện động lực của tỉnh Hà Giang, song Quang Bình vẫn còn 8/15 xã thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Dù là một trong những huyện động lực của tỉnh Hà Giang, song Quang Bình vẫn còn 8/15 xã thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Chương trình 135 - Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Điều kiện tự nhiên phức tạp, địa hình hiểm trở, dân cư phân tán, khí hậu khắc nghiệt gây rất nhiều khó khăn trong việc huy động học sinh tới trường và duy trì sĩ số. Mặc dù vậy, vượt qua những khó khăn, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, thường xuyên đứng top cao của tỉnh, đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn.
Ong Lý Việt Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Những năm đầu mới thành lập huyện (tháng 12/2003), ngành Giáo dục và Đào tạo huyện gặp rất nhiều khó khăn như điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, hệ thống trường lớp chưa được đầu tư nâng cấp, đội ngũ giáo viên thiếu hụt… Khu vực trung tâm đã khó, các xã vùng 135 còn khó khăn hơn.
Thách thức lớn đòi hỏi những người làm giáo dục Quang Bình phải nỗ lực và sáng tạo hết sức để vượt qua khó khăn. Những năm vừa qua, tranh thủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của tỉnh Hà Giang và huyện, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu cho UBND huyện thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng trường chuẩn quốc gia (12/45 trường đã đạt chuẩn), đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn… Các giải pháp này đã mang lại hiệu quả tương đối khả quan khi đến nay, mạng lưới trường lớp, quy mô học sinh tiếp tục được kiện toàn và duy trì ổn định, cơ sở giáo dục của huyện được đầu tư phát triển. Hiện 100% số xã, thị trấn đã mở được lớp mầm non, tiểu học đến tận thôn, bản; 100% số xã, thị trấn có các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Song song với việc mở rộng mạng lưới trường lớp, ông Lý Việt Hùng cho hay, công tác quan trọng hàng đầu trên địa bàn huyện là nâng cao chất lượng giáo dục. Để làm được điều này, huyện đã không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên. Hiện, toàn ngành có 1.391 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó trình độ đào tạo 100% đạt chuẩn (55,57% trên chuẩn). Chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao, số lượng giáo viên giỏi cấp huyện, giỏi cấp tỉnh hằng năm đều tăng.
Ngoài ra, huyện cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý giáo dục, giúp thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới phương pháp dạy và học. Việc áp dụng phần mềm quản lý trường học và các phần mềm ứng dụng khác đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh có nhiều cơ hội để phát huy năng lực, nâng cao chất lượng dạy và học.
Chất lượng giáo viên ngày càng nâng cao, giúp chất lượng giáo dục được cải thiện. Cụ thể, học kỳ I năm học 2017 - 2018, với giáo dục mầm non, chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ được duy trì và ngày càng nâng lên, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở cả nhà trẻ và mẫu giáo đều tăng. Vì vậy, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được duy trì, tỷ lệ huy động đạt 100%. Riêng với các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, công tác giáo dục mầm non tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng.
Với giáo dục tiểu học, tỷ lệ học sinh hoàn thành các môn học đạt 97%, 100% học sinh đạt về năng lực và phẩm chất. Riêng giáo dục THCS, tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi chiếm 42,52%, học lực yếu chỉ còn 6,03%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được duy trì và ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng giải thông qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia.
Ngoài giờ học trên lớp, học sinh được tham gia đầy đủ các hoạt động tập thể, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Toàn ngành còn đặc biệt chú trọng, phát triển năng khiếu của học sinh. Việc giáo dục đạo đức trong nhà trường và ngoài xã hội được đặc biệt quan tâm, học sinh trên địa bàn huyện không mắc vào các tệ nạn xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lý Việt Hùng chia sẻ, khó khăn của các nhà trường hiện nay một phần là do điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn chậm phát triển nên tiềm lực về cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình. Hiện, vẫn còn một số điểm trường tiểu học có phòng học bán kiên cố, đưa vào sử dụng nhiều năm đã xuống cấp; công tác xây dựng bổ sung phòng học để mở các nhóm trẻ tại các điểm trường mầm non và công tác sửa chữa, nâng cấp các trường chuẩn cấp THCS chưa được đầu tư; các phòng học chức năng thiết kế chưa đạt chuẩn… Mong rằng, các cơ quan chức năng sẽ chung tay tháo gỡ những khó khăn này, giúp ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Quang Bình đạt nhiều thành tựu hơn nữa trong thời gian tới.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.