Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngay trong đại dịch Covid-19, trật tự và cấu trúc địa chính trị, kinh tế, xã hội thế giới, khu vực đang thay đổi với sự hình thành nhận thức mới, xu hướng mới và động lực tăng trưởng mới.
1. Báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ngày 20 tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngay trong đại dịch Covid-19, trật tự và cấu trúc địa chính trị, kinh tế, xã hội thế giới, khu vực đang thay đổi với sự hình thành nhận thức mới, xu hướng mới và động lực tăng trưởng mới.
Phân tích vấn đề trên cơ sở tư duy phát triển, Thủ tướng khẳng định: “Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, tất cả chúng ta phải cùng nhau đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu”.
2. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhất là trong 75 năm dựng, giữ nước Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo cũng như việc vận dụng tư tưởng của Người những năm sau này, cùng với bài học về đại đoàn kết thì bài học phát huy trí tuệ toàn dân tộc đã tạo nên những sáng tạo đặc biệt, tạo nên bất ngờ để giành thắng lợi vẻ vang.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, chúng ta cũng có rất nhiều sáng tạo nhưng xin chỉ nêu một trí tuệ góp phần làm nên chiến thắng chấn động địa cầu - chiến thắng Điện Biên Phủ. Chuyện kể rằng, Pháp và Mỹ chọn Điện Biên Phủ xây dựng tập đoàn cứ điểm với hệ thống lô cốt kiên cố, hỏa lực mạnh gồm pháo binh và không quân với ý định tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta vì chúng biết pháo binh và phòng không của ta thiếu và yếu. Thật sự đúng như vậy. Theo ghi chép của Lịch sử pháo binh Việt Nam, chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta chỉ có 4 khẩu pháo thu được của Pháp, còn 20 khẩu do bạn bè quốc tế viện trợ vẫn tập kết trên đất Trung Quốc, đưa về rất khó vì địch đánh bom suốt ngày đêm các trục giao thông đường bộ. Để đưa pháo về Việt Nam, bộ đội ta phải tháo pháo ra, đưa lên đò, chở về Việt Nam, đưa đến điểm tập kết thì lắp ráp lại. Đây là điều bất ngờ lớn đối với Pháp nên khi pháo binh ta nổ súng vào cứ điểm Him Lam thì quân Pháp hoàn toàn bất ngờ và bị tiêu diệt.
3. Nhiều, còn nhiều những sáng tạo trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm của dân tộc nhưng do khuôn khổ trang báo có hạn, chỉ nêu thêm một sáng tạo Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ trên không (17/12/1972 đến 29/12/1972) trên bầu trời Hà Nội giữa không lực Mỹ, mạnh nhất, hiện đại nhất thế giới với hệ thống phòng không còn nhiều hạn chế của ta (Mỹ cho rằng, tên lửa SAM 2 của Việt Nam không thể phá nhiễu và bắn rơi pháo đài bay B52). Thực tế là, trong 12 ngày đêm, tên lửa và hệ thống phòng không của ta đã bắn hạ 34 pháo đài bay B52. Thất bại đau đớn và choáng váng, Đế quốc Mỹ đã phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, rút hoàn toàn quân Mỹ ra khỏi Việt Nam. Vậy là chiến lược “đánh cho Mỹ cút” của Bác đã thành hiện thực. Sau đó 4 năm, chúng ta lật đổ chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
4. Trong hành trình 45 năm xây dựng lại đất nước (1975-2020), nhất là 35 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986 đến nay). Bằng trí tuệ Việt Nam, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã từng bước gỡ khó khăn, xây dựng nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, trở thành điểm sáng về sự vươn lên của một dân tộc yêu hòa bình, có trách nhiệm với cộng đồng thế giới.
Chỉ có đoàn kết, tạo yếu tố bất ngờ bằng trí tuệ, sáng tạo để tạo sự bứt phá thần tốc, táo bạo, chúng ta mới có thể tận dụng những cơ hội hiện có dù bối cảnh là rất khó khăn. Cơ hội đã rõ rệt: Chúng ta khống chế thành công đại dịch Covid-19 trước thế giới nên việc khôi phục sản xuất thuận lợi hơn, nhất là nông nghiệp. Thứ hai, chúng ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với thị trường rất lớn, đa dạng. Thứ ba, sau đại dịch, làn sóng dịch chuyển đầu tư diễn ra mạnh mẽ. Thứ tư, khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, trở thành một lực lượng quan trọng cho sự bứt phá. Thứ năm, chúng ta có đội ngũ nhà khoa học trong và ngoài nước yêu Tổ quốc, muốn cống hiến.
Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội, trước hết, Nhà nước cần nhanh chóng rà soát, kiên quyết xóa bỏ những rào cản đối với phát triển sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm “thói quen bình thường cũ” và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, nhất là về công nghệ nhằm tạo điều kiện để trí tuệ Việt phát huy sáng tạo mạnh mẽ hơn.