Theo lộ trình, cuối năm 2022, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà - Hà Tĩnh) sẽ về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao. Bởi vậy, không kể ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần, địa phương đang tập trung ra quân xây dựng, nâng chất các tiêu chí NTM.
Sức sống mới nơi tâm lũ từng đi qua
Trở lại Tân Lâm Hương vào những ngày tháng Tư lịch sử, nơi từng bị cô lập hoàn toàn trong trận đại hồng thủy hồi tháng 10/2020, chúng tôi chứng kiến thanh sắc của một cuộc sống mới đang hiện hữu, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khang trang, đạt chuẩn, mà “cốt lõi” hơn, đó là đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao.
Với phương châm xây dựng NTM “có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc”, năm 2022, xã Tân Lâm Hương tiếp tục hành trình xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo kế hoạch được giao.
Ngắm nhìn quê hương đang bừng sáng từng ngày, ông Trần Viết Chiến (thôn Thắng Hòa) phấn khởi nói: “Người dân đi làm ăn xa khoảng 5 năm trở lại đây khi về quê hẳn sẽ rất ngạc nhiên vì sự thay đổi của quê hương. Về làng bây giờ không khác gì thành thị, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ từ điện - đường - trường - trạm, đời sống người dân từng bước được nâng cao nhờ những chủ trương phát triển kinh tế trong xây dựng NTM”.
Ông Nguyễn Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương, cho biết: “Tân Lâm Hương được thành lập theo Quyết định số 3072 ngày 01/01/2020 của BTV Huyện ủy Thạch Hà trên cơ sở sáp nhập ba xã Thạch Tân, Thạch Lâm, Thạch Hương. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhờ sự trợ giúp của cộng đồng xã hội, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân, sau trận lũ lịch lử 2020, Tân Lâm Hương đã hồi sinh nhanh chóng”.
Nhân dân phấn khởi, thi đua phát triển kinh tế, từ hộ nghèo đã thoát nghèo, từ hộ trung bình đã trở nên khá giả, giàu có. Đến cuối năm 2021, Tân Lâm Hương có mức thu nhập bình quân đạt hơn 48 triệu đồng/người/năm.Việc chuyển đổi hình thức sản xuất, hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng khoa học công nghệ được xã quan tâm, thực hiện có hiệu quả.
Phát huy lợi thế vùng phụ cận thành phố, Tân Lâm Hương đã tập trung phát triển ngành nghề dịch vụ, thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Một nguồn thu nhập lớn của người dân Tân Lâm Hương là trồng rau gia vị. Giá trị kinh tế từ trồng rau gia vị gấp khoảng 10 lần trồng lúa, mỗi năm nông dân thu 30 - 40 triệu đồng/sào. Hiện nay, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn thường xuyên bám nắm, kiểm tra tình hình sản xuất để tiếp tục tư vấn, hướng dẫn bà con cách thức sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho sản phẩm rau gia vị.
Kinh tế phát triển là điều kiện để người dân Tân Lâm Hương đầu tư, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Sau những giờ lao động, kinh doanh mệt nhọc, người dân Tân Lâm Hương lại tập trung tại các sân thể thao, nhà văn hóa để giao lưu thể thao, tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó.
Bà Nguyễn Thị Vân (thôn Tân Tiến) vui mừng kể, từ khi điểm vui chơi, giải trí được xây dựng xong, chiều nào, bà cũng dành thời gian dắt cháu ra đây để cùng mọi người chăm sóc cây cối mới trồng, vui chơi và hơn thế là để được cảm nhận và hòa chung niềm vui về sự đổi thay của quê hương. “Hơn 70 tuổi đời, giờ mới được thấy xóm làng đẹp đẽ, khang trang thế này, tôi phấn khởi lắm”, bà Vân chia sẻ.
Bên cạnh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, người dân Tân Lâm Hương luôn chú trọng đến vấn đề an ninh trật tự thôn xóm. Các mô hình tự quản, liên kết bảo vệ an ninh trật tự hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Nhiều năm liền, trên địa bàn không có khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự, không có công dân thường trú ở xã phạm tội. Đây cũng là một trong những tiêu chí cốt lõi trong xây dựng NTM đã, đang được nhân dân Tân Lâm Hương gìn giữ, phát huy.
Vững niềm tin trên hành trình xây dựng xã NTM nâng cao
“Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM với nhiều thành quả cũng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn. Sau sáp nhập, địa bàn rộng, với 25 thôn, mặc dù công việc hết sức vất vả nhưng qua đó cán bộ cũng có điều kiện để trưởng thành nhờ thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Cái được lớn nhất là, dân đã tin ở cán bộ, chung sức, đồng lòng vì sự phát triển của thôn mình”, ông Ninh cho biết.
Bước vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn năm 2022, Tân Lâm Hương gặp nhiều khó khăn do phải nỗ lực tập trung phòng, chống dịch Covid-19, ảnh hưởng của thời tiết mưa rét kéo dài. Để đồn sức phấn đấu cho mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, vừa qua, xã đã tổ chức phát động đợt cao điểm 60 ngày thực hiện phong trào xây dựng NTM, huy động tối đa mọi nguồn lực, kêu gọi nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng NTM.
Tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân như thông qua Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung tuyên truyền định hướng cho người dân những ngành, nghề có thu nhập ổn định, tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động ra thị trường các nước có tiềm năng.
Bên cạnh đó, UBND xã Tân Lâm Hương cũng khuyến khích người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất với doanh nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích. Hỗ trợ, động viên người dân phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp tại gia trại, trang trại…
Với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, khi lòng dân đã thuận, tin tưởng rằng, trong công cuộc xây dựng NTM, Tân Lâm Hương sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến tới mục tiêu hoàn thành xây dựng xã NTM nâng cao vào cuối năm 2022.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.