Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 4 năm 2022 | 9:21

Tham gia liên kết, HTX chăn nuôi “sống khỏe” và phát triển thương hiệu

Trong bối cảnh nhiều hộ nuôi gà lao đao vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, thị trường tiêu thụ gà thương phẩm không ổn định do hệ lụy của đại dịch Covid-19 thì các thành viên HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền cùng 100 hộ vệ tinh vẫn kinh doanh hiệu quả.

Trong bối cảnh nhiều hộ nuôi gà lao đao vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, thị trường tiêu thụ gà thương phẩm không ổn định do hệ lụy của đại dịch Covid-19 thì các thành viên HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền, xã Phú Thành (Lạc Thủy - Hòa Bình) cùng 100 hộ vệ tinh vẫn kinh doanh hiệu quả. Gà giống và gà thương phẩm của HTX được tiêu thụ khắp cả nước, đem lại lợi nhuận cao cho thành viên và các hộ vệ tinh.

Thay đổi tư duy, phương thức sản xuất

Anh Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền, cho biết: Với mong muốn thay đổi tư duy, phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết với quy mô lớn, nâng cao giá trị giống gà Lạc Thủy, HTX thực hiện liên kết với 100 hộ chăn nuôi gà trên địa bàn huyện. Việc chăn nuôi theo chuỗi với quy mô lớn sẽ đảm bảo được đầu ra với mức giá ổn định, giúp bà con không bị tồn hàng. HTX cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, cam kết thu mua trứng và gà thương phẩm cho tất cả các hộ vệ tinh. Ngược lại, các hộ vệ tinh cũng phải cam kết chăn nuôi theo đúng kỹ thuật HTX đã tập huấn, trang bị kiến thức. Tất cả những việc làm này đều hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu HTX, giúp các thành viên và hộ vệ tinh cũng như người chăn nuôi trên địa bàn huyện hình thành thói quen làm việc theo chuỗi liên kết, có trách nhiệm trước cộng đồng về những sản phẩm mình làm ra.

 

thực-hiện-tách-gà-trống-và-gà-mái-sau-khi-gà-vừa-ra-khỏi-lò-ấp.jpg
Thực hiện tách gà trống và gà mái sau khi gà vừa ra khỏi lò ấp.

 

Hiện, HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền là cơ sở cung cấp giống gà nổi tiếng cả nước. Gà giống của HTX được vận chuyển bằng máy bay vào TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang). Với 36 máy ấp trứng hiện đại, trung bình 1 tuần cho ra 8 - 10 vạn con gà giống. Ngay sau khi ra lò, gà được tách riêng gà trống và gà mái, loại những con không đảm bảo tiêu chuẩn và tiêm phòng vắc xin. Gà giống được bán với giá 11.000 đồng/con.

Song song với cung ứng gà giống, HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền còn là địa chỉ cung cấp gà thương phẩm có tiếng. HTX có 4 cửa hàng cung cấp gà thương phẩm tại Hà Nội, 2 cửa hàng tại TP Hạ Long và 1 cửa hàng tại Lào Cai. Trung bình mỗi cửa hàng của HTX tiêu thụ khoảng 2 tấn gà/ngày. Giá bán đối với gà hơi là 130.000 đồng/kg, gà đã sơ chế sạch 165.000 đồng/kg. Ngoài ra, gà thương phẩm của HTX còn được tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm Sói Biển.

Tham gia liên kết giúp HTX “sống khỏe”

Việc liên kết chăn nuôi gà Lạc Thủy đã giúp thành viên và các hộ vệ tinh của HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền “sống khỏe” trong đại dịch Covid-19. Anh Cao Văn Dân, thôn Bột, xã Phú Thành - hộ vệ tinh của HTX chia sẻ: Làm hộ vệ tinh, gia đình tôi được HTX hỗ trợ con giống, xây dựng chuồng trại và bao tiêu sản phẩm 100%. Tổng đàn gà của gia đình luôn duy trì khoảng 8.000 con, trung bình mỗi ngày cung cấp cho HTX khoảng 800 quả trứng. Năm 2021, doanh thu từ nuôi gà của gia đình đạt 500 triệu đồng.

 

giống-gà-lạc-thủy-là-giống-gà-ri-bản-địa-của-vùng-lạc-thủy-lạc-sơn-tỉnh-hòa-bình.jpg
Giống gà Lạc Thủy là giống gà Ri bản địa của vùng Lạc Thủy (Lạc Sơn - Hòa Bình).

 

Từ sự mạnh dạn đầu tư vốn, liên kết để chăn nuôi, HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền giải quyết việc làm cho khoảng 40 lao động địa phương. Thu nhập bình quân  7-9 triệu đồng/người/ tháng. Năm 2021, doanh thu của HTX đạt 100 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng.

Ông Hoàng Đình Chính, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạc Thủy, đánh giá: Mô hình chăn nuôi gà Lạc Thủy theo chuỗi liên kết của HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng tầm thương hiệu “Gà Lạc Thủy”. Việc liên kết theo chuỗi không chỉ giúp người chăn nuôi nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định giá và đầu ra sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, mà còn tạo động lực giúp các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tham gia liên kết với các HTX, trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn trên địa bàn huyện tạo sự bền vững, phát triển thương hiệu “Gà Lạc Thủy”.

 

 

 

Thu Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top