Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 3 năm 2018 | 14:54

Thanh Hóa: Cát tặc lộng hành, chính quyền tiếp tay hay “bất lực”?

Dọc hai bờ sông Luồng và sông Mã thuộc địa phận huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) rất dễ bắt gặp những điểm tập kết và khai thác cát phép. Đáng nói là, những bãi cát này hoạt động từ khá lâu nhưng chính quyền sở tại lại “bất lực” trong xử lý.

Một xã có 4 điểm khai thác trái phép

Tại các xã Phú Thanh, Nam Tiến, Nam Động (Quan Hóa - Thanh Hóa), bình quân mỗi xã có ít nhất 4 điểm khai thác và tập kết cát trái phép.

Đáng nói, sự việc này được báo chí phản ánh nhiều lần, nhưng chính quyền sở tại lại chẳng có động thái tích cực nào xử lý, khiến cho những người dân sống quanh đó bức xúc chỉ biết lấy đá ném hoặc tự động khiêng máy lên ủy ban xã nộp.

Anh Phạm Văn T. (39 tuổi) ở xã Phú Thanh cho biết: “Họ hút cả ngày lẫn đêm làm sụt lún đất đai và gây tiếng ồn. Có lần chúng tôi bức xúc quá nên tự xuống tháo máy ra rồi khiêng lên xã để xã giải quyết”.

2-1.jpg
Dọc sông Luồng bắt gặp nhiều bãi tập kết cát trái phép ngang nhiên hoạt động

Cũng theo anh T.: “Tình trạng khai thác cát ở đây diễn ra từ lâu nhưng không thấy các cơ quan nào đến xử lý. Mấy ngày gần đây, do có đoàn thanh tra của Phòng TNMT nên các bãi cát “án binh bất động”, họ dấu máy vào trong các bụi dứa nước chờ vài ngày lại tiếp tục hoạt động”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ tính riêng trên địa bàn xã Phú Thanh đã tồn tại ít nhất 4 bãi tập kết và khai thác cát trái phép quy mô lớn, mặc dù xã này chỉ có khoảng 7km đường sông. Không chỉ có xã Phú Thanh, tại xã Nam Tiến cũng là một điểm nóng về nạn “cát tặc”.  Trong xã có tới 4 điểm hút cát và 2 bãi tập kết cát trái phép.

Đa số các điểm cát tặc ở đây không hút cát lên thuyền mà hút trực tiếp lên bờ. Vào ban đêm, số cát trên được vận chuyển bằng xe công nông hay xe tải nhỏ đi tiêu thụ. Đa số các mỏ không chất chứa nhiều cát  nên khó phát hiện.

4.jpg
Sau khi tập kết lên bờ, cát nhanh chóng được vận chuyển đi tiêu thụ

Ông Cao Văn B. (54 tuổi) trú tại xã Nam Tiến cho biết: “Cát ở sông Luồng đẹp hơn sông Mã, lợi dụng sự buông lỏng quản lý của chính quyền nên cát tặc thi nhau hút. Khi có đoàn kiểm tra, chúng có thể chặt dây neo thuyền, cho máy trôi ra giữa dòng hoặc kéo máy vào bụi rậm để tránh phát hiện”.

Liên quan đến vấn đề cát tặc tự do hoạt động trên địa bàn, ông Hà Văn Đượng, Chủ tịch UBND xã Nam Tiến, cho biết: “Sau khi nhận được thông báo của chính quyền huyện yêu cầu tạm dừng khai thác cát trên sông, địa phương đã xuống kiểm tra, lập biên bản xử lý. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một vài tuần, chúng lại hoạt động trở lại.

Trước thực trạng đó, chúng tôi đã thành lập tổ công tác, phối hợp với bí thư chi bộ và công an viên tại thôn bản để kiểm tra xử lý”.

“Không chỉ có chính quyền xã, mà cả Phòng TNMT huyện, công an huyện cũng xuống kiểm tra xử lý. Tuy nhiên, xử phạt bao nhiêu, như thế nào thì tôi không biết, vì họ đi đến các bãi cát kiểm tra xử lý xong, sau mới qua chúng tôi xin xác nhận”, ông Được nói.

Xử lý chỉ mang tính hình thức

Nhìn những tập hồ sơ xử lý cát tặc trên địa bàn xã Nam Tiến, chúng tôi không khỏi giật mình bởi độ dày của nó. Ngoài bộ hồ sơ ghi rõ “Hồ sơ Cao Văn Hội” (Cao Văn Hội là ông chủ của các bãi cát trên địa bàn).

1-1.jpg
Nếu có động tỉnh các chủ mỏ cho các phương tiện vào các cụi cây cho khỏi bị phát hiện

Lật từng trang hồ sơ, chúng tôi thấy đa số là các biên bản kiểm tra, yêu cầu tạm dừng, cũng như biên bản cam kết của các chủ mỏ. Lâu lâu mới thấy 1-2 biên bản xử phạt hành chính.

Ông Hà Văn Đượng cho biết: “Nạn cát tặc trên địa bàn đang rất nhức nhối, là đơn vị quản lý trực tiếp nhưng việc xử phạt thì cấp xã chỉ trong mức nào đó thôi. Để chấm dứt, các phòng chức năng cần phối hợp để giải quyết”.

Được biết, sau khi có đoàn kiểm tra xuống, phát hiện họ đang hút cát, thì ngay ngày hôm sau những ông chủ các bãi cát đã tự ý lên huyện nộp phạt và làm đơn cam kết không tái phạm.

Tuy nhiên, cái cách nộp phạt của họ chẳng khác nào nộp tiền bảo kê, vì sau đấy họ lại hoạt động bình thường. Thậm chí có những điểm còn hoạt động công khai hơn. Họ xem những lần nộp phạt là những lần được cấp giấy phép để hoạt động.

Các mỏ cát trái phép trên địa bàn huyện Quan Hóa đi vào hoạt động từ lâu, nhưng mãi đến năm 2017, UBND huyện mới có công văn yêu cầu tạm dừng khai thác.

Theo như báo cáo số 296/BC/UBND ngày 12/12/2017 của UBND huyện Quan Hóa, thời điểm trước tháng 5/2017, trên địa bàn huyện được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho 01 mỏ cát tại bản Khằm, xã Hồi Xuân để phục vụ dự án thủy điện Hồi Xuân (thời hạn khai thác là 5 năm, từ tháng 4/2012 đến tháng 5/2017); cấp phép tận thu cát, sỏi lòng sông Mã với 11 điểm, từ xã Thanh Xuân đến xã Trung Sơn (thời hạn cấp phép là trong 2 năm 2013 và 2014).

3.jpg
Các điểm khai thác và tập kết trái phép

Cũng tại theo bản báo cáo, tính từ ngày 10/5/2017 đến ngày 24/6/2017, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa đã ký 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 09 cá nhân, tổ chức với tổng số tiền lên đến 182 triệu đồng. Trong đó trường hợp bị xử phạt lớn nhất là ông Nguyễn Văn Cự (tập kết, khai thác và kinh doanh cát trái phép tại xã Phú Thanh) với số tiền 50 triệu đồng.

Từ đó mới thấy được công tác kiểm tra, xử lý của lãnh đạo địa phương và các phòng ban liên quan còn hạn chế. Chỉ tính những điểm khai thác cát trái phép trên một xã đã gần bằng số lần xử phạt của huyện.

Chính quyền địa phương bất lực trong xử lý hay có sự tiếp tay cho cát tặc lộng hành trên địa bàn?

 

Xuân Sơn - Hà Khải
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top