Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản chỉ đạo tạm dừng chủ trương cải tạo, sửa chữa công trình Trụ sở làm việc của Sở NN&PTNT, để tập trung ưu tiên nguồn vốn cho các dự án đang triển khai dở dang và các dự án trọng điểm của tỉnh.
Được biết, chỉ sau 18 ngày nhậm chức Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, ngày 28/9/2018, ông Lê Đức Giang đã ký Công văn số 3254/SNN&PTNT-VP đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh này phê duyệt kinh phí lên tới 10 tỷ đồng, để cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chưa xem xét chủ trương đầu tư cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc của Sở NN& PTNT
Theo đó, nội dung Công văn số 3254 nói trên của Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa gửi Chủ tịch UBND tỉnh này trình bày: Trụ sở làm việc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa hoàn thành và đưa sử dụng ngày 28/9/2007. Sau hơn 10 năm sử dụng, nhiều hạng mục đã hư hỏng xuống cấp, như: Sảnh ngấm, toàn bộ tầng 6 bị thấm dột, tường xung quanh trong và ngoài nhà sơn đã rêu mốc, bong tróc; gạch lát sàn bị bong lốc; hệ thống điện xuống cấp; hệ thống mạng thường xuyên bị trục trặc do đường dây nằm ngầm trong tường; thiết bị vệ sinh hư hỏng, rò rỉ, bốc mùi rất khó chịu; giếng trời lấy ánh sáng đã lâu không được sửa chữa, mỗi khi trời mưa nước phả vào các tầng rất nguy hiểm….
Theo ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hệ thống cầu thang máy của trụ sở làm việc được đưa vào hoạt động đã lâu (hơn 10 năm), tần suất sử dụng nhiều. Trong lúc đó, Sở lại là một đơn vị quản lý, chỉ đạo đa ngành, đa lĩnh vực, nên các cơ quan đến giao dịch, làm việc sử dụng thang máy rất nhiều, dẫn đến tình trạng thường xuyên hỏng hóc. Hằng năm, Sở đã tiến hành ký hợp đồng với đơn vị chuyên ngành về cầu thang máy để bảo dưỡng định kỳ. Song, 1-2 năm trở lại đây, thiết bị thay thế cho loại thang máy này không còn trên thị trường, dẫn đến rất khó khăn trong sửa chữa mỗi khi thang máy xảy ra hỏng hóc. Vì vậy, việc Sở có chủ trương sửa chữa lớn hệ thống cầu thang máy là rất cần thiết, để đảm bảo an toàn và thuận tiện trong đi lại hàng ngày của cơ quan và các đơn vị đến làm việc.
Từ thực trạng trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh này phê duyệt chủ trương cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc sở, với tổng kinh phí dự kiến là khoảng 10 tỷ đồng.
Sau khi nhận được đề xuất, vào ngày 12/10/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Văn bản số 12740/UBND-THKH, truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh này về chủ trương nêu trên của Giám đốc Sở NN&PTNT.
Nội dung Công văn 12740 nêu rõ: “Hiện nay, nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh đang ưu tiên bố trí cho các dự án dở dang, đang triển khai thực hiện và các dự án trọng điểm của tỉnh. Tại Thông báo số 139/TB-UBND ngày 14/8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: Trước mắt, trong thời gian tới, chưa xem xét việc đầu tư mới và nâng cấp trụ sở các cơ quan, đơn vị cấp sở, huyện. Do đó, UBND tỉnh chưa xem xét chủ trương đầu tư cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc của Sở NN& PTNT”.
Theo quan sát của PV, trụ sở làm việc của Sở NN&PTNT Thanh Hóa đóng tại địa chỉ số 49, Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa là công trình kiến trúc bề thế, bao gồm 2 tòa nhà cao 7 tầng, có quy mô thuộc diện lớn nhất trong số các trụ sở cơ quan cấp sở, ngành của tỉnh Thanh Hóa.
Dư luận địa phương cho rằng, so với trụ sở làm việc của một số sở, ban, ngành khác của tỉnh Thanh Hóa, thì trụ sở làm việc của Sở NN& PTNT là một công trình khang trang, mới đưa vào sử dụng hơn 10 năm, có quy mô lớn. Bởi vậy, công trình chưa thể xuống cấp, hư hỏng đến mức nghiêm trọng, dẫn đến phải nhất thiết tiến hành gấp việc sửa chữa quy mô lớn như đề xuất của Giám đốc Sở NN&PTNT. Theo đó, người dân địa phương hoàn toàn đồng tình với sự chỉ đạo tạm dừng chủ trương sửa chữa, cải tạo công trình trụ sở làm việc của Sở NN&PTNT của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.