Với việc đưa ra mức giá cao nhất là 126.000 đồng/cổ phần, Công ty CP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco) đã chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược của VISSAN.
Ngày 24-3, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) tổ chức phiên bán đấu giá cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược tại Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA).
Theo đó, trong phiên đấu giá này, VISSAN chào bán 11.328.002 cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược, tương đương 14% vốn điều lệ công ty. Đối tượng tham gia là các nhà đầu tư chiến lược đáp ứng tiêu chí về quy định lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của VISSAN như: thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm, có chức năng, ngành nghề kinh doanh phù hợp với VISSAN, có uy tín, kinh nghiệm, năng lực…
Ban tổ chức cùng các nhà đầu tư kiểm tra thùng phiếu trước phiên đấu giá
Phiên đấu giá có 3 nhà đầu tư chiến lược tham gia gồm: Công ty CP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco), Công ty CP Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và Công ty CJ CheilJedang của Hàn Quốc. Giá đấu khởi điểm tại phiên đấu giá được tính là giá đấu bình quân của đợt IPO lần đầu ra công chúng (được làm tròn số) và theo bước giá 100 đồng, tức 80.100 đồng/cổ phần.
Phiên đấu giá lần này nhằm xác định một đối tác chiến lược cùng chí hướng đẩy mạnh thương hiệu VISSAN, cùng gia tăng giá trị cộng hưởng và đồng hành với VISSAN trong dài hạn. Từ đó giúp VISSAN thực hiện tốt hơn nữa nguyên tắc 3M mà công ty đã và đang hướng đến, bao gồm Money (tiền), Meaning (ý nghĩa) và Misson (sứ mệnh).
Bóc niêm phong và mở thư đấu giá trước sự chứng kiến của các nhà đầu tư và cơ quan báo chí
Kết quả, VISSAN đã bán đấu giá thành công 100% số cổ phần cho nhà đầu tư là Công ty CP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco) với giá trúng thầu đạt 126.000 đồng/cổ phần. Hai công ty còn lại đưa ra mức giá thấp hơn Anco là Proconco: 125.000 đồng/cổ phần; CJ CheilJedang: 120.000 đồng/cổ phần. Chốt phiên đấu giá cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, VISSAN thu về hơn 1.427 tỷ đồng cho tỷ lệ nắm giữ vốn là 14%.
Trước đó, ngày 7-3, VISSAN đã bán đấu giá thành công 100% số cổ phần lần đầu ra công chúng với giá đấu bình quân đạt 80.053 đồng/cổ phần, trong đó giá đấu thành công cao nhất là 102.000 đồng/cổ phần, giá đấu thành công thấp nhất là 67.000 đồng/cổ phần. Tổng cộng có 6 nhà đầu tư trúng đấu giá, bao gồm 5 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Chốt phiên đấu giá lần đầu ra công chúng, VISSAN đã thu về gần 907 tỉ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa, VISSAN có vốn điều lệ là 809,14 tỉ đồng, trong đó tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ chiếm 65%, nhà đầu tư chiến lược là 14% (tương đương 11.328.002 cổ phần), nhà đầu tư bên ngoài là 14% (tương đương 11.328.002 cổ phần), cán bộ nhân viên và tổ chức công đoàn công ty là 7% (tương đương 5.664.001 cổ phần). Cũng theo phương án này, ngày 29-4 tới, VISSAN sẽ tổ chức đại hội cổ đông đầu tiên và hoàn thành thủ tục đăng ký, đi vào hoạt động theo hình thức cổ phần vào tháng 6-2016.
Đại diện SATRA và VISSAN tại buổi đấu giá
Với đơn vị chủ quản là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), VISSAN là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm, với bề dày thương hiệu hơn 45 năm. Hiện tại, VISSAN đang sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp, bao gồm: 130.000 điểm bán trên kênh truyền thống, hơn 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc và hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại hơn 60 điểm. Việc lựa chọn đối tác chiến lược, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí không nằm ngoại mục tiêu tập trung phát triển giá trị cốt lõi của công ty, tạo điều kiện hơn nữa cho VISSAN xây dựng và hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bền vững Feed - Farm - Food “từ trang trại tới bàn ăn”, truy xuất nguồn gốc; thực hiện sứ mệnh cung cấp sản phẩm chất lượng cao, dinh dưỡng, góp phần bình ổn giá cả thị trường thực phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cộng đồng.
Anco là doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi được thành lập vào năm 2001 với 2 cổ đông người Việt Nam. Đến năm 2003, công ty này có sự tham gia góp vốn của 3 nhà đầu tư Malaysia với tỷ lệ nắm giữ 61% cổ phần.
Quang Minh
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.