UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định trích ngân sách theo đề xuất “lạ” của Sở Tài chính để hỗ trợ kinh phí cho lãnh đạo UBND huyện Quan Hóa “trang trải” trong công tác chỉ đạo khắc phục thiên tai do bão số 5 gây ra, tổng số tiền 578 triệu đồng.
Ngày 26/10, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4215/QĐ-UBND về việc phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho UBND huyện Quan Hóa để khắc phục hậu quả do bão số 5 gây ra với tổng số tiền 578 triệu đồng.
Như Báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh, ngày 17/10, Sở Tài chính Thanh Hóa có Văn bản số 4334/STC-NSNN gửi Chủ tịch UBND tỉnh, để đề xuất về việc “hỗ trợ kinh phí chỉ đạo khắc phục thiên tai bão số 5 và thực hiện một số nhiệm vụ huyện Quan Hóa”.
Theo đó, Sở Tài chính đã đề nghị UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác chỉ đạo và tiếp đón các đoàn cứu trợ đồng bào bị thiên tai do cơn bão số 5 gây ra trên địa bàn huyện Quan Hóa, với tổng số tiền 578 triệu đồng. Số tiền này sẽ được trích từ nguồn chi quản lý hành chính khác trong dự toán năm 2018.
Đươc biết, trước đó, Sở Tài chính Thanh Hóa đã nhận được Tờ trình số 81/TTr-UBND ngày 19/9 của UBND huyện Quan Hóa về việc hỗ trợ kinh phí chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai do bão số 5 gây ra. Tại Tờ trình này, UBND huyện Quan Hóa nêu: “Trong điều kiện ngân sách huyện hết sức eo hẹp, để công tác chỉ đạo khắc phục thiên tai của cấp ủy, chính quyền huyện triển khai đồng bộ và huy động được lực lượng tham gia, UBND huyện Quan Hóa kính trình Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai, với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ là 2 tỷ đồng”.
Theo “Dự toán kinh phí” gửi kèm theo Tờ trình số 81/TTr-UBND, thì có 8 khoản được UBND huyện Quan Hóa đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh hỗ trợ. Trong đó có những khoản hỗ trợ khiến dư luận “giật mình” như: Hỗ trợ tiền xăng xe 500 triệu đồng cho Cơ quan Huyện ủy-HĐND-UBND huyện và các ngành trong huyện gồm: Công an, Quân sự, Kiểm lâm, Tòa án, Viện Kiểm sát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Ngân hàng Chính sách, Kho bạc, Ngân hàng NN& PTNT, Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế, Bưu chính, Viễn thông, Điện lực, Chi cục thuế, các phương tiện vận tải của các doanh nghiệp, đơn vị thầu xây dựng được huyện điều động hỗ trợ; chi phí mua vật tư, bảo hộ lao động, nước uống, nhu yếu phẩm phục vụ các tổ công tác trong thời gian chỉ đạo 450 triệu đồng; hỗ trợ công tác chỉ đạo của UBND 18 xã, thị trấn 540 triệu đồng; chi phí hỗ trợ lực lượng dân quân tự vệ; đoàn thanh niên, đoàn tình nguyện tham gia giúp dân khắc phục dọn dẹp, xây cất lại nhà ở, làm nhà tạm 250 triệu đồng…
Ngạc nhiên với đề xuất “lạ đời” trên, một người dân từng tham gia nhiều chuyến thiện nguyện tại miền Tây Thanh Hóa chia sẻ: “Trong đợt mưa lũ vừa qua, hàng trăm đoàn hoạt động từ thiện đã đến các huyện miền núi Thanh Hóa thăm, tặng quà động viên người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đại đa số các đoàn từ thiện về với người dân các huyện miền núi Thanh Hóa gặp thiên tai đều tự túc tất cả mọi sự, chứ đâu nhờ chính quyền sở tại hỗ trợ gì đâu. Tại sao lại có chuyện xin trích ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho “công tác chỉ đạo” và “tiếp các đoàn từ thiện”? Nếu tỉnh chấp thuận với đề xuất này của huyện thì rất “ngược đời”, vì việc chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai là trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan, ban, ngành chứ”.
Trao đổi với PV về những vấn đề dư luận quan tâm xung quanh sự việc này, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý ngân sách huyện, xã (trực thuộc Sở Tài chính Thanh Hóa) cho biết: “Quan Hóa là huyện nghèo 30a nên việc thu ngân sách hằng năm rất hạn hẹp. Trong lúc đó, huyện này lại phải gánh chịu thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 5 vừa qua. Mặc dù huyện đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai trong cơn bão số 5 là 02 tỷ đồng, nhưng chúng tôi chỉ xem xét và đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ cho huyện có 578 triệu đồng thôi”.
Việc Sở Tài chính Thanh Hóa đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh này trích ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho huyện Quan Hóa “trang trải” trong “công tác chỉ đạo” khắc phục thiên tai do cơn bão số 5 vừa qua gây ra và “tiếp đón các đoàn cứu trợ” nói trên đã và đang khiến cho dư luận tại địa phương nghi ngại. Bởi lẽ, họ cho rằng có nhất thiết phải dùng ngân sách để chi cho “công tác chỉ đạo và tiếp đón các đoàn cứu trợ” hay không?
Thiết nghĩ, những điều dư luận địa phương đang băn khoăn trước sự việc này, thì chỉ có Sở Tài chính và UBND tỉnh Thanh Hóa mới giải đáp được một cách thỏa đáng.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.