Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 12 năm 2016 | 3:41

Thành quả cho người đi đầu: Thu tiền tỷ/năm

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, những năm gần đây, đời sống kinh tế của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) đã trở nên khá - giàu. Mô hình trồng cam đường Canh của gia đình chị Trịnh Thị Ngoan ở thị trấn Trới là một ví dụ.

Chị Ngoan chăm sóc cam đường Canh.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu đồi bạt ngàn cam, chị Ngoan - người tiên phong trồng cam ở Hoành Bồ kể: Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo, đông anh em, ngay từ nhỏ tôi đã phải sống tự lập. Năm 1988, tôi lập gia đình, được bố mẹ cho ra ở riêng cùng vài sào ruộng (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Cuộc sống ngày một eo hẹp khi 3 đứa con lần lượt chào đời. Năm 2003, tình cờ trong một lần xem truyền hình thấy nông dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có thu nhập cả trăm triệu đồng chỉ từ 1-2 sào cam, tôi luôn tự hỏi sao đất ít mà người ta thu nhiều tiền đến vậy? Đất đồi quê mình rộng, không kém phần màu mỡ, vậy sao phải chịu nghèo khó, vậy là tôi tính chuyện sang tận nơi học hỏi kinh nghiệm trồng cam. 

Sau chuyến tham quan trở về, chị Ngoan bàn với chồng quyết định gom góp tiền, vay mượn thêm mua đất đồi, thuê máy móc cải tạo đất, có rãnh thoát nước rồi trồng cam đường Canh. Chị nhớ lại: “Gần nửa năm trời vợ chồng không nói chuyện với nhau chỉ vì tôi đã dùng hết số tiền ít ỏi tích cóp được sau bao năm và vay mượn thêm để trồng cam. Nghĩ lại tôi cũng thấy mình liều, không một ai ủng hộ, từ người thân cho đến xóm giềng đều can ngăn”. 

Khởi điểm, chị Ngoan mua 1.000 cây giống về trồng, sau hơn 2 năm đã cho những trái quả đầu tiên, chất lượng khá tốt, từ đó chị tiếp tục đầu tư mở rộng vườn, dần dần quy mô vườn của chị lên đến 5.000 cây. Với 7ha cam đường Canh, vụ đầu tiên chị Ngoan thu hoạch trên 7 tấn quả.

Được chiêm ngưỡng những cành cam sai trĩu trong ngày thu hoạch, chúng tôi càng thấm thía hơn những khó khăn, vất vả mà chị Ngoan đã trải qua. Không chỉ tìm hiểu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật qua sách báo, ti vi, mạng internet, để có được hiệu quả kinh tế cao, chị còn tìm đến nhiều mô hình trồng cam ở Hưng Yên, Bắc Giang…, những nơi có thế mạnh về phát triển cam Canh để học tập và tích lũy kinh nghiệm về áp dụng tại vườn nhà. Nhờ đó, vườn cam của gia đình chị luôn phát triển tốt, sản phẩm đạt chất lượng về độ ngon ngọt, được thị trường đón nhận với giá bình quân 40.000 - 50.0000 đồng/kg. Năm 2014, từ vườn cam đường Canh, chị thu về gần 2 tỷ đồng; năm 2015 là hơn 5 tỷ đồng.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng cam đường Canh, chị Ngoan cho biết: Để cam đạt hiệu quả cao, người, trồng cần chủ động nguồn nước tưới cho cam cũng như tiêu úng vào mùa mưa. Vườn cam phải được làm luống, đào rãnh chống úng, khoảng cách giữa các luống cần đảm bảo 2x2m. Nên sử dụng các loại phân hữu cơ (phân chuồng, phân gà) hoặc phân vi sinh để bón cho cây. Chu kỳ bón thường là 25-30 ngày bón một lần. Thời kỳ ra hoa và thời điểm sau đậu trái của cam cần phải được chăm sóc và bón phân nhiều hơn. Đặc biệt, vào mùa mưa, sâu bệnh xuất hiện nhiều nên phải biết cách phòng tránh.

Không chỉ là người tiên phong và thành công trong việc đưa giống cam đường Canh về trồng trên chính mảnh đất quê hương, chị Ngoan còn thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng cam cho các hộ gia đình khác trên địa bàn thôn, xã và một số xã lân cận. Tại thị trấn Trới hiện đã có 6 - 7 hộ học tập và làm theo gia đình chị, với số lượng trồng từ 500 - 1.000 gốc cam, chị Ngoan cũng đã cung cấp trên 20 vạn cây giống và chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cho một số hộ gia đình có nhu cầu trồng trên địa bàn. Ngoài ra, từ việc trồng cam, mỗi năm gia đình chị còn tạo việc làm theo mùa vụ cho khoảng 10 lao động nông thôn với thu nhập 200.000 đồng/người/ngày. Với kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây đến thời điểm này, không chỉ vườn cam của gia đình chị Ngoan mà các hộ trồng cam khác trên địa bàn thị trấn đều phát triển tốt, cam đậu quả to. Hiện, đang vào vụ thu hoạch, thương lái trong và ngoài tỉnh tìm về đặt hàng tấp nập.

Nhờ cần cù, chịu khó, biết áp dụng kỹ thuật và mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị Ngoan đã xây dựng được mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao cho gia đình và làm giàu cho quê hương. Mô hình cùng tấm gương làm giàu của chị Ngoan đáng được nhân rộng để mọi người học tập và làm theo.

Long Vũ

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của huyện liên lục tăng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

  • Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    HG12 và HN6 là hai giống lúa thuần đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành, trình diễn qua 05 vụ sản xuất tại nhiều đồng ruộng khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

  • Chuyện người Dao làm kinh tế

    Chuyện người Dao làm kinh tế

    Trên cung đường bê tông uốn lượn dưới chân đồi quế thẳng tắp vươn mình đón nắng, thôn Bỗng 2 xã Cam Cọn (Bảo Yên, Lào Cai) dần hiện hữu.

  • Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vĩnh - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại VAC, mang lại thu nhập 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

  • Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Sau 4 năm thực hiện nuôi gà bằng thảo mộc, chàng trai Hà Minh Nguyện (SN 1993), phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện, trứng gà thảo mộc của Nguyện đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

  • Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Những chàng trai, cô gái đã đem sức trẻ chinh phục núi rừng để xây dựng quê hương thứ 2 ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới, khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng bước xây dựng Làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Top